Cần lộ trình phát triển du lịch cộng đồng tại quê hương Anh hùng Núp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Tơ Tung, huyện Kbang là một địa phương giàu truyền thống cách mạng có đa dạng các loại hình sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng còn lưu giữ trong đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống tại nơi đây. Chính những điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho xã Tơ Tung phát triển du lịch cộng đồng - một hình thức du lịch gắn kết du khách với người dân bản địa. Hiện nay, huyện Kbang đã và đang triển khai một số chương trình nhằm duy trì những giá trị tốt đẹp ấy, hướng đến một tương lai phát triển du lịch tại vùng đất quê hương Anh hùng Núp.

Các sản phẩm truyền thống được trưng bày tại Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: Hà Duyệt
Các sản phẩm truyền thống được trưng bày tại Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: Hà Duyệt

Từ năm 2015 đến nay, huyện Kbang đã đầu tư phục dựng khu làng kháng chiến Stơr và làng nghề truyền thống tại xã Tơ Tung. Hai công trình này được đặt gần kề với Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, tạo nên một chuỗi các điểm di tích lịch sử, điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống nội làng Stơr. Khu làng truyền thống gồm có 7 ngôi nhà sàn, với vách tranh tre, sàn gỗ, mái bê tông giả tranh và một con đường lát đá dẫn từ đường chính lên tới làng. Tổng kinh phí thực hiện là trên 4,7 tỷ đồng.

Được biết, hiện đã có 5 hộ gia đình vào sinh sống tại các ngôi nhà này. Chị Võ Thị Quỳnh Như-cán bộ quản lý Nhà lưu niệm anh hùng Núp, cho biết: Đây không phải là các hộ gia đình chính sách mà là các hộ gia đình đang có nhu cầu về nhà ở và biết làm nghề. Trước khi các hộ tiếp nhận nhà thì chúng tôi có làm công tác tuyên truyền cho bà con hiểu rõ, nhận thức rõ về việc tiếp nhận nhà. Đó là vừa giải quyết được  nhu cầu về nhà ở vừa tham gia phục vụ quảng bá du lịch, giới thiệu cuộc sống sinh hoạt, nét văn hóa của dân tộc mình đến du khách. Bên cạnh đó thì bà con có thể kiếm thêm thu nhập khi khách có nhu cầu thì các hộ sẽ nhận phục vụ các món ăn truyền thống của địa phương mình như: gà nướng, cơm lam, rượu cần…và bán các sản phẩm làng nghề.

Tại khu làng nghề truyền thống, hiện nay đã thu hút 3 hộ nghệ nhân làm nghề dệt và 2 hộ nghệ nhân làm nghề đan lát tham gia. Các sản phẩm như khố, áo, chăn thổ cẩm, gùi, thúng… Trong 2 năm (2015 và 2016), huyện Kbang đã đầu tư 37,7 triệu đồng để mua bộ cồng chiêng, nhạc cụ phục vụ việc luyện tập, biểu diễn; đầu tư 47,3 triệu đồng để hỗ trợ công cũng như nguyên liệu cho các nghệ nhân làm nghề truyền thống. Tuy nhiên khi nguồn nguyên liệu để làm nghề thủ công đang ngày càng hiếm hoi thì các sản phẩm do người dân làm ra cũng đang đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được.

 

Ông Đinh Ngơn dạy đan gùi cho thanh niên người Bahnar. Ảnh: Hà Duyệt
Ông Đinh Ngơn dạy đan gùi cho thanh niên người Bahnar. Ảnh: Hà Duyệt

Ông Đinh Ngơn, ở làng Kuk, xã Tơ Tung, hiện đã 70 tuổi nhưng có gần 60 năm kinh nghiệm làm nghề đan lát. Đã gần 4 tháng nay, ông chuyển hẳn lên khu làng phục dựng để sống và làm nghề, ông mong muốn sau này sẽ có thêm nhiều người trẻ học nghề và duy trì nghề truyền thống của dân tộc Bahnar. Muốn đan gùi mình phải vào rừng sâu, đi từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa mới tới nơi có đầy đủ nguyên liệu, rồi chặt cây nhiều khi phải đến 5 giờ chiều mới về đến nhà.

 

Túi thổ cẩm của người Bahnar. Ảnh: Hà Duyệt
Túi thổ cẩm của người Bahnar. Ảnh: Hà Duyệt

Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Thanh Thiếu nhi huyện cũng đã liên hệ các gia đình nghệ nhân, đặt hàng một số sản phẩm như: gùi, thúng, túi xách thổ cẩm… hiện các sản phẩm này đang được trưng bày tại Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Tuy nhiên do chưa được giới thiệu, quảng bá rộng rãi; lại vấp phải sự cạnh tranh với không ít các sản phẩm công nghiệp khác nên tiến độ tiêu thụ rất chậm. Đội cồng chiêng, đội văn nghệ của làng nghề truyền thống hiện có trên 30 người, dù duy trì luyện tập thường xuyên nhưng vẫn chưa có nhiều cơ hội để biểu diễn phục vụ du khách. Thực trạng đó đặt ra không ít thách thức cho ngành chuyên môn ở huyện cần sớm đề ra những hướng đi mới nhằm giải quyết những khó khăn trên.

Ông Đinh Đình Chi-Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện, cho biết: Phòng VH – TT đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, việc thứ nhất là làm sao tăng cường quảng bá, giới thiệu cho khách trong và ngoài huyện sản phẩm văn hóa truyền thống tại làng kháng chiến. Thứ hai là thông qua các hoạt động văn hóa, thông qua các lễ hội góp phần thu hút, giới thiệu cho khách du lịch  biết và chọn nơi đây thành điểm đến; tập trung xây dựng cho làng Stơr trở thành Làng văn hóa kiểu mẫu. Trong đó có nhiều tiêu chí, tất nhiên kết quả là cả một giai đoạn nhưng chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là một tiền đề để phát triển…


 

Một góc làng phục dựng. Ảnh: Hà Duyệt
Một góc làng phục dựng. Ảnh: Hà Duyệt

Làng kháng chiến Stơr xã Tơ Tung, huyện Kbang là một di tích lịch sử cấp Quốc gia đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận. Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động, khai thác những tiềm năng sẵn có, thiết nghĩ huyện Kbang cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho phát triển du lịch cộng đồng tại nơi đây, phấn đấu đưa xã Tơ Tung nói riêng, huyện Kbang nói chung trở thành một trong những điểm đến trong hệ thống các tuor du lịch tỉnh Gia Lai.

Hà Duyệt

Có thể bạn quan tâm

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.