(GLO)- Cùng với cả nước, trong những ngày này, tỉnh Gia Lai tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2-9, 50 năm Ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Kết nối những tấm lòng trong “muôn vạn tấm lòng” dâng lên Bác, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã biến đau thương thành hành động cách mạng với những thành quả to lớn suốt 50 năm qua.
Mất mát lớn lao
Với ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, cán bộ lão thành cách mạng, kỷ niệm về ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vẫn còn in đậm trong tâm trí. Ông Thành nhớ lại, tháng 8-1969, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III diễn ra tại làng Teng Leng (xã Krong, huyện Kbang) đã thành công tốt đẹp. Sau đại hội, quân và dân trong tỉnh đang chuẩn bị bước vào Chiến dịch Đông Xuân 1969-1970 thì nhận được tin Bác mất. Mọi người đều bàng hoàng, sửng sốt, xúc động nghẹn ngào. Tại khu rừng bạt ngàn ở trung tâm căn cứ tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh đã long trọng tổ chức lễ truy điệu Bác. Dưới trời mưa tầm tã, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng căn cứ im lặng lắng nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đọc tiểu sử của Bác, Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Điếu văn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: “Trong giờ phút trang nghiêm vĩnh biệt Bác, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh biến đau thương thành hành động cách mạng, dũng cảm tiến lên thực hiện lời thề trước anh linh của Người...” (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2009). Ông Thành kể tiếp: “Sau đó, nhân dân tự tổ chức để tang Bác theo phong tục của mình. Có làng đánh cồng chiêng đến mấy ngày đêm. Bok Núp thì 3 tháng không cắt tóc, cạo râu. Vùng đồng bào bị chiếm đóng thì không lên nương rẫy, không uống rượu để tưởng nhớ Bác”.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh internet |
Trong khi đó, tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, không khí tang tóc bao trùm, đúng như câu thơ của Tố Hữu: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Ông Siu Phích-cựu nghệ sĩ Đoàn ca múa nhân dân Tây Nguyên có thời gian học tập, công tác tại miền Bắc nhớ lại: “Trong chuyến biểu diễn phục vụ tại Trung Quốc, Triều Tiên, Hungary, Bulgaria, chúng tôi biết Bác đau bệnh, lòng ai cũng như lửa đốt nhưng vì đang làm nhiệm vụ nên không thể về thăm. Đến khi nghe tin Bác mất, cả đoàn nhận lệnh phải trở về thủ đô gấp. Giữa biển người, tôi cố gắng chen lên để vào xếp hàng viếng Bác. Nhìn thấy Bác nằm bình yên như đang ngủ, không ai nén được nỗi xúc động và đều òa khóc vì nhận ra một nỗi mất mát quá lớn…”-nghệ sĩ Siu Phích bồi hồi. Mảnh khăn tang năm nào vẫn được ông cất giữ cẩn thận, ấy là kỷ vật mang nặng tình yêu thương và lòng kính trọng ông dành cho Người.
Ông Nguyễn Hữu Chính (phường Hội Phú, TP. Pleiku)-cựu tù chính trị, bị địch bắt vào tháng 3-1969 cũng chia sẻ những kỷ niệm khó quên trong ngày hay tin Bác qua đời. Trước đó, ông được tổ chức giao nhiệm vụ phối hợp dùng thuốc nổ tiêu diệt tên Đại tá Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định và đám hầu cận tại Nhà hát Quy Nhơn (gần Công viên Quang Trung bây giờ). Không may, ông bị địch bắt rồi đày ra Côn Đảo. “Ngày Bác mất, tôi thấy một điều rất lạ, địch thì có vẻ hí hửng, nhưng anh em thì đau buồn giấu kín. Nhiều anh em có hỏi cũng không nói, mãi sau mới cho tôi biết sự thật. Lúc đầu, tôi cũng lo lắm nhưng được các anh đi trước động viên nên an tâm dần, tham gia cùng các anh đấu tranh với chế độ nhà tù hà khắc”-ông Chính chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Chính (phường Hội Phú, TP. Pleiku)-nguyên cựu tù chính trị kể về những kỷ niệm trong ngày hay tin Bác qua đời. Ảnh: T.S |
Hành động cách mạng với những thành quả vẻ vang
Ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy: “Bác Hồ đã đi xa nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Bác, Di chúc mà Bác để lại là tài sản vô giá cho Đảng, cho dân tộc. Tôi mong thế hệ trẻ tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, coi đó là trách nhiệm của một công dân nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là bổn phận đối với tương lai của đất nước. Mong rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, anh dũng của dân tộc”. |
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã biến đau thương thành hành động cách mạng cụ thể, hào hùng, liên tiếp làm thất bại các chiến lược chiến tranh xâm lược của Mỹ-ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. “Cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân Gia Lai phối hợp cùng quân chủ lực Tây Nguyên giải phóng toàn tỉnh đã diễn ra mau chóng, giành thắng lợi to lớn và trọn vẹn. Thắng lợi của Gia Lai cùng các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần thúc đẩy sự suy sụp nhanh chóng của ngụy quân, ngụy quyền, tạo thuận lợi để quân dân ta tấn công và nổi dậy giải phóng các tỉnh đồng bằng miền Trung, các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, giải phóng Sài Gòn-Gia Định ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam” (trang 550-sách đã dẫn).
