Bí ẩn đồi Bá Vân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từng là chốn rừng thiêng nước độc, nơi đặt căng tù của thực dân Pháp những năm trước Cách mạng Tháng 8. Rồi trở thành “lò” ngựa của miền Bắc hơn 60 năm qua. 3 năm trước, Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh - một đơn vị đặc biệt của Bộ Công an cũng đặt “đại bản doanh” tại đây cùng hàng trăm con ngựa hoang Mông Cổ được nuôi dưỡng, thuần hóa.

Vị trí vô cùng đặc biệt đó chính là đồi Bá Vân, xã Bình Sơn, TP Sông Công, Thái Nguyên…

“Lò” ngựa đầu tiên của cả nước

Đầu những năm 40 thế kỉ trước, chính quyền Pháp đã lập các “trại lao động đặc biệt” để giam giữ các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước chống lại thực dân Pháp.

Ngày 28/10/1941, căng Bá Vân được thành lập theo Nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ. Trước đó, căng tù này là một phần của nhà tù được người Pháp xây từ năm 1913 trên một khu đất hẻo lánh của làng Bá Vân, dân cư thưa thớt, ngăn cách với bên ngoài bởi dòng sông Công.Căng Bá Vân tồn tại đến tháng 10/1944, giam giữ khoảng 200 tù nhân. Các đảng viên trong tù đã biến nhà giam thành nơi học tập chính trị, tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Ngay trong lòng nhà tù, tờ báo “Dòng sông Công” ra đời để phản ánh sinh hoạt nội bộ, bàn luận tình hình trong và ngoài nước. Năm 1994, căng Bá Vân được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đàn ngựa trên đồng cỏ chăn thả của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi.

Đàn ngựa trên đồng cỏ chăn thả của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi.

Ngày 12/4/1960, Trại nhân giống Ngựa Bá Vân được thành lập theo quyết định số 117/KT/TC của Ủy ban hành chính khu tự trị Việt Bắc, để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao kĩ thuật nhân giống, chăn nuôi ngựa, phục vụ cho đời sống, sản xuất của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Trại được đặt ở chính ngọn đồi Bá Vân, có diện tích hơn 96ha thuộc xã Bình Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái, thuộc quản lý của Sở Kiến trúc Việt Bắc. Đây được coi là trại chăn nuôi ngựa đầu tiên và lâu đời nhất ở nước ta.

Trải qua các thời kì lịch sử, dù Trại đã 3 lần đổi tên: Từ Trại nhân giống Ngựa Bá Vân (từ năm 1960 – 1993); Trại Nghiên cứu ngựa và Trâu Bá Vân (1994-1997) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (từ 1998 đến nay). Qua 5 đơn vị nhà nước quản lý, hiện nay Trung tâm thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Duy chỉ có vị trí của trại ngựa là vẫn ở khu đồi Bá Vân. Và “Trại ngựa Bá Vân” vẫn là cái tên quen thuộc với người dân quanh vùng.

Trong kí ức của nhiều thế hệ cán bộ công tác tại Trung tâm, quá trình xây dựng cơ sở nuôi ngựa trên đồi Bá Vân vô cùng vất vả, có sự đóng góp công sức của biết bao người thầm lặng phát triển đàn ngựa, góp sức cho những mục tiêu lớn của ngành nông nghiệp. Những ngày đầu xây dựng trại không có điện, không có đường vào, thiếu phương tiện giao thông, thiếu nhà xưởng, chuồng trại. Trại được bao bọc bởi dòng sông Công như hình móng ngựa, đi cổng phía Bắc phải leo cầu treo qua sông Công, đi cổng phía Nam phải xuống bến đò mới sang được. Trải qua bao thăng trầm, khó khăn gian khổ, cán bộ công nhân viên của Trung tâm đã lao động để có được cơ sở vật chất, thành tựu như hôm nay. Không chỉ bảo tồn, và phát triển các giống ngựa quý, Trung tâm còn nghiên cứu, lai tạo và nhân giống thành công các loại trâu, bò, gia cầm và thức ăn gia súc.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi chia sẻ, hiện nay đã có thêm một số trung tâm nuôi ngựa ở Nha Trang (Khánh Hòa), Đức Hòa (Long An) hoặc Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), nhưng Trại Bá Vân vẫn mang dấu ấn là “lò” sản xuất ngựa đua đầu tiên ở cả nước.

Công trình lai tạo giống ngựa ở nước ta bắt đầu triển khai từ năm 1964 khi Chính phủ cho phép nhập 8 con ngựa Kabadin của Liên Xô (cũ) về nuôi, lai tạo và nhân giống. Sau đó, tiếp tục nhập ngựa Kabadin từ Trung Quốc về thử nghiệm, cho kết quả tốt. Chỉ tính những năm gần đây đã có trên 20.000 con ngựa lai từ trung tâm được chuyển giao cho nông dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang… Trại ngựa Bá Vân nổi tiếng là một trong những “lò” sản xuất ngựa bạch và ngựa đua lớn. Những con ngựa đua ra đời ở trại là giống “ngựa lai ba máu” được cung cấp cho nhiều “lò” luyện ngựa đua trong cả nước, từ Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai vào tận TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…

Mã đáo

Đồi Bá Vân quả thật có mối duyên với loài ngựa. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Công an quyết định chọn khu vực đất nằm trên đồi Bá Vân thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi làm“căn cứ” để đào tạo kỵ binh cho lực lượng Công an nhân dân. Bởi nơi đây có lợi thế về không gian cùng với trang trại, đồng cỏ, bãi chăn thả, cơ sở nuôi dưỡng ngựa lâu đời, rất thuận lợi cho việc thuần hóa, huấn luyện ngựa chiến đấu.

