Cảm ơn Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bạn đọc nước ngoài đánh giá chuyện phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam đến thời điểm này thành công ngoài sức mong đợi. Họ cũng chia sẻ câu chuyện cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau trong hoàn cảnh khó khăn.

 

Đoàn trung tâm y tế huyện Bình Chánh, TP.HCM may khẩu trang thủ công để trang bị cho đội ngũ nhân viên y tế trên địa bàn huyện - Ảnh: NHẬT THỊNH
Đoàn trung tâm y tế huyện Bình Chánh, TP.HCM may khẩu trang thủ công để trang bị cho đội ngũ nhân viên y tế trên địa bàn huyện - Ảnh: NHẬT THỊNH



Tôi sống trong một khu căn hộ dịch vụ tại Q.2 (TP.HCM) được 2 năm thì vào đầu tháng 3, chủ nhà yêu cầu chúng tôi phải dọn đi vì chúng tôi nuôi chó. Thông qua người môi giới, chủ nhà cho biết họ sợ chó có thể có virus corona vì trên báo chí đăng thông tin này.

Chúng tôi phải gấp gáp chuyển nhà và không vui vì điều đó. Đó là lúc tôi bắt đầu chú ý đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Khi chúng tôi dọn đến ngôi nhà mới, dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bước vào đợt lây lan số 2 ở TP.HCM, với tác động nặng hơn. Lúc này, nhiều doanh nghiệp, trong đó có công ty của tôi, không còn nhiều việc để làm. Vì vậy, tôi muốn làm gì đó giúp đỡ mọi người vì chúng ta đang ở trong hoàn cảnh bỗng nhiên mình bị bất lực bởi một tình huống ngoài tầm kiểm soát.

Đề nghị của tôi đơn giản nhằm hỗ trợ việc mỗi người hạn chế đi ra ngoài, góp phần cùng Chính phủ Việt Nam làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.

Khi đi lấy phần ăn mình đặt bên ngoài, tôi đến các nhà hàng quanh khu Q.2 nhận giúp đơn hàng của cư dân và giao cho họ. Tôi hi vọng hành động nhỏ của mình có thể giúp ai đó bận rộn hoặc đang trong tâm trạng rối bời vì dịch bệnh có chút an ủi.

Từ khi dịch bệnh xảy ra, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TP.HCM đã có những nỗ lực để giúp đỡ cộng đồng bị ảnh hưởng. Dù việc kinh doanh đã giảm sút nhiều, họ vẫn giảm giá bán, miễn phí giao hàng... hoặc quyên góp khẩu trang, vật tư y tế, tiền bạc.

Có dịch bệnh COVID-19 hay không, việc giúp đỡ người khác là rất quan trọng, nhất là trong những lúc khó khăn vì tục ngữ Việt Nam có câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Chung tay giúp đỡ cộng đồng bằng vật chất, tài chính hay công sức là rất truyền cảm hứng, tuy nhiên trong bối cảnh lực lượng chức năng đang gồng mình chống dịch, việc mỗi người trong chúng ta thận trọng hơn, nghiêm túc cách ly, hạn chế các giao tiếp xã hội, đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay thường xuyên, khai báo thành thật... cũng là một sự giúp đỡ đáng kể để dịch chậm lây lan.

Cho đến nay, có thể nói Việt Nam đã rất thành công và tuyệt vời trong suốt thời gian dài chống chọi trước bệnh dịch. Tôi may mắn được ở Việt Nam, một đất nước xinh đẹp, nơi Chính phủ tập trung vào việc chăm sóc người dân và người nước ngoài sống ở Việt Nam trong bối cảnh này. Cảm ơn Việt Nam.


 

ANGELI CASTILLO (người UAE)


 

Xã hội trở nên gắn kết hơn

Khi dịch COVID-19 lần đầu tiên lan đến các nước châu Âu và chính phủ buộc phải thực thi các biện pháp phòng chống, chắc chắn khi đó có những phản ứng tiêu cực từ phía người dân.

Rất nhiều người đánh giá thấp virus này và cho rằng nó chỉ là một loại cúm khác. Nhưng vì nó lan truyền rất nhanh trong khoảng thời gian ngắn nên mọi người đang làm hết sức để ngăn nó lây lan (trừ một số ngoại lệ). Như Nhật Bản, quốc gia tôi đang cư trú, dường như không khắt khe trong nỗ lực ngăn chặn virus corona.

Tôi nghĩ điều tích cực nhất về đại dịch lần này là nó giúp chúng ta đoàn kết trong thời điểm khó khăn; người dân Bỉ cùng nhau vỗ tay bên ngoài nhà của họ để cổ vũ nhân viên y tế; tình nguyện viên mang nhu yếu phẩm đến những người có nhu cầu; thông điệp về lòng can đảm, giúp đỡ và hi vọng lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Tôi đã rất xúc động khi thấy một số bạn bè của mình cũng chung tay giúp sức. Họ mang nhu yếu phẩm dự trữ từ quán bar - nơi đang đóng cửa vì dịch bệnh - tới cho những người có nhu cầu; tổ chức bữa tiệc khiêu vũ tại gia rồi phát trực tiếp trên Facebook hay đơn giản là chia sẻ kinh nghiệm bản thân về quá trình tự cách ly.

Tôi thấy vui vì chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau cả trên mạng lẫn ngoài đời. Tôi hi vọng khi tất cả những chuyện này qua đi, xã hội sẽ trở nên gắn kết hơn. Ở Bỉ và Hà Lan, chính phủ đang nỗ lực để hỗ trợ tài chính cho người làm trong ngành y tế, các công ty và cá nhân bị ảnh hưởng vì dịch.

Việc giảm bớt gánh nặng kinh tế là điều mà tôi cho là rất quan trọng đối với sự ổn định của cá nhân lẫn tập thể. Những người nổi tiếng ở Hà Lan và Bỉ cũng trực tuyến nhiều hơn, tạo nhiều tiếng cười thư giãn trong giai đoạn khủng hoảng này.


 

NORA WESTGEEST (người Hà Lan)




Theo HỒNG VÂN - HÀ MY ghi (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Giáo dục dùng roi vọt hay ngọt bùi?

Giáo dục dùng roi vọt hay ngọt bùi?

Những giọt nước mắt ân hận muộn màng, những đôi mắt thất thần, những ngón tay bấu chặt lấy mặt bàn đến tứa máu, và cả những cái cười khẩy, bất cần của học sinh phạm lỗi, đều khiến tôi - một giáo viên hơn hai mươi năm đi dạy - ám ảnh nhiều đêm.

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc các trường tiểu học, THCS triển khai dạy học 2 buổi mỗi ngày không thu phí từ năm học 2025 - 2026 thực sự là thông tin mang lại 'niềm vui nhân đôi' với phụ huynh cả nước.

Hoàn thuế, bao giờ chuyển sang 'phục vụ'?

Hoàn thuế, bao giờ chuyển sang 'phục vụ'?

Đó là câu hỏi của nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh thủ tục, quy trình hoàn thuế hiện nay vẫn còn rắc rối, bất hợp lý. Thậm chí trong Dự thảo thuế giá trị gia tăng đang lấy ý kiến, quy định về hoàn thuế còn đẩy rủi ro về phía người mua hàng.

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...