Cán bộ từ chối, nộp lại quà tặng: Nghe thì hay...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo ông Lê Như Tiến, quy định về tặng quà, nhận quà tặng nghe thì hay nhưng khó thực thi.
Theo Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 15/8, cơ quan nhà nước, người có chức vụ chỉ được sử dụng tài chính, tài sản công làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại.
Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định và phải hạch toán, công khai.
Cơ quan nhà nước và người có chức vụ không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến công việc. Nếu không từ chối được, cán bộ phải quản lý, xử lý theo quy định.
Cán bộ cũng phải từ chối khi nhận được quà tặng không đúng quy định. Nếu không từ chối được thì phải báo cáo lãnh đạo và nộp lại trong thời hạn 5 ngày.
"Quy định thì hay, tưởng là chặt chẽ nhưng rất khó có tính khả thi", ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận xét.
Theo ông Tiến, nhiều trường hợp là cấp dưới hoặc những người có việc cần liên lụy đến người có chức vụ đưa quà đến tặng bao giờ cũng kín đáo.
"Gọi là tặng quà nhưng thực chất đó là hối lộ trá hình, để giải quyết công việc thì đương nhiên không bao giờ người ta công khai, minh bạch trước bàn dân thiên hạ. Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi bị phát hiện sai phạm. Thế nên, quy định e rằng khó thành hiện thực được", ông Lê Như Tiến nói.
 
Cơ quan nhà nước, cán bộ khi nhận được quà tặng không đúng quy định phải từ chối hoặc giao lại cho bộ phận chịu trách nhiệm xử lý
Dẫn chứng cho việc rất ít người nộp lại quà tặng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội dẫn báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 cho biết, trong năm 2018 chỉ có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị hơn 451 triệu đồng.
Ông cũng kể lại một trường hợp diễn ra cách đây nhiều năm, một người nước ngoài tặng một lãnh đạo trong bộ máy công quyền của Việt Nam món quà trị giá rất lớn. Việc tặng quà có bảo vệ, văn phòng biết và vị lãnh đạo sau đó đã chuyển lại món quà cho văn phòng để xung công quỹ. Những trường hợp như thế, theo ông Tiến, rất ít.
"Việc từ chối, nộp lại quà tặng phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác của cán bộ, công chức", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý đến loại quà phi vật chất, thứ quà không trả lại được, không nộp lại được cho cơ quan.
"Chẳng hạn, có nơi người ta đưa các cô gái trẻ đến, nói là "tặng quà cho sếp", chẳng lẽ lúc ấy mời cán bộ văn phòng, thanh tra đến chứng kiến? Nó rất khôi hài", ông Tiến nói.
Vì lẽ đó, vấn đề quan trọng là phải kiểm soát được bộ máy. Cùng với những quy định đã có của pháp luật cần thực hiện một loạt biện pháp khác.
Ngoài việc nêu cao tinh thần tự giác của mỗi cán bộ, công chức, theo ông Lê Như Tiến, phải lắp camera ở những nơi nhạy cảm, như phòng làm việc của người có chức vụ quyền hạn có khả năng dễ nhận quà; hoặc khi khách đến mà thấy có dấu hiệu đưa quà thì cơ quan, tổ chức phải bố trí 2-3 người cùng làm việc...
Tương tự, phải có quy định nghiêm cấm mang quà đến nhà riêng người có chức vụ, quyền hạn để tặng cho người đó hoặc người thân thích, nhưng kèm với đó thì phải có cơ chế kiểm soát. Không thể ngày nào cơ quan, tổ chức cũng cử người đến đứng trước nhà người có chức vụ, quyền hạn để xem có ai vào, ông Tiến nói.
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018, có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là hơn 451 triệu đồng.
Trong đó, tỉnh nhiều cán bộ trả lại quà tặng nhất là Bình Thuận với 9 người, hơn 106 triệu đồng; tỉnh Vĩnh Phúc chỉ một người trả lại số tiền 120 triệu đồng...

Chính phủ cho rằng, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện, trong đó việc kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.

Thành Luân (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm

Diện mạo hành chính mới tạo động lực để đất nước phát triển

Diện mạo hành chính mới tạo động lực để đất nước phát triển

(GLO)- Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, chỉ còn vài ngày nữa, đất nước ta chính thức bước vào cuộc chuyển mình vĩ đại nhất kể từ ngày thống nhất non sông. Sự thay đổi về mô hình chính quyền địa phương lần này sẽ đem lại diện mạo hành chính mới, tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả.

Học kỹ, thi thật!

Học kỹ, thi thật!

Việc chuyển giao toàn bộ quy trình sát hạch, cấp, đổi bằng lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, cụ thể là giao cho lực lượng CSGT đảm nhận, đánh dấu một bước ngoặt trong công tác quản lý người điều khiển phương tiện giao thông tại VN.

Nhìn mình đi

Nhìn mình đi

"Nếu như nói một ngày nào đó trong trường học không còn bạo lực, thì tôi có thể nói được, đó là ngày mà người lớn không còn đánh nhau nữa. Ngày đó, trẻ con sẽ nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương thuần túy mà thôi".

Phát huy sức mạnh văn hóa

Phát huy sức mạnh văn hóa

Khi các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật tạo ra lợi nhuận nó không chỉ tự “nuôi sống” mình mà còn góp phần tạo thêm những nguồn lực mới, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp văn hóa.

Thấy gì từ thu thuế đất tăng?

Thấy gì từ thu thuế đất tăng?

Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, thu thuế từ nhà, đất đạt 198,3 nghìn tỉ đồng, tăng 105% so cùng kỳ 2024. Không chỉ bổ sung cho ngân sách một khoản quan trọng, đằng sau con số đột biến này còn rất nhiều vấn đề cần mổ xẻ thấu đáo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy tối đa nội lực.

Cuộc đối thoại về niềm tin và nghĩa vụ

Cuộc đối thoại về niềm tin và nghĩa vụ

Nghị định 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/6/2025 quy định: hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, hoạt động trong các lĩnh vực tiêu dùng trực tiếp như quán ăn, khách sạn, bán lẻ, vận tải... bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, kết nối trực tiếp với cơ quan thuế.

Phòng ngừa rủi ro UAV

Phòng ngừa rủi ro UAV

Trong chuyến đi đến thủ đô Washington D.C của Mỹ vào cuối năm 2024, người viết từng có ý định mang theo một chiếc flycam (máy bay không người lái - UAV - chuyên chụp hình, quay phim) loại nhỏ để phục vụ công việc.

null