"Bịt" 4.100 lối mở qua đường mất hơn 7.300 tỷ, đường sắt lấy đâu ra?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngành đường sắt cần tới hàng nghìn tỷ đồng để xóa bỏ các đường ngang, lối đi tự mở nhằm ngăn chặn những cái chết bất ngờ cho người qua đường trái phép.

Bộ GTVT vừa hoàn thành và dự kiến trình Chính phủ xem xét Đề án đảm bảo hành lang, xử lý lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia và đề xuất vốn thực hiện lên tới hơn 7.300 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trên các tuyến đường sắt quốc gia hiện có tới 4.100 lối đi tự mở và 1.514 đường ngang các loại. Đặc biệt, số vụ tai nạn xảy ra trên các lối đi tự mở và đường ngang chiếm gần 60% tổng số vụ tai nạn giao thông đường sắt.


 

Một đoạn đường ngang dân sinh đoạn qua huyện Thanh Trì, Hà Nội, người dân còn bắc ván, kê bê tông để dễ bề đi lại.
Một đoạn đường ngang dân sinh đoạn qua huyện Thanh Trì, Hà Nội, người dân còn bắc ván, kê bê tông để dễ bề đi lại.



Ngoài ra, trên hệ thống đường sắt vẫn còn tồn tại hơn 13.000 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông và gần 1.600 vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt cần được giải tỏa.

Đề án chia làm hai giai đoạn thực hiện cùng nhiều nhóm giải pháp cụ thể như tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông đường sắt, giải tỏa vi phạm hành lang, cắm mốc giới đất đường sắt, xây dựng hàng rào, đường gom xóa lối đi tự mở, thu hẹp lối đi tự mở...

Trong đó, Đề án đặt mục tiêu xây dựng hơn 675km đường gom và hàng rào ngăn; xây dựng mới 305 đường ngang; 149 hầm chui; 2 cầu đường bộ vượt đường sắt (thuộc quy hoạch phát triển giao thông của thành phố Hà Nội và tỉnh Nghệ An).

Lấy tiền đâu để làm?

Đề cập đến nguồn vốn, Bộ GTVT cũng khái toán thực hiện xử lý các vị trí lối đi tự mở và hành lang đường sắt cần tới hơn 7.365 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện xử lý lối đi tự mở hơn 6.669 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến năm 2020 là 2.312 tỷ đồng và giai đoạn 2020-2025 hơn 4.357 tỷ đồng.


 

Đường sắt cần hơn 7.300 tỷ đồng để ngăn chặn 4.100 lối đi ‘tử thần’ rình rập người qua đường.
Đường sắt cần hơn 7.300 tỷ đồng để ngăn chặn 4.100 lối đi ‘tử thần’ rình rập người qua đường.



Với nguồn kinh phí được cấp đầy đủ, Bộ Giao thông Vận tải đưa mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở vào năm 2025, thay vào đó là hệ thống đường gom dân sinh và hầm chui, cầu vượt và các đường ngang đạt chuẩn.

Về kế hoạch huy động nguồn vốn, Đề án cũng xác định nguồn kinh phí và bố trí vốn thực hiện bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội.

Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, những giải pháp tổng thể đề án đưa ra là phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Mạnh, với mức kinh phí lên đến hơn 7.300 tỷ đồng, huy động sẽ rất khó.


 

 Về kế hoạch huy động nguồn vốn, Đề án cũng xác định nguồn kinh phí và bố trí vốn thực hiện bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội.
Về kế hoạch huy động nguồn vốn, Đề án cũng xác định nguồn kinh phí và bố trí vốn thực hiện bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội.


“Vấn đề xử lý lối đi tự mở đặt ra từ lâu, điển hình là Kế hoạch 1856 và sau này thay thế bằng Kế hoạch 994; Nhưng do nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương rất hạn hẹp, chưa bố trí được nên nhiều dự án, công trình kéo dài hoặc phải giãn, dừng dự án. Vì vậy, cần phân định rõ nguồn vốn thực hiện, trong đó có cả trách nhiệm huy động của địa phương”, ông Mạnh cho hay.

Trong Đề án lần này xác định rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của từng chủ thể, trong đó có địa phương trong thực hiện. Đề án cũng xác định cụ thể nguồn kinh phí và bố trí vốn thực hiện bao gồm: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội.

Cụ thể, kinh phí lập hồ sơ quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt và cắm mốc giới hành lang trong khu vực đô thị; kinh phí xử lý các vị trí vi phạm hành lang tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt tổng cộng khoảng 498 tỷ đồng sẽ được tăng cường bố trí thêm nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hàng năm.

Kinh phí xây dựng hàng rào, đường gom để thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở theo địa bàn của từng địa phương cũng được phân bổ cụ thể. Trong đó, sẽ sử dụng hơn 236 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương (giai đoạn 2016 - 2020) bố trí cho đường sắt để xây dựng 29,7km đường gom. Số vốn còn lại 4.634 tỷ đồng sẽ sử dụng nguồn ngân sách của địa phương và từ ngân sách Trung ương bố trí cho Kế hoạch 994.

Kinh phí xây dựng đường ngang, hầm chui khoảng 1.799 tỷ đồng cũng được lấy từ nguồn ngân sách của Trung ương bố trí cho Kế hoạch 994 và vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2020 - 2025. Riêng khoản kinh phí thực hiện xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao với đường sắt quốc gia tại Km 76+970 thuộc tuyến đường sắt Kép - Hạ Long - Cái Lân 198 tỷ đồng do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bố trí.

 

Phi Long/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.