(GLO)- Những ngày cuối tháng 7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm, tặng quà các gia đình người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022). Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân các thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình, cuộc sống ấm no hôm nay.
Sâu đậm nghĩa tình
Đón Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đến thăm hỏi, động viên nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, bà Hồ Thị Thừa (77 tuổi, thương binh, bị địch bắt tù đày, trú tại tổ 13, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) rất vui mừng và xúc động. Bà Thừa kể: Bà tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi. Năm 1968, bà thuộc biên chế Tiểu đội thép-Đội biệt động thành Huế; được giao nhiệm vụ phục kích tại cầu Vân Dương, ngoại thành Huế. Sau 24 ngày đêm chiến đấu ác liệt, tiểu đội đã phá hủy nhiều xe bọc thép và tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ-ngụy. “Sau đó, tôi bị địch bắt. Bọn chúng đã dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn vô cùng dã man nhưng tôi quyết không khai. Chính vì những đòn roi của địch nên mỗi khi trái gió trở trời thì tôi lại đau ốm. Tuy nhiên, chính sự quan tâm tận tình của các cấp, các ngành trong những năm qua đã tiếp thêm động lực để tôi và gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương, đất nước”-bà Thừa chia sẻ.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (thứ 2 từ trái sang) đến thăm, tặng quà bà Hồ Thị Thừa (thương binh, bị địch bắt tù đày, trú tại tổ 13, phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Quang Tấn |
Cũng trong đợt này, đoàn công tác do các đồng chí: Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Thái Thanh Bình-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Kpă Thuyên-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tri ân các gia đình người có công tiêu biểu tại các huyện: Ia Pa, Ia Grai, Kbang, Chư Prông, Kông Chro và thị xã Ayun Pa.
Đón đoàn công tác do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đến thăm, ông Nay Thuit (buôn Plei Apa Ơi HTrông, xã Chư Mố, huyện Ia Pa) bồi hồi nhớ lại ký ức năm xưa. Trong thời gian tham gia kháng chiến, ông Thuit từng bị địch bắt giam 3 năm 6 tháng tại nhà tù Côn Đảo. Giờ đây, những vết thương do địch tra tấn năm nào vẫn còn in hằn trên khắp cơ thể ông. “Cứ vào dịp lễ, Tết, lãnh đạo các cấp đều đến thăm hỏi, động viên khiến chúng tôi thấy ấm lòng. Hàng tháng, tôi đều nhận được trợ cấp hơn 900 ngàn đồng, các con đã khôn lớn cả nên cuộc sống vơi bớt khó khăn. Chỉ mong bản thân có sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho đất nước, động viên con cháu, dân làng tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới”-ông Thuit xúc động nói.
Xúc động trước tình cảm, sự quan tâm của Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh và đoàn công tác, ông Đinh Khin (bệnh binh, trú tại làng Mơ Tôn, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) bày tỏ: “Mấy hôm trước, cán bộ xã đến nhà thông báo là chiều 22-7 có đoàn lãnh đạo tỉnh đến thăm, tặng quà nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh và địa phương đã luôn quan tâm”. Theo Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng Trần Văn Nhơn, gia đình ông Đinh Khin là 1 trong 54 người có công của xã được nhận chế độ hàng tháng. Hàng năm, xã thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, tạo điều kiện tốt nhất để các gia đình chính sách có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của người dân tại địa phương.
Còn ông Trương Công Vy (thương binh, trú tại tổ 1, thị trấn Kông Chro) cũng rất vui khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đến thăm. Ông phấn khởi nói: “Thời gian qua, gia đình luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Đây là sự động viên vô cùng to lớn đối với tôi cũng như gia đình. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng chúng tôi hứa sẽ nỗ lực phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế gia đình; vận động con cháu chung tay xây dựng đời sống văn hóa, khu phố văn minh, tích cực tham gia các phong trào xã hội, các cuộc vận động nhằm xây dựng quê hương Kông Chro vững mạnh, đẹp giàu”.
Tiếp tục chăm lo gia đình chính sách, người có công
Cùng với hỏi thăm sức khỏe, trân trọng ghi nhận và tri ân sâu sắc công lao của các cá nhân người có công và gia đình, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn biết ơn công lao to lớn của các thế hệ đi trước đã cống hiến công sức, xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng tỉnh nhà và đất nước. Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các gia đình chính sách, người có công giữ gìn sức khỏe, tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp quý báu giúp lãnh đạo các cấp chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đồng thời, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, động viên con cháu tích cực học tập và lao động, qua đó có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh và chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, chăm lo để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công nhằm thể hiện trách nhiệm của lớp người đi sau đối với những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh (bìa trái) tặng quà thương binh Đinh Triêng (làng Lợt, xã Kông Pla, huyện Kbang). Ảnh: Đinh Yến |
Tận mắt chứng kiến những vết thương hằn in trên cơ thể người tù chính trị yêu nước Nay Thuit, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đề nghị lãnh đạo địa phương, đặc biệt là Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ia Pa phối hợp với UBND xã Chư Mố xem xét, bổ sung hồ sơ để ông Nay Thuit được hưởng chế độ của một thương binh, giúp cuộc sống bớt khó khăn, có điều kiện an hưởng tuổi già. “Phần lớn các gia đình chính sách, người có công còn nhiều khó khăn, nhiều thương-bệnh binh mất sức lao động, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nhiệm vụ của chính quyền địa phương là phải quan tâm sát sao, thường xuyên thăm hỏi, động viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng này để có chế độ chính sách hỗ trợ kịp thời. Đây là việc làm thiết thực nhất để bày tỏ lòng tri ân với những mất mát, cống hiến to lớn của họ với sự nghiệp giải phóng dân tộc”-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Theo ông Lữ Phúc Phụng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ia Pa, toàn huyện có 198 đối tượng chính sách, người có công. Hàng năm, Phòng phối hợp với các xã giải quyết chế độ chính sách kịp thời, tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ, Tết. Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, ngoài các suất quà của Chủ tịch nước và lãnh đạo tỉnh, huyện đã trích kinh phí hỗ trợ mỗi gia đình 500 ngàn đồng. Theo tiêu chí đa chiều mới, huyện có 5 đối tượng chính sách thuộc diện hộ nghèo, trong đó, 2 trường hợp người có công và 3 trường hợp là thân nhân người có công. Phòng đã chỉ đạo các xã tổ chức rà soát các tiêu chí thiếu hụt của mỗi gia đình để đề xuất UBND huyện phân công ban, ngành phụ trách giúp đỡ. Mục tiêu đến cuối năm 2022, huyện không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo.
Huyện Ia Grai có hơn 1.000 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ. Các chế độ chính sách cho người có công được thực hiện kịp thời và đúng quy định. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Thị Lành thông tin: Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều chương trình để hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Dịp 27-7 năm nay, huyện tổ chức 13 đoàn công tác đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách tại 13 xã, thị trấn. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huy động nguồn lực và sự đóng góp của xã hội để chăm lo, sửa chữa, làm mới nhà ở cho các gia đình người có công với cách mạng.
NHÓM PHÓNG VIÊN