Cắm chốt cùng lính biên phòng (*): Trắng đêm xuyên rừng tuần tra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đêm ở biên giới Việt - Lào, những cơn mưa giông tầm tã trút xuống nhưng những người lính mang quân hàm xanh không quản khó nhọc, căng mắt trong đêm tuần tra để giữ bình yên cho Tổ quốc
Tiếng ve râm ran cả một góc rừng. Sau bữa cơm tối, các chiến sĩ chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) phân thành 2 nhóm tuần tra song song. Một nhóm tiến về cột mốc, nhóm khác theo hướng trở ra cửa khẩu, quân số còn lại làm nhiệm vụ trực gác ở chốt. Các chiến sĩ cho hay ban đêm, khả năng có người nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở rất cao.
Thấm được nỗi gian nan, hiểm nguy
Trong bóng đêm đặc quánh, ai nấy phải căng mắt ra nhìn, ánh sáng từ những chiếc đèn pin chỉ đủ thấy loáng thoáng vật gần phía trước. Vừa di chuyển, các chiến sĩ vừa dặn nhau đề phòng rắn rết. Một thành viên chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê kể vài tháng trước, trong lúc đang nấu ăn, một con rắn lục bò về lán trại khiến cả chốt một phen hú vía.
Chúng tôi hướng về cột mốc 718. Nơi đây chỉ cách bản Đắc Tà Oọc Nhày (huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông - Lào) hơn một dãy núi. Thượng úy Phạm Đức Nghĩa, Trưởng chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê, cho biết từ nhiều năm nay, dọc con suối luôn có một lối mòn dài hàng chục cây số, hình thành bởi các hoạt động qua lại trao đổi, thăm thân giữa đồng bào hai bên biên giới. Nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đường mòn này và nhiều lối mở khác ở tuyến biên giới Quảng Nam - Sê Kông không còn là "lối đi chung". Bởi dọc biên giới hai nước luôn có các chốt kiểm soát được dựng lên làm nhiệm vụ trực gác. Việc này càng nghiêm ngặt hơn kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, tình trạng người nhập cảnh trái phép phức tạp hơn trước. "Vì thế, nhiệm vụ kiểm soát càng phải được tăng cường, anh em luôn dặn nhau cần tập trung cao độ trong mọi tình huống, không được để bất kỳ người lạ nào lọt qua tuyến phòng thủ đầu tiên này" - thượng úy Phạm Đức Nghĩa bày tỏ.

Các chiến sĩ chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê trên đường tuần tra qua những cung đường rừng trắc trở Ảnh: QUANG HUY
Các chiến sĩ chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê trên đường tuần tra qua những cung đường rừng trắc trở Ảnh: QUANG HUY
Dù khá rành địa hình khu vực quản lý nhưng thượng úy Trịnh Xuân Quỳnh - thành viên chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê - vẫn rất thận trọng khi cùng đồng đội thực hiện các chuyến tuần tra, kiểm soát vào ban đêm. Bởi đường tuần tra dốc nối dốc, hiểm nguy là điều không thể báo trước. Sau các đợt mưa bão, sạt lở núi xảy ra vào cuối năm ngoái, nhiều tuyến đường bị hư hỏng, cây cối ngã đổ chắn lối đi. Thế nhưng, gần như các chiến sĩ vẫn luôn duy trì tuần tra ngày lẫn đêm.
Đường tuần tra hiểm trở nhưng các anh cho biết chưa đêm nào vắng bước chân các chiến sĩ. Họ lặng lẽ làm nhiệm vụ giữa rừng, tất cả vì sự bình yên cho biên giới. Nhiều đêm không ngủ, cả chốt thức cùng phiên gác giữa rừng để làm nhiệm vụ trực chiến.
Tuần tra xuyên rừng
Khi chúng tôi đặt chân đến cửa khẩu quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cũng là lúc những cơn mưa đầu mùa ập đến xối xả. Tiết trời ở miền Tây biên giới Việt - Lào bắt đầu thay đổi thất thường, những người lính biên phòng lại bắt đầu đợt tuần tra xuyên rừng trong đêm.
