Bất lực với xây dựng không phép?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tình trạng xây dựng không phép đang xảy ra khá phổ biến, thậm chí công khai ở hầu hết các địa phương trên cả nước, khiến người dân phải đặt câu hỏi: Chính quyền địa phương không xử lý nổi vấn nạn này hay còn có lý do lợi ích nào khác?

Theo Luật Xây dựng năm 2014, giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình, trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. Thế nhưng hiện nay, có rất nhiều công trình xây dựng, nhất là nhà ở “mọc lên” mà không cần có giấy phép.

Chẳng hạn, theo phản ánh của người dân, hiện trên địa bàn Phường 8, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) có cả “dãy phố” với gần chục căn nhà xây dựng kiên cố nằm trong con hẻm nối ra đường Trần Anh Tông. Một số nền đất cạnh đó đã chia ô vuông vắn chờ khách tới mua. Các gia đình sinh sống tại “dãy phố” này vẫn vô tư sinh hoạt như chưa từng có chuyện gì xảy ra, dù trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản số 1414/UBND-XD ngày 10/3/2023, chỉ đạo UBND thành phố Đà Lạt tổ chức kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ xử lý vi phạm vì khu đất này hiện là đất nông nghiệp, không được phép xây dựng nhà ở...

Còn tại Bình Dương, hàng loạt công trình nhà xưởng với diện tích lớn, khu nhà trọ cho thuê, nhà ở… được xây dựng trái phép trên các thửa đất nông nghiệp, đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thành phố Tân Uyên và Thuận An mà chưa có sự vào cuộc xử lý từ cơ quan chức năng.

Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng xây nhà không phép cũng đã và đang xảy ra rất nhiều ở các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, thành phố Thủ Đức... Dù không “rầm rộ” như trước đây, nhưng những ngôi nhà không phép vẫn mọc lên, đan xen với những khu dân cư hiện hữu…

Hay tại Hà Nội, nhiều phản ánh của người dân về tình trạng chính quyền buông lỏng quản lý, khiến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị chuyển đổi, xây dựng trái phép và sử dụng sai mục đích tại một số địa phương như: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất… Thậm chí ngay tại các quận nội thành, nhiều biệt thự không phép vẫn “mọc” lên một cách ngang nhiên.

Người dân bức xúc đặt vấn đề: “Chúng tôi mới đổ có đống cát, đá trước cửa nhà thì cán bộ phụ trách xây dựng phường đã đến, vậy những căn biệt thự hoành tráng hay những dãy nhà hàng chục căn xây dựng “chui” sao lại không biết?”.

Lý giải của một số lãnh đạo địa phương cho biết, để xảy ra việc xây dựng không phép trên địa bàn là do nhân sự mỏng, cán bộ quản lý về xây dựng quá ít, địa bàn rộng, dân cư đông nên chưa thể quản lý chặt chẽ; việc xử lý xây dựng không phép rất khó khăn, mất thời gian và nhân lực… Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận, có tình trạng cán bộ thoái hóa, tìm cách “lách luật” để cho qua việc xây dựng không phép.

Có thể khẳng định, thực trạng xây dựng không phép vẫn đang là vấn đề nóng ở nhiều địa phương trên cả nước. Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do nhu cầu về nhà ở lớn, một số đối tượng lợi dụng kẽ hở của các quy định pháp luật và chế tài chưa đủ mạnh đã cố tình vi phạm… Trong khi đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng ở nhiều địa phương chưa thật sự sâu sát, quyết liệt; thậm chí có nơi còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng hoặc có tiêu cực…

Đặc biệt, việc xây dựng không phép hiện nay có thể có sự “tiếp tay” của chính quyền địa phương hoặc “một thế lực nào đó”, bởi có nhiều công trình, dù đã có chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo cấp trên nhưng vẫn bị phớt lờ, “bình chân như vại”.

Việc không tuân thủ những quy định trong xây dựng, không đơn thuần chỉ ảnh hưởng đến việc quản lý hành chính, nó để lại hàng loạt hệ lụy rất lớn như thiếu đường sá, điện, nước…, làm phá vỡ quy hoạch địa phương, tạo “điểm nóng”... Nguy hiểm hơn, nó gây bức xúc xã hội, làm suy thoái niềm tin của người dân vào chính quyền, bởi dư luận cho rằng, phải “có gì đó” thì các công trình không phép mới tồn tại như vậy.

Nhu cầu xây dựng công trình, nhà ở… là quyền lợi chính đáng của người dân, thế nhưng để đưa vấn đề này vào khuôn mẫu, giải pháp trước mắt là phải bắt đầu từ địa phương. Theo đó, cần phải quy trách nhiệm về cho địa phương, áp trách nhiệm quản lý địa bàn, cũng như siết chặt kỷ cương trong xây dựng của chính quyền phường, xã và quận, huyện. Nếu địa phương, cán bộ phụ trách nào để xảy ra sai phạm thì phải quy trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc, triệt để.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Thanh tra xây dựng, UBND các quận, huyện và UBND phường, xã trong xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng cần nhanh chóng, chặt chẽ; kiên quyết ngăn chặn, cưỡng chế ngay khi vừa có dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra, cần nâng cao mức phạt vi phạm hành chính trong xây dựng, bởi mức chế tài hiện nay thật sự không đủ sức răn đe với tư tưởng “phạt để tồn tại”; đồng thời công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về trật tự xây dựng cũng cần được triển khai rộng rãi và cụ thể đến người dân.

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.