Cán bộ chiến sĩ Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh luyện tập kĩ thuật bắn súng trên lưng ngựa.

Cán bộ chiến sĩ Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh luyện tập kĩ thuật bắn súng trên lưng ngựa.

Đồi Bá Vân có lịch sử đón đàn ngựa nước ngoài từ năm 1964. Năm 1995, Trại tiếp nhận đàn trâu Murah giống Ấn Độ từ Sông Bé chuyển ra, thêm nhiệm vụ lai tạo giống trâu để chuyển giao cho các vùng. Đầu năm 2020, đàn ngựa hơn 100 con hoang dã, chưa được thuần phục từ sa mạc sa mạc Gobi (Mông Cổ) được đưa về Đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Kỵ binh, Bộ Tư lệnh CSCĐ, Bộ Công an. Việc đưa đàn ngựa về Việt Nam là nỗ lực, quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và cán bộ chiến sĩ được trực tiếp giao nhiệm vụ.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã từng nhấn mạnh: “Trước đây, khi Bộ Công an còn lực lượng Công an vũ trang thì cũng có lực lượng kỵ binh rồi, lúc đó chủ yếu tuần tra biên giới, chưa có đường sá, phải dùng ngựa đi tuần tra. Ngựa thì có thể đi bất kể địa bàn nào, từ miền núi, có đường hay không có đường, đường rừng, mang được nặng...". Do đó, mô hình CSCĐ Kỵ binh được Bộ Công an thành lập dựa trên việc học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhiều nước trên thế giới, sử dụng vào rất nhiều nhiệm vụ, liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Lực lượng kỵ binh sẽ phục vụ các công việc cần thiết, thậm chí trong các nghi thức cấp quốc gia, lễ tân của nhà nước..., tiến tới nghiên cứu sử dụng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tuần tra kiểm soát.

Ngay từ đầu những năm 1970, cán bộ Trại ngựa đã thực hiện đề tài khoa học lai tạo ra giống ngựa Việt Nam kiêm dụng thồ, kéo, cưỡi phục vụ miền núi và quốc phòng. Lúc đó các kĩ thuật viên đã bắt đầu huấn luyện đàn ngựa theo đội hình diễu binh, cưỡi ngựa vượt chướng ngại vật, phi ngựa bắn cung, phóng lao. Giờ đây, Đoàn CSCĐ Kỵ binh đang tích cực triển khai nhiều hoạt động huấn luyện và ngày càng chuyên sâu. Có khoảng 70 CBCS phụ trách huấn luyện khoảng 70 con ngựa chia thành các tiểu đội chống bạo loạn và diễu binh diễu hành, tiểu đội vận động cơ bản, tuần tra kiểm soát và tiểu đội thồ hàng. Từ khoảng đồi Bá Vân, những “chuyến công tác” của đàn ngựa ngày càng nhiều, ghi dấu ấn trong nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.

Đồi Bá Vân hơn 60 năm qua là mảnh đất bình yên cho đàn ngựa sinh sôi phát triển. Có biết bao “bà đỡ” mát tay ở Trại ngựa. Đến bây giờ, có thêm những “bà đỡ” mặc sắc phục Công an. Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng – Đoàn trưởng Đoàn CSCĐ Kỵ binh cho biết số ngựa của Đoàn CSCĐ Kỵ binh giờ đã tăng thêm hơn 30 con, nhiều chú ngựa trưởng thành đã được biên chế vào đội hình huấn luyện. Đặc biệt, cán bộ của Đoàn CSCĐ Kỵ binh đã kết hợp nghiên cứu cùng cán bộ của Trung tâm tạo ra giống ngựa lai. Đó là chú ngựa có mẹ là ngựa Mông Cổ, còn bố thuộc giống ngựa đua của Anh, hiện đã được hơn 1 tuổi, có thể chất to lớn hơn ngựa cùng tuổi. Hy vọng chú ngựa sẽ có tầm vóc cao to của ngựa đua và sức bền của ngựa Mông Cổ để tạo ra một thế hệ ngựa mới với nhiều ưu việt của giống loài.

“Thời gian đầu, khi Đoàn CSCĐ đóng quân ở đây, chúng tôi hỗ trợ, hướng dẫn các anh ấy về kĩ thuật nuôi ngựa. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, CBCS của Đoàn CSCĐ Kỵ binh rất tích cực nghiên cứu tài liệu về chăn nuôi ngựa, cộng với chuyên môn, kinh nghiệm về động vật nghiệp vụ, nên giờ các anh ấy lại giúp đỡ chúng tôi rất nhiều”, Tiến sĩ Đại cởi mở chia sẻ.

Đàn ngựa vẫn ngày ngày hít thở không khí đồi Bá Vân, ăn cỏ đồi và uống nước sông Công. Từng khoảng đất thấm đẫm mồ hôi của cán bộ chăn nuôi, của các chiến sĩ trên thao trường. Nhịp vó ngựa vang vọng đêm ngày, tiếng ngựa hý, tiếng hô vang dậy đã tạo nên sức sống, chứa đựng những bí ẩn thú vị của đồi Bá Vân.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.