(GLO)- Trong bối cảnh sản lượng đường thành phẩm tồn đọng lớn, giá đường gần ngang với giá thành sản xuất, các nhà máy đường gặp nhiều khó khăn khi bước vào vụ ép năm nay. Tuy nhiên, với cam kết sẽ “thu mua bằng hết mía nguyên liệu và tăng giá lên 50.000-100.000 đồng/tấn so với giá thời điểm cuối vụ” của Nhà máy Đường Ayun Pa đã trút bỏ gánh nặng về đầu ra cho hơn 4.000 hộ nông dân trồng mía vùng Đông Nam tỉnh.
Thưởng cao cho nông dân đốn mía sạch
Cùng với việc đầu tư nâng công suất nhà máy từ 3.200 tấn lên 3.500 tấn mía/ngày và nâng công suất tổ hợp nhiệt điện từ 12 lên 34,6 MW bán trên lưới điện quốc gia, vụ ép 2013-2014, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai đang có nhiều chính sách mới về mua mía hợp lý và hỗ trợ cho nông dân trong các khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo hiểm chữ đường và hỗ trợ giá...
Thu hoạch mía trên cánh đồng Chư Ju, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa. Ảnh: Đức Phương |
Ông Nguyễn Văn Lừng-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai cho biết: Vụ ép 2013-2014 bắt đầu từ ngày 27-11-2013. Diện tích toàn vùng nguyên liệu đạt 9.500 ha, năng suất bình quân dự kiến 64 tấn/ha. Công ty đã ký hợp đồng mua mía trực tiếp với hơn 4.000 nông dân trồng mía khu vực Đông Nam tỉnh. Công ty vẫn mua mía với giá tại ruộng và chịu kinh phí, phương tiện vận chuyển về nhà máy, nhưng không mua xô mà mua mía theo chữ đường. Giá mua mía đầu vụ là 850.000 đồng/tấn đối với mía đạt 10 chữ đường; có hỗ trợ thêm 20.000 đồng/tấn đối với mía thu hoạch đầu vụ ép.
Để đảm bảo khách quan trong cách tính chữ đường, ngoài việc duy trì một hệ thống tính chữ đường hoàn toàn tự động như vài năm nay, Công ty quy định những nhân viên làm việc tại bộ phận lấy mẫu, tính chữ đường sẽ được bố trí ở khu vực cách ly, không được ra ngoài hoặc gọi điện, tiếp xúc với bất kỳ ai trong suốt thời gian làm việc. Công ty sẽ mời đại diện người dân và chính quyền địa phương cùng tham gia giám sát quy trình kiểm định chữ đường trong suốt quá trình sản xuất của vụ ép. Máy đo chữ đường dùng công nghệ của nước Đức và cân hàm lượng do nước Anh sản xuất và được Sở Khoa học và Công nghệ giám định, chứng nhận.
Ngoài ra, lịch chặt mía cũng được xây dựng một cách khoa học, hợp lý và niêm yết công khai cho người dân tham gia, góp ý điều chỉnh trước thềm vụ ép mới. Để mở đường cho nông dân chở mía về nhà máy, đầu vụ ép, Công ty đã hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng 2 ngầm với kinh phí 4,6 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí trên 1,5 tỷ đồng để nông dân tự tổ chức sửa chữa đường chở mía và hỗ trợ thêm kinh phí trung chuyển mía đầu vụ do đường sá lầy lội, khó khăn. Riêng đối với diện tích mía buộc phải chặt sớm để chia ruộng thành nhiều lô chừng 5 ha làm hành lang chống cháy lan cũng được ưu tiên lịch đốn trước và mua mía với giá cao.
Đáng chú ý, vụ ép này Công ty có chính sách thưởng mua giá cao cho nông dân đốn mía sạch. Đối với những xe mía có tạp chất từ 2% trở xuống được xem là mía sạch và sẽ được tăng giá mua lên 20.000 đồng/tấn. Tạp chất từ 2 % đến 3% không bị khấu trừ vào trọng lượng; tạp chất từ trên 3% đến dưới 4% bị khấu trừ khối lượng tạp chất thực tế và tiền vận chuyển tạp chất thực tế; tạp chất trên 4% bị khấu trừ tạp chất gấp 1,2 lần. Ông Lừng cho hay: Cùng với chỉ số chữ đường, tỷ lệ tạp chất cao hay thấp sẽ tác động trực tiếp đến giá mua mía đầu vào và liên quan đến thu nhập, túi tiền của từng chủ mía.
Chủ động phòng-chống cháy mía
Riêng niên vụ 2012-2013, vùng nguyên liệu của Nhà máy đã bị tranh mua mất 46.000 tấn mía và mía cháy trên 470 ha, gây mất trật tự trong vùng và thiệt hại kinh tế của nông dân, sụt giảm sản lượng đường, thiếu hụt nguyên liệu cho Nhà máy vào những tháng cuối vụ ép. |
Dù vẫn cam kết hỗ trợ mua sớm diện tích mía cháy nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân, tuy nhiên niên vụ này mía cháy sẽ không ấn định mức trừ tạp chất là 12% như các năm trước mà tính theo tỷ lệ tạp chất thực tế. Theo cách tính này, thu nhập của nông dân có mía cháy sẽ bị sụt giảm nhiều hơn vì thông thường tỷ lệ tạp chất mía cháy của các năm trước khoảng 14-15%; càng chậm thu hoạch thì phẩm cấp mía cháy càng giảm: trọng lượng giảm, chữ đường giảm, tỷ lệ tạp chất tăng.
Nhà máy Đường Ayun Pa cũng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm về phòng-chống cháy mía qua 18 năm tồn tại của nhà máy. Năm nay, Nhà máy đã ký kết chương trình phối hợp phòng-chống cháy mía với 31 xã, phường có mía trong vùng nguyên liệu để hỗ trợ kinh phí cho lực lượng tại chỗ với nòng cốt là Công an xã. Tổ chức thêm một mô hình phòng-chống cháy mía ở xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa (địa bàn xảy ra nhiều vụ cháy mía năm trước) nâng tổng số mô hình phòng-chống cháy mía lên 5 mô hình ở các xã: Ia Sol, Ia Peng, Ia Yeng, Chroh Pơnan (huyện Phú Thiện) với tổng diện tích mía được bảo vệ là 2.000 ha.
Lực lượng chủ yếu của mô hình là Công an các xã, có trả lương hàng tháng ở mức 3-3,5 triệu đồng/người. Các mô hình được đầu tư dựng chòi canh mía và trang bị ống nhòm, xe chở bồn nước, máy bơm công suất lớn, bố trí lực lượng trực canh chừng 24/24 giờ trên ruộng mía. Kinh phí cho các mô hình này hoạt động do phía Công ty hỗ trợ 30%, chủ mía đóng góp 70% (mỗi vụ chủ mía đóng góp khoảng 200.000-350.000 đồng/ha).
Đức Phương