Màn đêm buông xuống. Đúng 18 giờ, sau bữa cơm với rau rừng, tiếng hô lớn hiệu lệnh tuần tra của đại úy Phan Văn Pháp - Chốt trưởng chốt kiểm soát số 1 Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo - vang lên, tất cả đã sẵn sàng cho chuyến ngược rừng tuần tra trong đêm ở biên ải.

Những chuyến tuần tra xuyên rừng trong đêm của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình trên địa hình hiểm trở nơi biên giới Ảnh: HOÀNG PHÚC
Những chuyến tuần tra xuyên rừng trong đêm của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình trên địa hình hiểm trở nơi biên giới Ảnh: HOÀNG PHÚC
Sau trận mưa, con đường đất cheo leo trên sườn đồi càng trơn trượt, lầy lội bùn đất. Theo chân cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuần tra, chúng tôi phải bám chặt chân vào từng phiến đá chông chênh giữa rừng sâu hiểm trở và thấm được nỗi gian nan, hiểm nguy mà các chiến sĩ nơi đây phải đối mặt từng ngày.
Vừa đi, trung tá Nguyễn Công Hữu, cán bộ tăng cường lên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, nói vùng biên vào mùa này thời tiết thất thường lắm. Ban ngày, nắng nóng gay gắt nhưng cứ đến đêm lại mưa trắng trời. Trong lúc đi tuần gặp mưa, anh em phải nép mình trong các hốc đá trú ẩn, đợi mưa tạnh lại tiếp tục tuần tra.
Theo đại úy Pháp, đêm ở rừng sâu, việc tuần tra cả chục cây số đường núi không dễ dàng, ai cũng vã mồ hôi sau khi trèo qua những con dốc dựng đứng, chênh vênh. "Đến khi mệt quá, các chiến sĩ thay nhau chợp mắt trên phiến đá 5-10 phút rồi lại tiếp tục đi tuần. Mỗi lần đi tuần, các chiến sĩ phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy rình rập" - đại úy Pháp tâm sự.
"Chúng tôi tuần tra vượt qua nhiều đỉnh núi có độ dốc cao, phải bám vào cây để đi lên, đặc biệt khi trời mưa, lúc xuống núi phải đi giật lùi nhưng phải tuần tra liên tục ngày đêm, quyết ngăn chặn các đối tượng xâm nhập trái phép qua biên giới" - trung tá Hữu cho biết.
Việc canh gác, tuần tra của các anh ở đây được thực hiện suốt 24/24 giờ. Ban ngày, lực lượng chia thành 2 tổ, một ở lại gác chốt và tổ còn lại tuần tra lưu động. Ban đêm lại thay phiên nhau đi trực, chỉ thay phiên nhau ăn cơm, vệ sinh cá nhân. "Công việc bám riết hơn một năm nay khi dịch Covid-19 bùng phát" - đại úy Pháp nói.
Thời tiết ở vùng biên mùa này thật khắc nghiệt, sáng nắng, chiều mưa khiến nhiều chiến sĩ ngã bệnh nhưng luôn chia sẻ, động viên nhau và đều giữ vững tinh thần "chống dịch như chống giặc" để luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, cho biết toàn tỉnh có hơn 222 km đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Khăm Muộn và Sạ Vẳn Na Khẹt (Lào). Trước tình hình dịch Covid-19, đơn vị đã triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch bệnh và tăng cường lực lượng cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo và Cà Roòng.
"Với chủ trương khóa chặt biên giới, khóa chặt đường mòn, lối mở, kiểm soát chặt các cửa khẩu trên đất liền và cảng biển để ngăn ngừa tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi quyết tâm không để các đối tượng xâm nhập biên giới nước ta. Vẫn còn đó những gian nan, vất vả nhưng với chúng tôi - những người lính nơi tuyến đầu chống dịch - dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẽ quyết tâm đến cùng, vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ" - đại tá Bình bày tỏ.
(Còn tiếp)
Hoàng Phúc - Quang Huy (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.