Theo ông Ngô Thành, nhân dân Tây Nguyên dẫu chưa một lần gặp Bác nhưng vẫn một lòng tin yêu Người. Đặc biệt, sau khi Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku vào năm 1946, người dân càng thêm yêu kính vị cha già của dân tộc. Những đợt học tập thư Bác được tổ chức sâu rộng càng khiến cho hình ảnh của Bác được khắc sâu. Địch càn quét, lùng sục, bà con có vật dụng, giấy tờ gì gắn với hình ảnh Bác đều tìm cách giấu kỹ trong ống tre, vỏ đầu đạn. Có nơi còn gom góp đúc một bức tượng Bác bằng đồng theo tưởng tượng và trang trọng đặt bức tượng ấy trong các buổi họp chi bộ, lễ chào cờ, kết nạp Đảng. Thương quý Bác, tin tưởng cách mạng, bà con ra sức thi đua lao động sản xuất, gùi lương tải đạn ủng hộ cách mạng ăn no đánh thắng.
Ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, cán bộ lão thành cách mạng. Ảnh: T.S |
Với những chiến sĩ đang bị giam cầm, dù địch cấm đoán, bưng bít nhưng họ vẫn bằng nhiều cách nắm bắt thông tin, tổ chức các cuộc đấu tranh trong nhà tù, lòng luôn tin tưởng vào ngày thắng lợi. Ai cũng cố giấu đi nỗi đau mất mát mà hiên ngang, kiên trung trước kẻ thù. Chi bộ nhà tù âm thầm tổ chức lễ viếng Bác, chào cờ Tổ quốc, truyền tay nhau tài liệu tuyên truyền của tổ chức để động viên anh chị em tù nhân giữ vững ý chí chiến đấu. “Tôi luôn được các anh lớn tuổi động viên, giáo dục để không mắc mưu, không đầu hàng địch cho đến ngày miền Nam giải phóng, lên tàu trở về với đồng đội. Cuộc đời tôi từ lúc tham gia cách mạng cho đến lúc về hưu, tôi chẳng hối tiếc điều gì”-ông Chính bày tỏ.
Nguyện sống xứng đáng với tình thương và niềm tin của Bác, nghệ sĩ Siu Phích luôn tâm niệm đem tiếng hát, điệu múa phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, không nề hà khó khăn, nguy hiểm. Cùng với các nghệ sĩ gạo cội như cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La, Nghệ sĩ Y Tư..., ông thường xuyên có mặt trên những mặt trận nóng bỏng cả thời chiến cũng như thời bình, đem lời ca tiếng hát cổ vũ phong trào, phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, góp phần vào thành quả chung của ngành, của tỉnh.
Sinh ra sau ngày đất nước độc lập, thống nhất, chị Nguyễn Thị Hoài Thu-Bí thư Đoàn xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) ý thức rõ trách nhiệm viết tiếp truyền thống vẻ vang của Đoàn, Đảng và thực hiện di nguyện của Bác. Vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 2010, chị đã luôn phấn đấu, tổ chức nhiều phong trào Đoàn để thu hút, tập hợp thanh niên, liên tục nhận bằng khen của Tỉnh Đoàn và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Mới đây, chị là một trong 6 đại biểu đại diện cho các đảng viên trẻ toàn tỉnh tham gia chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại thủ đô Hà Nội. “Tôi rất vinh dự là đảng viên trẻ đại diện cho tỉnh nhà ra báo công với Bác, qua đó càng nhắc mình phải cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và tổ chức Đoàn đã giao cho”-chị Thu xác định.
Nhóm Phóng viên