Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh: Vàng thau lẫn lộn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có giá trị cao, trong khi chưa có nhiều máy móc kiểm định khiến sâm Ngọc Linh giả vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường.

Hàm lượng chất bổ dưỡng đặc biệt, quý hiếm đã khiến giá trị của sâm Ngọc Linh được nâng cao, giá sâm Ngọc Linh luôn ở mức 120 - 260 triệu đồng/kg.
 

“Mượn đầu heo, nấu cháo”

Chính vì tiềm năng kinh tế mà loại “cây thuốc giấu” này mang lại, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã quyết định thuê môi trường rừng để trèo lên đỉnh Ngọc Linh trồng sâm. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm thật, ăn thật. Thời gian vừa qua đã có không ít doanh nghiệp vẽ ra những “vườn sâm ảo” nhằm lợi dụng thương hiệu của sâm Ngọc Linh để trục lợi.

Cụ thể, khoảng cuối tháng 11.2021, tại lễ khai trương trụ sở ở Kon Tum, Công ty CP đầu tư sâm Việt Nam đã giới thiệu nhiều sản phẩm có thành phần của sâm Ngọc Linh. Đại diện công ty này còn công bố đang sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh. Trong đó, 2 ha trồng tại xã Mường Hoong (H.Đăk Glei) và 8 ha tại xã Ngọc Yêu (H.Tu Mơ Rông, Kon Tum). Thông tin trên khiến người dân và chính quyền sở tại ngỡ ngàng, vì chưa từng nghe đến tên công ty này có đầu tư trồng sâm tại địa phương.

 

Những loại củ này rất giống sâm Ngọc Linh khiến nhiều người tiêu dùng mắc bẫy. Ảnh: Đức Nhật
Những loại củ này rất giống sâm Ngọc Linh khiến nhiều người tiêu dùng mắc bẫy. Ảnh: Đức Nhật



Ngay sau khi báo chí phản ánh, chính quyền địa phương đã vào cuộc xác minh. Qua làm việc, Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum xác định việc Công ty CP đầu tư sâm Việt Nam công bố sở hữu 10 ha và liên kết trồng sâm Ngọc Linh với người dân trên địa bàn 2 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông là không có. Công ty này chỉ mua của người dân 550 cây sâm Ngọc Linh và gửi lại người dân trồng, đã cho thu hoạch được khoảng 1.000 hạt và đang được gieo tại vườn. Việc Công ty CP đầu tư sâm Việt Nam tại Kon Tum mua sâm Ngọc Linh của các tổ chức, cá nhân nào để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm…, thì đến nay vẫn không xác định được.

Đáng chú ý, mới đây Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh (trụ sở tại TP.Hà Nội) giới thiệu đầu tư và phát triển hàng trăm héc ta vùng trồng nguyên liệu sâm Ngọc Linh ở 2 huyện của tỉnh Kon Tum và H.Nam Trà My (Quảng Nam). Công ty này còn thông tin rằng năm 2021 đã trồng thành công hàng chục ngàn gốc, trong năm 2022 sẽ tiếp tục trồng mới và nâng số lượng.

Trả lời Thanh Niên về có hay không chuyện Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh đang trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện, ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My, khẳng định: “Cho đến giờ phút này, Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh chưa có một động thái nào về khảo sát và cũng chưa có cơ sở pháp lý, thủ tục nào để thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện. Chúng tôi khẳng định công ty này chưa trồng bất kỳ một cây sâm Ngọc Linh nào trên địa bàn huyện”, ông Mẫn nói.

Theo ông Mẫn, việc Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh “nổ” đang trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn Nam Trà My đã gây bức xúc trong cộng đồng và những người có tâm huyết đầu tư vào sâm Ngọc Linh. Việc này cũng ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, thương hiệu của sâm Ngọc Linh.

“Một số cá nhân, doanh nghiệp thường chơi trò “mượn đầu heo nấu cháo”. Tức là khi đi tham quan, họ chụp ảnh, quay phim một vườn sâm Ngọc Linh của người khác, hoặc người nào đó chụp ảnh với cây sâm Ngọc Linh rồi dùng hình ảnh ấy quảng bá là sâm của mình trồng trên địa bàn huyện, khiến nhiều người hiểu lầm, tin là sự thật”, ông Mẫn chia sẻ.

 

Lực lượng chức năng có mặt kiểm tra tình hình buôn bán sâm Ngọc Linh tại phiên chợ sâm Nam Trà My. Ảnh: Mạnh Cường
Lực lượng chức năng có mặt kiểm tra tình hình buôn bán sâm Ngọc Linh tại phiên chợ sâm Nam Trà My. Ảnh: Mạnh Cường


Chiêu trò đội lốt

Không chỉ có những doanh nghiệp tìm cách vẽ ra các vườn sâm ảo, lợi dụng thương hiệu Quốc bảo Việt Nam để trục lợi. Vì lợi nhuận, nhiều thương lái còn nghĩ ra cách thu mua củ tam thất, điền trúc ở các tỉnh phía bắc (có hình dạng giống với sâm Ngọc Linh) rồi thuê xe khách vận chuyển vào H.Đăk Tô (Kon Tum). Sau đó, những thương lái này sẽ gắn mác sâm Ngọc Linh và rao bán trên mạng xã hội.

Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (thuộc Cục Quản lý thị trường Kon Tum), cho biết vào tháng 3.2021, qua nắm tình hình, đơn vị đã mật phục, vây bắt một vụ vận chuyển các loại củ giả sâm Ngọc Linh.

Rạng sáng 1.3.2021, khi phát hiện 1 ô tô chở khách bỏ 3 thùng xốp tại khối 7 (TT.Đăk Tô, H.Đăk Tô) có biểu hiện nghi ngờ, lực lượng quản lý thị trường mật phục, chờ người đến nhận hàng. Sau khoảng 20 phút, 2 người đi xe máy tiếp cận 3 thùng xốp trên. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng ập đến thì cả 2 vội bỏ chạy. Kiểm tra 3 thùng xốp thì không có thông tin người nhận - người gửi, bên trong có 2 kg củ và 12 kg lá rất giống sâm Ngọc Linh.

Theo ông Phúc, các thương lái thường gửi các loại cây “giống với sâm Ngọc Linh” theo xe khách từ các tỉnh phía bắc vào. Khoảng 3 - 5 giờ sáng, khi xe tới TT.Đăk Tô thì hàng được thả xuống ven QL14, sau đó sẽ có người tới chở đi… “Việc vận chuyển này không thường xuyên, trong tháng có từ 1 - 2 lần, có thể là tùy vào lượng hàng giao dịch”, ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, sau khi tiếp nhận cây điền trúc, tam thất…, thương lái sẽ giới thiệu là sâm Ngọc Linh Kon Tum rồi bán ngược cho khách hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… “Việc đưa các loại củ giống sâm Ngọc Linh về tỉnh Kon Tum là để giả nguồn gốc rồi gửi đi nơi khác bán. Nhiều người không tìm hiểu kỹ chỉ thấy xuất xứ ở Kon Tum thì vội vàng tin tưởng và mắc bẫy”, ông Phúc cảnh báo.


 

Người dân chuyên trồng sâm ở xã Trà Linh, H.Nam Trà My đưa sâm Ngọc Linh xuống phiên chợ sâm để bán. Ảnh: Mạnh Cường
Người dân chuyên trồng sâm ở xã Trà Linh, H.Nam Trà My đưa sâm Ngọc Linh xuống phiên chợ sâm để bán. Ảnh: Mạnh Cường


Cảnh giác hàng trôi nổi

Không chỉ ở Kon Tum, hiện nay trên địa bàn Quảng Nam cũng đang có tình trạng sâm Ngọc Linh giả trộn lẫn với sâm Ngọc Linh thật, được nhiều cá nhân rao bán trên các mạng xã hội Facebook, Zalo… Tất nhiên, họ luôn khẳng định là sâm Ngọc Linh rừng tự nhiên. Trong khi đó, hiện nay sâm Ngọc Linh tự nhiên rất hiếm.

Thị trường sâm Ngọc Linh hiện nay như một ma trận, người tiêu dùng “tay mơ” chẳng biết đâu mà lần vì không rõ đâu là sâm thật, đâu là giả. Trong khi đó, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán sâm Ngọc Linh giả ngày càng tinh vi.


Ảnh hưởng thương hiệu

Việc các doanh nghiệp “nổ” đang sở hữu các vườn sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh, làm các sản phẩm không thật, tự giới thiệu không đúng với thực tiễn, lạm dụng để buôn bán sản phẩm sâm Ngọc Linh… sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh. Từ đó, ảnh hưởng đến việc sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của người dân chuyên trồng cây sâm Ngọc Linh.

Ông Trần Út (Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam)
 

Ông Trần Út, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho hay nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng giá trị kinh tế cao đã đưa cây giống sâm Ngọc Linh bán ra thị trường để trục lợi. Một số doanh nghiệp nói thuê môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để trồng sâm Ngọc Linh, nhưng qua xác minh thì lại không có. Theo ông Út, trên địa bàn Quảng Nam hiện đang có khoảng 20 doanh nghiệp được thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh, nhưng chưa có doanh nghiệp nào đủ năng lực trồng sâm Ngọc Linh với số lượng lớn để di thực.

Hiện nay, việc rao bán sâm Ngọc Linh trên mạng xã hội rất khó kiểm soát. “Việc rao bán tràn lan ít nhiều sẽ ảnh lớn đến thương hiệu Quốc bảo Việt Nam. Người tiêu dùng nên tìm đến các địa chỉ tin cậy nhất. Đặc biệt là nên đến phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức tại H.Nam Trà My”, ông Út chia sẻ.

(còn tiếp)


Theo ĐỨC NHẬT-MẠNH CƯỜNG (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.