Bí mật những đường dây đẻ thuê - Kỳ cuối: Cho 'thuê bụng' là làm thiện?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một tài khoản mạng Zalo đăng: Cần tuyển liên tục các bạn nữ độ tuổi không quá 33 tuổi MTH (mang thai hộ). Bồi dưỡng tùy vào độ tuổi, xác thực trên giấy tờ chứng minh thư, hộ chiếu.
Một trang công khai tuyển phụ nữ đi Trung Quốc mang thai thuê - Ảnh: Tâm Lê chụp màn hình
Một trang công khai tuyển phụ nữ đi Trung Quốc mang thai thuê - Ảnh: Tâm Lê chụp màn hình
Nhiều đường dây mang thai thuê bị triệt phá nhưng các "cò đẻ thuê" vẫn ngang nhiên tìm người trên mạng xã hội.
Giáp mặt bà trùm
Thông tin "tuyển bụng" ghi rõ: Từ 18-25 tuổi tương đương 10 vạn tệ, bằng 330 triệu đồng; từ 26 đến 28 tuổi là 300 triệu đồng; từ 29 đến 34 tuổi là 280 triệu đồng. Thai đôi, thai mổ thêm tiền.
Những lần chung chi tiền công "thuê bụng" cũng được ghi rõ: Chưa cần biết đậu thai hay không, ba ngày sau nhận được 10 triệu đồng. 
Tám tuần nhận tiếp 10 triệu đồng, 15 tuần cho đến khi sinh nhận được mỗi tháng 26 đến 27 triệu, phần còn lại nhận khi hoàn thành. Và lưu ý cuối cùng chỉ nhận người từng sinh thường, không nhận người đã sinh mổ.
Thông báo này cam kết đi và về an toàn 100%. Thời gian đi từ 10 tháng đến một năm.
Khi tôi liên hệ theo số Zalo, nick tên Sam này chat rối rít: "Chị đang cần người lắm, bên Trung (Trung Quốc), em đi được không?". Tôi trả lời đi được và hỏi cần làm giấy tờ, thủ tục gì. 
Sam trả lời chỉ cần chụp ảnh và gửi chứng minh thư, sáng mai xét nghiệm máu, 11h trưa là đi được. Sam hối hả gọi tôi đến ngủ luôn buổi tối để sáng mai đi khám cho nhanh, nói không cần mang theo hành lý mà chỉ cần một cái áo ấm là được.
Tôi hỏi có đúng như cam kết không, Sam trả lời: "Nói như thế nào làm như vậy. Không đàng hoàng thì ai dám làm hả em?". Rồi Sam trấn an tôi: "Mai có người đi cùng, đã từng sang đẻ một lần rồi".
Sáng hôm sau, tôi theo hẹn tìm đến ngôi nhà trong một con ngõ ở đường Đình Thôn, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Sam trạc 30 tuổi, dáng đậm vừa, tóc lá dài, đeo kính gọng đen, nước da trắng bủng. Tôi hỏi tên, cô ta nói cứ gọi Sam, rồi dẫn tôi đến phòng xét nghiệm. 
Thấy tôi chần chừ, cô ta thuyết phục: "Em nên đi luôn hôm nay, để ngày khác lại chậm cả tháng, kiếm tiền thì cứ phải đi ngay, chần chừ là mất hết! Em đi lần này trăm bề thuận lợi vì có người đi cùng, bạn này đã sang bên kia đẻ một lần rồi".
Sam còn khoe trước dịch đã đưa nhiều đoàn đi, ai cũng cấy ghép thành công và nhận tiền đầy đủ. Người nào thực hiện tốt còn thưởng thêm vài triệu. Sang bên đó (Trung Quốc) chỉ việc nghỉ dưỡng, ăn ngủ điều độ.
