Bùi Đình Sơn: Đam mê làm đẹp cho người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở tuổi 26, anh Bùi Đình Sơn (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã làm chủ 1 salon tóc uy tín với 4 thợ chính, 6 thợ phụ, mỗi tháng thu nhập khoảng 60 triệu đồng.
Một ngày cuối tuần, tôi ghé lại salon tóc Đình Sơn ở thị trấn Chư Sê. Nhìn lượng khách ra vào tấp nập, không khó để biết rằng, đây là 1 salon tóc uy tín, “ăn nên làm ra” giữa thời buổi mà các tiệm làm tóc từ cao cấp đến bình dân mọc lên như nấm sau mưa.
 Anh Bùi Đình Sơn làm tóc cho khách. Ảnh: Hà Đức Thành
Anh Bùi Đình Sơn làm tóc cho khách. Ảnh: Hà Đức Thành
Tranh thủ lúc vãn khách, tôi bắt chuyện với Bùi Đình Sơn-chủ salon. Sơn kể, anh sinh ra trong gia đình có 4 chị em tại huyện Krông Năng (tỉnh Đak Lak). Năm 1998, gia đình anh chuyển qua xã Ia Hlốp sinh sống. Tại đây, Sơn học đến lớp 10 thì xin nghỉ vì gia đình gặp nhiều khó khăn. Sau đó, Sơn ra thị trấn Chư Sê học nghề làm tóc, một nghề mà anh yêu thích từ lâu. Sau 2 năm rưỡi học nghề tại thị trấn, Sơn tiếp tục khăn gói lên TP. Pleiku xin vào học việc ở 1 salon tóc có tiếng để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Mất 1 năm rưỡi nữa, khi cảm thấy tay nghề đã cứng cáp, Sơn quyết định về Ia Hlốp mở tiệm làm tóc.
Những ngày đầu mở tiệm, nhờ tay nghề khá, lại tận tâm với khách, tiệm làm tóc của Sơn lúc nào cũng tấp nập. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm thì lượng khách thưa dần. Sơn tìm hiểu và biết nguyên nhân là do lâu nay anh chỉ quen làm vài kiểu tóc truyền thống, dụng cụ làm tóc cũ kỹ, vả lại trên địa bàn cũng xuất hiện vài salon tóc nên có sự cạnh tranh. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Sơn hiểu rằng, thành công trong nghề làm tóc phụ thuộc rất lớn vào khả năng duy trì chất lượng dịch vụ ổn định và mức độ làm hài lòng khách hàng. Khách hàng sử dụng các dịch vụ làm đẹp luôn sẵn sàng trả mức giá cao nếu họ cảm thấy hài lòng. Từ đó, Sơn quyết định dành thời gian và kinh phí đi học nâng cao tay nghề. Qua tìm hiểu từ những người đi trước và trên mạng xã hội, Sơn biết mỗi thầy dạy có một ưu điểm riêng. Vậy là những ngày sau đó, Sơn tranh thủ khi ra Hà Nội học uốn tóc, lúc vào TP. Hồ Chí Minh học nhuộm tóc rồi lên Pleiku học thêm kỹ thuật cắt tóc mới.
Sơn chia sẻ: “Là thợ làm tóc thì phải có năng khiếu và có óc thẩm mỹ, biết kiểu nào là đẹp, kiểu nào là xấu. Làm tóc không nên chỉ để ý mỗi khuôn mặt mà còn phải quan tâm đến cả phong cách, dáng người của khách hàng. Bởi lẽ, ngoài khuôn mặt thì phần cổ, bờ vai, dáng người cũng rất quan trọng để chọn kiểu tóc phù hợp. Khiếu thẩm mỹ của từng người thợ sẽ giúp họ có thể tư vấn, thiết kế, tạo kiểu tóc đẹp và phù hợp nhất cho khách hàng”.
Chính vì trau dồi tay nghề thường xuyên, lại luôn tận tâm với khách hàng nên tiệm tóc của Sơn ngày càng được nhiều người biết đến. Bởi vậy, dù nằm ở xã Ia Hlốp nhưng lượng khách tìm đến tiệm tóc của anh lại chủ yếu từ thị trấn Chư Sê. Để thuận tiện cho khách hàng và nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tháng 7 vừa qua, Sơn quyết định đầu tư 120 triệu đồng mua sắm các trang-thiết bị và thuê địa điểm ở thị trấn Chư Sê để mở salon tóc. Hiện nay, salon tóc của Sơn có 4 thợ chính và 6 thợ phụ vừa làm vừa học việc. Sơn cho biết, bình quân mỗi tháng, salon tóc của anh thu khoảng 60 triệu đồng.
Ngoài việc chăm sóc tóc cho khách hàng, thời gian qua, Sơn còn truyền nghề cho hơn 40 bạn trẻ trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, nhiều người đã ra nghề và mở được tiệm tóc cho riêng mình. Một điều đáng quý nữa ở Sơn là trách nhiệm với cộng đồng. Mặc dù luôn bận rộn với công việc kinh doanh nhưng anh vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. Những năm gần đây, Sơn đã đóng góp khá nhiều tiền cho các hoạt động xã hội từ thiện trên địa bàn. Bên cạnh đó, anh còn đang nhận đào tạo nghề miễn phí và nuôi ăn ở 2 bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Trước khi chia tay, Sơn cho biết thêm, làm tóc được coi là một nghề “nhanh thợ chóng thầy”. Để học nghề này không cần trình độ học vấn cao mà chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo cộng với sự chịu khó, tỉ mỉ. Đây là điều quan trọng và cần thiết nhất để mỗi người sớm tạo dựng được chỗ đứng trong nghề.
Kinh nghiệm khởi nghiệp của Bùi Đình Sơn:
* Chọn lĩnh vực khởi nghiệp mà mình yêu thích.
* Không ngừng tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề.
* Tận tâm, uy tín với khách hàng.  
Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.