Bớt lo cảnh 'được mùa rớt giá'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có thể khẳng định, lâu nay vấn đề tiêu thụ sản phẩm, giải quyết đầu ra cho nông sản vẫn luôn là bài toán làm đau đầu nhà quản lý.
 
Vụ vải thiều Bắc Giang năm nay được đánh giá đạt sản lượng và giá trị cao nhất từ trước tới nay.
Cần phải thừa nhận, điểm yếu của chúng ta nằm ở hệ thống mạng lưới kho bảo quản cũng như việc sơ chế biến nông lâm thủy sản. Hoạt động bao tiêu cung ứng sản phẩm mang tính tự phát, mối liên kết giữa các thành viên trong kênh phân phối lỏng lẻo… Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thực sự chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại, chưa có sự đầu tư bài bản để có thể xây dựng giá trị cho các sản phẩm của mình. Đó cũng là lý do tại sao, thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản của chúng ta chưa có thương hiệu và vị thế trên thị trường thế giới, mặc dù sản lượng nông sản xuất khẩu hàng năm không hề nhỏ.
Tuy nhiên, những bất cập của ngành nông sản đang dần được khắc phục. Chúng ta đã bắt đầu chứng kiến sự bứt phá của các sản phẩm nông sản ngày một mạnh mẽ hơn. Đó là sự vươn ra thế giới của các loại trái cây Việt như thanh long, vải, nhãn… mới đây nhất là trái xoài đã xuất khẩu ra thị trường thế giới, đến cả những thị trường khó tính nhất như Hoa Kỳ cũng đã nhập khẩu nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam. Để có được những thành quả kể trên, một phần không nhỏ là nhờ sự nỗ lực của nhà quản lý trong việc xúc tiến thương mại, nỗ lực tìm những thị trường mới. 
Nếu như thời gian trước, dư luận thường xuyên phải chứng kiến cảnh “được mùa rớt giá”, khiến cho nông sản rơi vào cảnh tồn ứ, khiến cho người nông dân đến mỗi vụ mùa lại nơm nớp lo… ế thì nay cảnh ngộ đã thay đổi. Việc nhà quản lý chủ động mở ra những “sân chơi” bằng việc kết nối giữa nhà sản xuất với nhà phân phối và DN… đã và đang tạo được “dòng chảy” thông thoáng hơn cho các sản phẩm nông sản Việt, từ đây xóa bỏ những mối lo về tình trạng “được mùa rớt giá” đối với bà con nông dân. Đơn cử, người dân vùng vải Lục Ngạn, Bắc Giang đã từng nếm “trái đắng” khi có thời điểm vải thu hoạch ồ ạt, thương lái không đến mua, phải chịu bán trái vải với giá chỉ vỏn vẹn…1.000 đồng/kg, chưa bằng giá một cốc trà đá thì nay, cục diện đã thay đổi hoàn toàn. 
Mới đây nhất, người trồng vải Bắc Giang vui mừng chứng kiến các nhà quản lý và DN phân phối đã đến tận nơi để tổ chức các kênh tiêu thụ vải cho bà con nông dân với giá cao. Nhờ đó, vụ vải thiều Bắc Giang năm nay được đánh giá đạt sản lượng và giá trị cao nhất từ trước tới nay. Theo chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả nhà quản lý và DN, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất cây trồng, chăn nuôi tập trung; tạo ra các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, như: Vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích gần 50 nghìn ha. Trong đó, vải thiều là cây ăn quả chủ lực của tỉnh, với diện tích trên 28 nghìn ha, sản lượng hằng năm đạt trên 150 ngàn tấn/năm. Quả vải thiều của Bắc Giang hiện được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia trên thế giới trong đó phải kể đến những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản…  Năm 2019, diện tích trồng vải thiều của Bắc Giang duy trì trên 28.000 ha, sản lượng ước đạt 150.000 tấn. Đáng chú ý, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap đạt tới 13.855 ha và Globalgap là 218 ha, và hiện ở Bắc Giang có 394 hộ sản xuất đã được Mỹ cấp mã số IRADS.
Niềm vui của người dân vùng trồng vải lớn nhất nước năm nay là được mùa và không lo rớt giá bởi ngay từ đầu vụ họ đã chứng kiến sự vào cuộc của cả nhà quản lý và các DN ngành nông sản trong việc xúc tiến thu mua, tìm kiếm đầu ra cho trái vải. Theo đó, nhiều DN, nhà phân phối lớn trong nước như Saigon co.op, BigC đã lên kế hoạch thu mua, bảo quản và tiêu thụ vải Bắc Giang trên các kệ hàng. Riêng Tập đoàn Central Group năm nay cam kết sẽ tiêu thụ 350 tấn vải thiều trên toàn quốc. Dịp này, Central Group Việt Nam còn thực hiện xuất khẩu trái vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang sang Thái Lan, nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu của trái vải trên thị trường quốc tế. Cụ thể, lãnh đạo Tập đoàn này cho hay, một container vải thiều đầu tiên của năm 2019 sẽ chính thức được Central Group Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan. Còn ngay tại thị trường trong nước, các hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc cũng sẽ vào cuộc chung tay kích cầu tiêu thụ trái vải thiều Lục Ngạn  Bắc Giang với hàng loạt các chương trình đặc biệt nhằm kích cầu tiêu dùng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ  cũng đã đánh giá rất cao  tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo, nhân dân, hợp tác xã, DN tỉnh Bắc Giang và sự phối hợp của các bộ với các địa phương trong tiêu thụ nông sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề xuất Phó Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại Việt Nam giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2030” với mục tiêu xây dựng định hướng và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống trung tâm cung ứng hàng nông sản Việt Nam hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam.  
Với những động thái nói trên của nhà quản lý, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một diện mạo mới của ngành nông sản nước nhà. Khi đó, bài toán đầu ra cho nông sản không còn là nỗi lo thường trực của người nông dân, mà thay vào đó là niềm vui “được mùa được giá”.    
Duy Phương (Đại Đoàn kết)

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.