Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Đồng hành, hỗ trợ Gia Lai phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Chiều 12-5, đoàn công tác do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai về tình hình sản xuất-kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Dự buổi làm việc có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: Xác định năm 2023 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025, trong 4 tháng đầu năm, được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát, đồng hành của HĐND tỉnh cùng sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, tình hình phát triển kinh tế-xã hội Gia Lai đạt được những kết quả rất khả quan.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP trong quý I-2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 5,91%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,92%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,26%; khu vực dịch vụ tăng 8,24%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 7,9%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) 4 tháng đầu năm ước đạt 9.854,7 tỷ đồng, đạt 31,17% kế hoạch, tăng 10,95% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 30.950 tỷ đồng, đạt 28,65% kế hoạch, tăng 25,07% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 4 tháng đạt 2.093,65 tỷ đồng, đạt 38,5% so với dự toán Trung ương giao, đạt 35,4% so với dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng ước đạt 310 triệu USD, đạt 45,59% kế hoạch, tăng 3,33% so với cùng kỳ năm ngoái... Tình hình an ninh quốc phòng, an ninh biên giới được giữ vững; tai nạn giao thông 4 tháng đầu năm giảm cả 3 tiêu chí.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

“Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác giải ngân xây dựng cơ bản không đạt được mức trung bình của toàn quốc; việc thu tiền sử dụng đất của tỉnh không đạt, dẫn đến việc triển khai thực các dự án từ nguồn sử dụng đất gặp khó. Đặc biệt, công tác triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) gặp một số khó khăn, vướng mắc nên tiến độ thực hiện đạt chậm. Cụ thể như: thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai còn chồng chéo; một số quy định theo Luật Đầu tư công chưa phù hợp với thực tế; thiếu văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể trong tổ chức thực hiện và một số quy định do Trung ương ban hành, hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế tại địa phương...”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho hay.

Liên quan đến các dự án điện gió, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Duy Lộc cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 629 MW của 11 dự án điện gió đã xây dựng hoàn thành nhưng chưa được đấu nối phát điện. Điều này không những gây lãng phí nguồn lực đầu tư mà còn ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư. Bên cạnh những hiệu quả kinh tế-xã hội đạt được khi triển khai đầu tư xây dựng các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, vẫn còn có các đơn thư khiếu nại, khiếu kiện của người dân liên quan đến việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió của Nhà máy điện gió mà đến nay chưa thể giải quyết được do chưa có các quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Còn ông Trương Văn Đạt-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh mong muốn: Các bộ, ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, tiến độ thi công dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Dự án nâng cấp quốc lộ 19) rất chậm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân 2 bên tuyến đường; việc lưu thông, kết nối với các địa phương bị ách tắc. Đề nghị Bộ Giao thông-Vân tải quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế thông tin với đoàn công tác những mặt đạt được và chưa được của tỉnh từ đầu năm đến nay. Ảnh: Đức Thụy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế thông tin với đoàn công tác những mặt đạt được và chưa được của tỉnh từ đầu năm đến nay. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn mong muốn đồng chí Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Gia Lai tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc mà tỉnh Gia Lai đang gặp phải. Cụ thể, quan tâm giúp tỉnh hoàn thành công tác quy hoạch; việc triển khai 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, giúp tỉnh hoàn thiện hồ sơ thực hiện dự án công viên địa chất, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng mong muốn các bộ, ngành liên quan cùng có tiếng nói với Gia Lai trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công trình thủy lợi Ia Mơr.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh đánh giá cao những kết quả nổi bật mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong những tháng đầu năm, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hoàng Mai cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: công tác quy hoạch, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giảm mạnh… Do đó, để kinh tế-xã hội Gia Lai tăng trưởng tốt trong giai đoạn tới, trước hết tỉnh cần tận dụng tối đa cơ hội, những ưu đãi mà Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hoàng Mai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hoàng Mai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Đồng thời, tỉnh phải gấp rút sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong năm nay, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương hoàn thiện thủ tục các dự án vốn đầu tư công chưa triển khai được, kể cả vốn của Trung ương, tỉnh, trong đó, chú ý điều chuyển vốn các dự án khó triển khai sang các dự án dễ thực hiện hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án có tính kết nối, liên kết vùng, miền…

Còn Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc, Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Việt Cường cho rằng: Tuyến cao tốc Pleiku-Quy Nhơn nếu được đầu tư sẽ góp phần kết nối các tỉnh duyên hải miền Trung với các tỉnh của Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương. Chính sự cần thiết như thế nên Bộ Giao thông-Vận tải cũng đã đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư và sắp tới Bộ sẽ tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn từ năm 2023-2030.

