Bình Định thành lập Tổ công tác nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng cao tốc Quy Nhơn-Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định vừa có quyết định thành lập Tổ công tác nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư xây dựng Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, đoạn qua địa bàn.

Tổ công tác do ông Trần Thanh Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải làm tổ trưởng; ông Trần Vũ Thanh Hùng-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ phó. Tổ công tác còn có 10 thành viên khác là lãnh đạo một số sở ngành, địa phương.

Tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu hoàn thành phương án đầu tư xây dựng Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, đoạn qua địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng, tiến độ báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

Tổ trưởng, tổ phó Tổ công tác được sử dụng con dấu của cơ quan mình công tác khi ký các văn bản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đèo An Khê. Ảnh: Phương Vi
Đèo An Khê. Ảnh: Phương Vi

Trước đó, ngày 23-7, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã giao Sở Giao thông-Vận tải chủ trì phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và một số đối tác khác nghiên cứu phương án đầu tư, lập hồ sơ đề xuất dự án đường bộ cao tốc Pleiku-Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Trong đó, ưu tiên phương án đầu tư theo phương thức BOT hoặc đối tác công-tư (PPP) để huy động tối đa nguồn lực xã hội tham gia.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cũng giao Sở Giao thông-Vận tải phối hợp Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Bình Định hoàn chỉnh phương án đầu tư xây dựng, tiến độ triển khai và các nội dung khác có liên quan để báo cáo  lãnh đạo hai tỉnh Gia Lai-Bình Định; phấn đấu trình Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương vào cuối quý III năm 2022.

Cao tốc Pleiku-Quy Nhơn có vai trò đặc biệt quan trọng, phát huy lợi thế vị trí địa lý kinh tế các tỉnh Gia Lai, Bình Định và Kon Tum. Đây cũng là tuyến ngang kết nối các cao tốc dọc (cao tốc Bắc-Nam), góp phần hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc Việt Nam.

Tuyến đường tạo trục cao tốc thông qua hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung, kết nối Biển Đông với khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, vươn xa hơn kết nối các nước Thái Lan, Myanmar.

Theo dự kiến, tuyến cao tốc này có điểm đầu giao quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), điểm cuối giao với tuyến cao tốc Bắc-Nam (phía Tây khu vực TP. Pleiku), kết nối khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Dự án quy mô 4 làn xe, chạy song song quốc lộ 19, kinh phí dự kiến từ ngân sách, vốn vay ODA và thu hút nhiều nguồn khác. Giai đoạn một (2021-2025), tuyến cao tốc sẽ làm trước hai làn, giải phóng mặt bằng 4 làn xe, với kinh phí 40.000 tỷ đồng. Việc hoàn thành cao tốc sẽ được thực hiện đến năm 2030.

PHƯƠNG VI (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.