Bữa ăn của trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng qua, tôi đổi khẩu vị cho con bằng cách ăn sáng tại quán cháo dinh dưỡng. Ngồi chung bàn ăn với con trai tôi là cô bé tầm lớp hai, lớp ba; vừa ăn vừa xem điện thoại. Vì mải xem mà ngậm mãi miếng cháo trong miệng, mẹ bé lại phải giục: “Nuốt đi con, ăn nhanh lên, trễ giờ rồi!”. Nhìn cô bé, tôi cảm giác cháu như đang phải thực hiện nghĩa vụ… ăn.
Chị Dung cùng cơ quan tôi, chồng làm ngân hàng. Mặc dù cuối tuần cả vợ chồng đều được nghỉ nhưng vẫn phải tìm chỗ giữ trẻ để gửi con vì lý do: “Có cô giáo nó mới ăn chứ ở nhà không chịu ăn uống gì cả, chỉ ham chơi”.
Tôi hỏi: “Thế cả ngày con bé không ăn một chút gì luôn sao?”. Chị bảo: Nó chỉ thích uống sữa, ăn váng sữa. Trưa thì ăn 1-2 thìa cơm xong lại thôi. Chiều cho đi khu vui chơi ăn mấy gói bim bim, cái xúc xích. Đến giờ cơm là không chịu ăn. Dỗ ngọt hay mắng nạt gì cũng 1-2 thìa thôi.
Cũng là người mẹ có con nhỏ, mỗi sáng, tôi cũng phải nhanh tay nhanh chân lắm mới kịp chu tất mọi thứ để cho con đến trường và mình quay trở lại đi làm. Con tròn trịa, phúng phính thì người này khen, người kia xin bế cũng mát mặt. Ngược lại, con hay ốm vặt hay chỉ đủ lớn mà không bắt mắt, họ chê thì bao áp lực đổ lên vai mẹ.
Chị Dung bạn tôi bảo, mỗi lần bà nội, bà ngoại lên thăm cháu là lắc đầu và mắng “Không biết chăm con”. Mà con chị cũng đủ loại sữa, trái cây, thậm chí là cho uống thêm cốm vi sinh kích thích ăn ngon, mỗi bữa ăn đều có cả cá, thịt, trứng; khi nào cũng 3 món trở lên… chứ chị có bỏ bê gì?
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Hiện nay, nhiều gia đình vì quá lo cho con mà đôi lúc vô tình biến việc ăn uống của con thành lịch trình dạng như thời gian biểu mỗi ngày của người lớn. Buổi sáng, 7 giờ ăn cháo, 9 giờ uống sữa, 10 giờ ăn cơm. Buổi chiều, trái cây, váng sữa, sữa, cơm… Có khi chưa kịp đói thì trẻ đã lại phải ăn, thành ra đôi lúc, ăn với trẻ là nỗi sợ hãi.
Riêng tôi, mỗi chiều đến đón con ở nhà trẻ thì cô giáo cho biết tình hình trong ngày. Có hôm cô bảo: “Hôm nay, bé ăn ít quá, dỗ mãi mà cũng chỉ bằng phần nửa mọi ngày”. Tuy nhiên khi về nhà, tôi cũng không ép con ăn bổ sung. Đơn giản bởi tôi nghĩ, ăn là nhu cầu.
Tôi cũng không dùng điện thoại để dỗ con ăn. Thay vào đó, mỗi ngày, tôi thay đổi món ăn, kể cả sữa, xen kẽ giữa sữa tươi và sữa hạt tự làm. Những hôm rảnh rỗi, tôi cho cơm vào khuôn con thỏ, tỉa cà rốt và rau, tôm… xếp theo hình chú thỏ con trong vườn, tôi để ý con ăn rất thích thú.
Thiết nghĩ, sức khỏe của con trẻ không chỉ phụ thuộc vào việc ăn nhiều hay ít; quan trọng là con được ăn uống đủ chất, đủ lượng và khỏe mạnh mỗi ngày. Vậy bao nhiêu là đủ? Là khi đói thì ắt trẻ sẽ tự ăn, no thì tự dừng. Và nên chăng các bậc phụ huynh nên để cho con biết đói; bằng cách đừng cố nhồi nhét con ăn đủ, đúng theo lịch trình bố mẹ đặt ra mà hãy cho trẻ được đói để muốn ăn và thèm ăn. Lúc đó, bữa ăn sẽ không còn là gánh nặng của trẻ.
PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Vitamin C là một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin C không những khiến hệ miễn dịch suy yếu mà còn gây nhiều tác động tiêu cực.