Sam dẫn tôi vào một nhà nghỉ cùng con ngõ nhưng không phải địa chỉ đã nhắn cho tôi từ trước. Lên đến tầng 4, một phụ nữ mở cửa phòng. Người này Sam đã gửi ảnh giới thiệu với tôi từ trước. Chị ta cho biết tên Thủy, sinh năm 1987, quê huyện Gia Lộc, Hải Dương. Có điều làm tôi thấy lạ vì Thủy gọi Sam là Tôm.
Tôi hỏi chuyến đi lần trước, Thủy trả lời gọn lỏn: "Cứ đi thì biết, cứ yên tâm có người đón mình". Rồi Thủy giục tôi đi xét nghiệm luôn, 11h sẽ có xe đón. Khi tôi hỏi thêm về việc đưa đón, cấy phôi, ăn ở ra sao, hai cô tảng lờ, chỉ nhắc chuyện một phụ nữ mang thai lần trước chỉ ăn thịt, không ăn rau trong suốt thời gian mang thai.
Tiếp đến như một màn biểu diễn, người phụ nữ tên Sam mà Thủy gọi là Tôm đưa tiền lộ phí 500.000 đồng tiền vé xe. Sam nói Thủy đến Cao Bằng sẽ có người đón để vượt biên sang Trung Quốc. Tôi rùng mình tưởng tượng cảnh vượt biên qua đường mòn trong mùa đại dịch. 
Lấy lý do quên thẻ căn cước ở quê, tôi hẹn hai ngày sau sẽ lên xét nghiệm. Sam để tôi ra về nhưng tìm cách "chốt đơn": "Không đi ngay hôm nay thì phải tháng sau mới có đợt".
Sam cầm điện thoại, liên tục giục PV báo Tuổi Trẻ nhanh chóng qua Trung Quốc đẻ thuê - Ảnh: VŨ TUẤN
Sam cầm điện thoại, liên tục giục PV báo Tuổi Trẻ nhanh chóng qua Trung Quốc đẻ thuê - Ảnh: VŨ TUẤN
Sự hối hận của người trở về
Cách TP Lạng Sơn non chục cây số, căn nhà của vợ chồng Nguyễn Thị Phương (đã đổi tên) mới được sửa, bức tường ẩm mốc đã được sơn mới. Tiền sửa nhà phần lớn lấy từ thù lao cho "thuê bụng" của chị Phương.
Phương đã từng cho một bệnh viện ở Tô Châu (Trung Quốc) "thuê bụng". Vợ chồng họ đã có một con, kinh tế khó khăn. Phương thường sang bên kia biên giới chặt mía thuê cho người Trung Quốc. Tình cờ, cô được một phụ nữ gốc Việt giới thiệu cho bác sĩ bên Trung Quốc cần người mang thai thuê. 
"Ông ấy nói mang thai thuê vừa làm việc thiện, giúp người ta có mụn con, vừa được tiền bồi dưỡng mà chẳng phải vất vả - Phương kể - Họ trả sáu mươi vạn tệ, chị có mơ cũng chẳng có số tiền nào nhiều như thế. Mà họ cũng chăm sóc tốt, bắt xe ra Móng Cái đã có người đợi sẵn và dẫn mình đi".
Phương được cấy phôi tại bệnh viện ở Tô Châu rồi được đưa về dưỡng thai cùng với bốn người Việt khác trong một căn hộ. Cô không nhớ địa chỉ vì không biết chữ Trung Quốc, chỉ nhớ gần một khu chợ... Sinh nở xong được bốn ngày thì Phương xuất viện. 
Người ta đưa cô ra bến xe, nhét cho một tấm vé xe khách để tự đi về đến gần cửa khẩu Ka Long (TP Móng Cái, Quảng Ninh). Rồi Phương vừa xuống xe đã có người gọi điện và dẫn lên một chiếc thuyền chở đầy hàng vượt sông vào nội địa Việt Nam.
Về đến nhà, trừ chi phí tiền ăn, tiền xe, Phương còn lại 170 triệu đồng. Hai vợ chồng thực hiện được ước mơ sửa lại căn nhà làm tổ ấm. Thế nhưng căn nhà sửa xong, tổ ấm gia đình không còn ấm cúng như xưa.
