Những phiên tòa giả định
Một cán bộ Công an xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn, Nghệ An) chia sẻ, có thời điểm xã này là điểm nóng của tình trạng buôn người. Không chỉ có nhiều nạn nhân bị lừa bán, địa bàn này còn có nhiều đối tượng dụ dỗ, lừa các nạn nhân đi làm “việc nhẹ lương cao” rồi bán lấy tiền. Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng đã tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân nhận thức được các chiêu trò lừa đảo.
“Tháng 7 vừa rồi, từ tin báo của cơ sở, công an xã phát hiện một vụ lừa người đưa đi bán nên xã lập tức báo lên công an huyện ngăn chặn và giải cứu kịp thời nạn nhân”, vị cán bộ công an xã Chiêu Lưu nói và cho biết, công an huyện Kỳ Sơn cũng đã phá được nhiều vụ lừa bán người, giải cứu nhiều nạn nhân.
Đậu Thị Hoan (1971), Moong Văn Thạch (1977), cùng trú xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn và Lộc Thị May (1975, trú xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) bị TAND tỉnh Nghệ An xét xử về tội “Mua bán người”. |
Tháng 7/2023, Công an huyện Kỳ Sơn bắt, khởi tố Lương Thị Toàn (SN 1983) và Moong Thị Nghệ (SN 1990), cùng trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn về tội mua bán người. Trước đó Toàn và Nghệ lừa bán một phụ nữ sinh năm 1989 trú cùng xã với chiêu thức dụ dỗ đi làm công ty lương cao. Tuy nhiên, cả 2 đã cấu kết bán nạn nhân sang Trung Quốc lấy chồng.
Khi trốn được về nước, nạn nhân tố cáo sự việc lên cơ quan công an. Cũng trong tháng 7/2023, Công an huyện Kỳ Sơn tiếp tục bắt, khởi tố Vi Thị Thoan (SN 1977, trú tại Bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu) về hành vi mua bán người. Trước đó, Thoan lừa một người phụ nữ sinh năm 1993 trú tại xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) đi làm công ty với lời hứa “lương cao”. Thực chất, Thoan cấu kết người nước ngoài bán nạn nhân lấy chồng ngoại quốc.
Bản làng miền tây Nghệ An |
Ngoài việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, huyện Kỳ Sơn cũng đã phối hợp tổ chức nhiều phiên tòa giả định về các vụ mua bán người để vừa tuyên truyền, vừa răn đe. Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hồng Lập - Trưởng phòng Lao động TBXH huyện Kỳ Sơn cho hay, đơn vị này đã phối hợp cùng nhiều đơn vị, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, lồng ghép vào các chương trình ở các trường học cho học sinh. Ngoài ra, nhiều phiên tòa giả định vụ việc đã được mở để tuyên truyền, giúp người dân hiểu về nạn buôn bán người và chủ động phòng tránh.
“Chúng tôi phối hợp với công an, tòa án, phòng tư pháp, hội phụ nữ, các tổ chức chính trị xã hội, huyện đoàn để tuyên truyền, tổ chức nhiều phiên tòa giả định về các vụ mua bán người tại các trường học, trung tâm đông người. Nhất là tại các xã từng là điểm nóng như xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Bảo Nam…”, ông Lập nói và cho biết thêm, hai năm qua, tình trạng nạn buôn bán người đã giảm đáng kể. Trước đây, các nạn nhân bị lừa thường ở độ tuổi vừa hết học hoặc đã nghỉ học. Những cô gái ở tuổi dậy thì, lấy chồng cũng dễ bị lừa trở thành các nạn nhân vì nhận thức còn hạn chế, muốn tìm việc làm có thu nhập cao, thay đổi cuộc sống khó khăn.
Phá án, giải cứu nhiều nạn nhân
Phương thức, thủ đoạn hoạt động chủ yếu của tội phạm là lợi dụng vào các mối quan hệ quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân, dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm cho họ với mức lương cao; công khai ngã giá, rủ rê nạn nhân đi lấy chồng ở nước ngoài sẽ có cuộc sống nhàn hạ hơn và sẽ có một số tiền giúp đỡ gia đình nên một số nạn nhân tin và tự nguyện đi theo. Hoặc, các đối tượng thông qua các trang mạng xã hội tìm cách lôi kéo, lừa phỉnh nạn nhân đem đi bán.
Không ít nạn nhân gần đây bị lừa phỉnh qua các nước Lào, Campuchia để bán cho các băng nhóm tội phạm hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, đánh bạc trực tuyến. Khi dụ dỗ được các nạn nhân qua Lào, Campuchia, các đối tượng đưa họ vào giam trong các tòa nhà, ép nạn nhân thực hiện hoạt động lừa đảo bằng thủ đoạn công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản của người Việt hoặc phục vụ cho các hoạt động đánh bạc trực tuyến. Một số nạn nhân sau khi biết mình bị lừa bán, nếu không làm theo sự chỉ đạo của bọn tội phạm thì bị đánh đập, giam cầm và bị bắt phải nộp tiền chuộc cho chúng mới được thả về. Có người phải đóng tiền chuộc cho bọn tội phạm số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Một số nạn nhân bị mua bán, sau khi bị khống chế hoặc mua chuộc giao “chỉ tiêu” phải lừa được các nạn nhân mới qua cho chúng thì mới trả lương, trả thưởng hoặc cho lên làm các nhóm trưởng, tổ trưởng trong các băng nhóm lừa đảo, trở thành đối tượng mua bán các nạn nhân mới...
Công an tỉnh Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng, chống mua bán người. Phát động mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” ở xã Tam Quang, Nga My (Tương Dương), Yên Hòa (Tương Dương); “CLB Phòng, chống mua bán người” ở Kỳ Sơn; “Lá chắn” phòng chống mua bán người tại bản Hồng Diện, xã Đôn Phục (Con Cuông); Xây dựng, duy trì 2 mô hình “Phòng chống mua bán người” tại bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm và bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn)…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Phòng PC02 chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương triển khai công tác phòng ngừa nghiệp vụ góp phần hạn chế phát sinh tội phạm mua bán người. Phòng PC02 phối hợp với Công an các huyện điều tra cơ bản, quản lý địa bàn nắm chắc số phụ nữ, trẻ em bị lừa hoặc nghi bị lừa bán trên địa bàn, xác định địa bàn xã, thôn, bản trọng điểm, số đối tượng nghi vấn để tập trung các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh bắt giữ xử lý.
Lực lượng Cảnh sát Hình sự đã xác lập, đấu tranh thành công 3 chuyên án, 1 vụ việc, bắt giữ 6 đối tượng về các hành vi mua bán người, mua bán trẻ em; tổ chức, gọi hỏi, răn đe hơn 18 lượt đối tượng có tiền án, tiền sự phạm tội mua bán người, đưa người xuất cảnh trái phép. Các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã giải cứu thành công 14 nạn nhân trong các đường dây buôn bán người…