Ông Nguyễn Việt Cường cho biết: “Sau khi tỉnh Gia Lai hoàn thiện các bước liên quan, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong quá trình triển khai dự án. Trong đó, sẽ hỗ trợ nghiên cứu phương án, hoàn thiện hồ sơ như thống nhất hướng tuyến, quy mô, phân kỳ đầu tư, tổng mức đầu tư, phương án tài chính, hướng tuyến, quy mô, phân kỳ đầu tư”.

Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc, Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Việt Cường nêu nguyên nhân dẫn đến tiến độ thi công dự án nâng cấp quốc lộ 19 chậm. Ảnh: Đức Thụy

Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc, Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Việt Cường nêu nguyên nhân dẫn đến tiến độ thi công dự án nâng cấp quốc lộ 19 chậm. Ảnh: Đức Thụy

Nói về nguyên nhân dẫn đến tiến độ thi công Dự án nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn tỉnh chậm, ông Nguyễn Việt Cường cho rằng: Quốc lộ 19 là tuyến giao thông huyết mạnh kết nối các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nên việc vừa thi công, vừa đảm bảo lưu thông nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Bên cạnh đó, dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong khi các thủ tục triển khai vay rất phức tạp cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân vốn. Bộ cũng đang chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư, các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Để cụ thể hóa phương châm hành động của Chính phủ: “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập đoàn công tác để kiểm tra toàn diện 3 nhiệm vụ trọng tâm về sản xuất-kinh doanh,đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ đánh giá tổng thể quá trình phát triển kinh tế-xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, sau khi kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thì đến năm 2022, Việt Nam đã mở cửa toàn diện nền kinh tế và đến nay bước đầu có những sự phục hồi nhanh chóng, trong đó những kết quả mà tỉnh Gia Lai đạt được là rất ấn tượng. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chung đó, năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, Gia Lai đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Thay mặt đoàn công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chúng tôi nhiệt liệt biểu dương nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Gia Lai thời gian qua vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh”.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng: Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng có nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác, do đó thời gian tới, địa phương cần phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tập trung tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, nhất là cần quan tâm hoàn thành công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm đến việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư kể cả trong nước và nước ngoài; trong đó, xác định đẩy mạnh đầu tư công là quan trọng, then chốt góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

“Công tác đầu tư công phải tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm có sức lan tỏa, nhất là các dự án có tính kết nối vùng, miền để phát huy phát triển kinh tế-xã hội. Lấy phát triển nông-lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ của ngành kinh tế, Gia Lai có thế mạnh, tiềm năng rất lớn để phát triển ngành này. Cùng với đó, cần chú trọng phát triển công nghiệp chế biến; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển du lịch, năng lượng tái tạo”-Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị.

Với những ý kiến, kiến nghị mà tỉnh Gia Lai đề xuất, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ghi nhận và cho biết sẽ sớm có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quan tâm thực hiện nhằm giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đồng hành, hỗ trợ tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển; trong đó, tập trung hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư, xuất nhập khẩu, quảng bá, phát triển du lịch...

Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế Dự án đường Hoàng Sa (vướng mắc không có nguồn để triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng). Ảnh: Quang Tấn

Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế Dự án đường Hoàng Sa (vướng mắc không có nguồn để triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng). Ảnh: Quang Tấn

Trước đó, vào sáng 12-5, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại các điểm dự kiến bố trí xây dựng thuộc Dự án đường Hoàng Sa (vướng mắc không có nguồn để triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng); đường Trần Can (dự kiến chuyển nguồn vốn từ đường Hoàng Sa sang); đường Lê Đại Hành (vướng mắc do hụt thu ngân sách nguồn sử dụng đất nên chưa có nguồn để thanh toán), dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú và dự án đường Nguyễn Văn Linh.

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên thăm, chúc Tết gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và Quân đoàn 34

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên thăm, chúc Tết gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và Quân đoàn 34

(GLO)- Sáng 16-1, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đến thăm, chúc Tết gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 34 nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: Đảm bảo mọi người dân đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: Đảm bảo mọi người dân đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm

(GLO)- Ngày 14-1, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác đã đến thăm, chúc Tết tại Gia Lai. Phó Chủ tịch nước chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động an sinh xã hội, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong dịp Tết.