Phương không thể có con được nữa, trong khi chồng cô luôn mong mỏi có thêm một bé trai cho "có nếp có tẻ". Chạy chữa khắp nơi không được, người chồng nhiều lần tỏ ý nghi ngờ Phương. Vợ chồng lạnh nhạt dần rồi xung đột, chỉ tội đứa bé phải nghe bố mẹ cãi nhau.
Mấy tháng trước, người chồng nói "đi làm ăn" rồi khoác balô ra bến xe. Mấy tháng anh ta không về nhà, chỉ thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm đứa con gái. Phương ở nhà một mình nuôi con, chăm mẹ già. Ngồi trước chúng tôi, cô kéo chiếc khăn che kín mặt giấu đi ánh mắt ướt nhòe. 
"Tôi đi khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc rồi, bác sĩ lắc đầu. Bây giờ chỉ biết cầu trời, khấn Phật thôi. Ngày trước nghèo quá, nghe người ta đi đẻ thuê, nếu biết được thế này thì có cho cả tỉ đồng cũng không đi..." - chị Phương nói.
Bản hợp đồng không trách nhiệm
Sự thật các phụ nữ đẻ thuê được gì và phải chịu gì? Lật lại hồ sơ vụ án Trần Thị Ba tổ chức mang thai thuê vì mục đích thương mại ở Hạ Long, điều tra viên chau mày với những bản hợp đồng được tìm thấy ở căn phòng 501 chung cư Cao Thắng (TP Hạ Long). 
Bản "Hợp đồng lao động" với nội dung: Bên A nhận bên B làm người mang thai hộ bằng phương pháp cấy ghép phôi thai với thời hạn hợp đồng: 01 năm kể từ ngày được ký.
Ở điều 2, hợp đồng ghi rõ quy trình thực hiện: Cấy ghép phôi thai ở TP Phnom Penh, Campuchia, dưỡng thai ở TP Hạ Long và khi thai nhi tới tuần thứ 35 thì qua Quảng Châu, Trung Quốc để chuẩn bị sinh. Hợp đồng ghi rõ tổng số tiền bên A - tức Trần Thị Ba - phải trả cho thai phụ 250 triệu đồng, thanh toán làm 4 đợt. 
Tuy nhiên, ở điều khoản trách nhiệm, Trần Thị Ba chỉ có trách nhiệm "chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc và chịu chi phí ăn ở, đi lại trong thời gian hợp đồng có hiệu lực". Không có điều khoản nào quy định trách nhiệm của Ba đảm bảo an toàn cho thai phụ khi sinh nở và khi sống ở Trung Quốc.
Nếu bất trắc xảy ra, những phụ nữ cho "thuê bụng" sẽ như thế nào ở đất khách quê người? Đã có nhiều trường hợp nạn nhân "biến mất" hoàn toàn sau những chuyến đi xa này!
Dễ thành "con mồi" của tội phạm buôn bán người
Trung tá Nguyễn Xuân Khoa - phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Ninh - cho hay đại đa số các trường hợp mang thai hộ cho người Trung Quốc đều xuất cảnh trái phép hoặc cư trú trái phép.
Họ đối mặt với nhiều nguy cơ, mà dễ nhận thấy nhất là rủi ro, tai biến về y tế khi sinh nở. Họ cũng dễ là "con mồi" của tội phạm mua bán người. Đã có trường hợp sang Trung Quốc bị đẩy vào các nhà chứa. Nguy hiểm hơn là tội phạm mua bán bộ phận cơ thể người.

Tôi hỏi có cho gặp bạn đi cùng để yên tâm hơn, Sam đồng ý. Trên đường về, cô ta rỉ tai tôi rằng đưa người lúc dịch bệnh này rất khó khăn, không thể đưa nhiều người sang một lúc. Hải quan kiểm tra rất gắt gao, cấm xuất nhập cảnh. Một, hai người đi là thuận tiện nhất.

Theo TÂM LÊ - VŨ TUẤN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.