Do ảnh hưởng hoàn lưu bão, Bắc bộ, Trung bộ có mưa rất to, từ 100-300 mm, lũ trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh lên mức báo động 1 - báo động 2.
|
Đường dẫn vào xã Sơn Tiến, H.Hương Sơn (Hà Tĩnh) bị lũ chia cắt |
Cảnh báo trên được Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra, khi trong ngày 17-7 bão số 3 (tên quốc tế là Son Tinh) di chuyển rất nhanh theo hướng tây tây bắc, tốc độ khoảng 35 km/giờ.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 21 giờ ngày 17-7, vị trí cơn bão số 3 còn cách Thanh Hóa-Nghệ An khoảng 800 km, với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo sáng sớm 18-7, bão sẽ đi vào vịnh Bắc bộ và dự kiến chiều tối cùng ngày bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Dự báo, vùng trọng tâm cơn bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Thanh Hóa đến Nghệ An gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 trên đất liền.
Cũng theo ông Cường, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tỉnh nam đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to từ 200 - 300 mm. Ngoài ra, các tỉnh vùng núi và trung du, phía nam Tây Bắc, nam Việt Bắc từ ngày 19 đến 21-7 có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm.
Cũng theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong đợt mưa do ảnh hưởng của bão số 3, lũ trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh lên mức báo động1 - báo động 2.
|
Đường đi của bão số 3 NGUỒN: TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA |
Di dân khỏi vùng sạt lở
Trong khi bão số 3 đang tiến dần vào bờ biển, những ngày qua mưa lớn liên tục đã gây ngập nặng ở nhiều địa phương, đe dọa sạt lở đất... Ông Võ Minh Khoa, Phó chủ tịch UBND huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa), cho biết mưa kéo dài suốt 4 ngày qua khiến nhiều khu vực đồi núi trên địa bàn có hiện tượng sụt, nứt. Ngay trong ngày 17-7, UBND H.Bá Thước đã yêu cầu UBND xã Lũng Niêm (H.Bá Thước) di dời khẩn cấp 6 hộ dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao ra khu vực an toàn.
Trước đó, ngày 16-7, UBND H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cũng huy động lực lượng bộ đội, công an phá một đoạn đê sông Nhà Lê để thoát nước cho khu dân cư thuộc thôn Hòa Lâm (xã Trường Lâm, H.Tĩnh Gia). Những ngày qua, do mưa nhiều, nước không có lối thoát nên gây ngập và cô lập 10 hộ gia đình ở thôn Hòa Lâm, buộc các hộ phải sơ tán đến nhà người thân để ở.
Đến chiều tối qua, mưa vẫn tiếp tục xảy ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, khiến hàng nghìn héc ta lúa và hoa màu của người dân bị ngập úng. Hiện các tuyến sông lớn như sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày... nước đều đang dâng lên nhanh. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH) tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương cắt cử người tuần tra liên tục 24/24 giờ tại các tuyến đê xung yếu, chủ động sơ tán khi mực nước lên cao.
Thủy điện thông báo xả lũ
Tại Hà Tĩnh, BCH cho biết tính đến chiều 17-7, toàn tỉnh có trên 5.237 ha lúa, 2.344 ha rau màu các loại bị ngập lụt. Riêng huyện miền núi Hương Sơn do mưa lớn trong nhiều ngày qua, lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn kéo theo một lượng rác thải khổng lồ gồm thân và cành cây từ rừng, rác sinh hoạt của người dân khiến một số điểm trên sông Ngàn Phố bị tắc dòng chảy, nước dâng ngập úng cục bộ tại một số xã. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn, đã có 850 ha đậu, gần 100 ha ngô bị ngập và có nguy cơ mất trắng, một số diện tích lúa hè thu bị ngập cục bộ.
Ông Đặng Văn Thế, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Hương Sơn (Hà Tĩnh), cho hay lúc 8 giờ sáng cùng ngày, mực nước trong hồ thủy điện Hương Sơn ở cao trình 802,80 m và đang tiếp tục lên. Lượng mưa đo được tại trạm đầu mối thủy điện lúc 7 giờ ngày 17-7 là 150 mm. Để đảm bảo an toàn, nhà máy đã phát thông báo tới chính quyền địa phương và người dân ở vùng hạ lưu sẽ tiến hành mở các cửa van đập tràn để xả lũ. Thời gian bắt đầu xả từ 15 giờ chiều cùng ngày với lưu lượng từ 10 - 40 m3/giây.
Mưa lớn trong mấy ngày qua tại Nghệ An đã gây ngập hơn 1.000 ha lúa tại H.Yên Thành, một số tràn trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ qua H.Nghĩa Đàn bị ngập 0,3 - 0,5 m, nhiều tuyến đường tại TP.Vinh bị ngập sâu. Đến chiều tối qua, theo báo cáo của BCH tỉnh Nghệ An, đã có 3.799 tàu thuyền đánh bắt trên biển về neo đậu an toàn, một số tàu còn lại đã nhận lệnh và đang trên đường về trú bão.
Theo Thanh Niên