(GLO)- Năm 1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức. Do bận trăm công ngàn việc nên Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể vào dự “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku”, mà viết thư thăm gửi với lời lẽ động viên thiết tha, giục giã. Bức thư đã trở thành lời động viên, cổ vũ tinh thần hàng triệu người quyết tâm bảo vệ đất nước.
Ngay ở câu đầu tiên: “Cùng các đồng bào dân tộc thiểu số, hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ”-chữ “cùng” đã thể hiện sự gắn bó, thắm thiết về mặt tình cảm mà Bác dành cho đồng bào vì “cùng” nghĩa là cùng nhau, cùng đồng hành, song hành… Mặc dù, Bác Hồ chưa một lần vào Tây Nguyên, người dân Tây Nguyên nhiều người chưa một lần gặp Bác, nhưng lúc nào tình cảm của Người, tâm hồn của Người luôn hướng về đồng bào. Cách xưng hô “đồng bào” và “tôi”-nghe sao gần gũi, thân thương, trìu mến đến lạ. Dường như tình yêu của Bác dồn vào hai chữ “đồng bào”. Tiếp theo, Người bày tỏ sự nuối tiếc vì không đến tham dự cuộc họp mặt thân mật cùng đồng bào: “Tôi tuy xa, lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào”.
Các đại biểu dân tộc thiểu số bên Bia ghi thư Bác Hồ tại TP. Pleiku. |
Bày tỏ tấm chân tình, đồng thời Bác cũng không quên khơi lại cội nguồn, tình cảm và sức mạnh của dân tộc ta: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Bahnar và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”. Nói về cội nguồn nhưng Bác nhấn mạnh đến sự bình đẳng, kết đoàn của các dân tộc anh em nhằm xóa bỏ những bất đồng, mặc cảm, tôn trọng và có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc. Câu “Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” như là một lời nguyện thề son sắt, dù sống hay chết, dù nghèo khổ hay sướng vui, lúc nào cũng gắn bó, đoàn kết với nhau, không gì có thể chia cắt và làm tình cảm đồng bào ta nhạt phai. Bác chỉ ra rằng, sở dĩ “Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta”. Ngày nay, chúng ta đã có tài sản chung đó là “nước Việt Nam”. Vì vậy, “Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ” để săn sóc cho tất cả các đồng bào”. Bác nêu ra nhiệm vụ cao cả của chúng ta là cùng nhau cai quản và giữ gìn, bảo vệ đất nước, vì: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”. Cụm từ “Chính phủ chung của chúng ta”, “dân tộc ta”, “nước non ta”, “Chính phủ ta” như điệp khúc tiếp nối tăng thêm âm hưởng hùng hồn về tinh thần đoàn kết vững bền của dân tộc. Nó trở thành chân lý hiển nhiên và là quy luật bất di bất dịch. Trong mỗi lời nói của Bác đều có tình yêu thương, sự gắn bó, đoàn kết của các dân tộc. Vì đoàn kết là truyền thống vĩnh cửu trong hàng ngàn năm giữ nước của dân tộc ta, giúp dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa, thôn tính sau một thiên niên kỷ “Bắc thuộc”. Và trong hoàn cảnh hiện tại, nhắc đến nguồn gốc các dân tộc Việt Nam, đồng thời Bác cũng kêu gọi quyết tâm giữ vững tình đoàn kết “Vì đơn độc sẽ làm mồi cho hiểm họa/Từ kết đoàn hạnh phúc sẽ sinh sôi”. Hơn nữa, Tây Nguyên là máu thịt của quốc gia-dân tộc Việt Nam, là vùng đất giàu đẹp, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Từ nhiều đời nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mang trong mình những truyền thống hết sức quý báu, đó là truyền thống cần cù, lao động sáng tạo và đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất.
Như một sự sắp đặt của lịch sử, Tây Nguyên ngày nay đã và đang trở thành quê hương chung của 54 dân tộc anh em, cùng chung lưng đấu cật xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để làm được nhiệm vụ thiêng liêng đó, Bác kêu gọi tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của đồng bào ta: “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”. Lời nguyện thề một lần nữa được vang lên và lần này trở thành lời thề non nước thật thiêng liêng, khẳng định tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất vững bền của dân tộc. Lời thề ấy cũng chính là quyết tâm sắt đá, lòng mong mỏi của Bác: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.
Bức thư ngắn gọn khoảng nửa trang giấy nhưng hàm súc, chứa đựng một nội dung phong phú và sâu sắc. Đó là tình yêu thương vô vàn, tình đoàn kết dân tộc, là ngọn đuốc soi đường làm nên sức mạnh lòng dân. Ngôn ngữ đại chúng mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, xúc động. Lời xưng hô thân mật, gần gũi, chân tình. Giọng thư ân cần, tha thiết, sâu lắng. Bức thư mang đậm phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự truyền cảm và lay động trái tim người tiếp nhận. Những lời tâm thư của Bác là di sản vô giá, là báu vật thiêng liêng của đồng bào Tây Nguyên. Nó trở thành nguồn động viên to lớn trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong công cuộc kiến thiết, xây dựng lại quê hương hôm nay của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Nhật Minh