Báo động tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở Gia Lai hiện vẫn còn ở mức rất cao so với toàn quốc. Trong khi đó, nguồn nhân lực thực hiện chương trình dinh dưỡng còn thiếu, mạng lưới cán bộ làm công tác dinh dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu.
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng quá cao
Toàn tỉnh hiện có trên 174.000 trẻ dưới 5 tuổi, trong đó, trẻ dưới 2 tuổi chiếm hơn 38%. Những năm qua, tình hình dinh dưỡng ở trẻ em đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, Gia Lai vẫn là một trong những địa phương có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Tỷ lệ thiếu dinh dưỡng ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng và thiếu máu ở phụ nữ mang thai và ở trẻ em vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ trẻ em thấp còi, nhẹ cân còn cao.
Bác sĩ Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) thăm khám cho bệnh nhi bị viêm phổi trên nền suy dinh dưỡng. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) thăm khám cho bệnh nhi bị viêm phổi trên nền suy dinh dưỡng. Ảnh: Như Nguyện
Chị Y Chín (làng A, xã Gào, TP. Pleiku) rất lo lắng khi con trai gần 7 tháng tuổi nhưng chỉ cân nặng hơn 5 kg. Chị chia sẻ: “Lúc mang thai, mình ăn uống không đủ chất lại phải lao động nặng nhọc nên sinh con thiếu cân. Hiện nay, cháu bị suy dinh dưỡng. Ngoài ra, cháu cũng hay đau ốm nên nuôi hoài mà chậm lớn”.
Cùng cảnh ngộ, chị H’Ngan (làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) thổ lộ: “Con mình gần 9 tháng tuổi nhưng chỉ cân nặng có 6 kg. Cháu bú sữa mẹ, đến tuổi ăn dặm thì cho ăn thêm cháo gói mua sẵn. Vừa rồi, cháu bị bệnh đưa vào Trung tâm Y tế huyện Mang Yang điều trị, bác sĩ cho biết cháu bị viêm phổi kèm tiêu chảy thiếu máu và bị suy dinh dưỡng”.
Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) thường xuyên tiếp nhận trẻ đến khám, điều trị các bệnh lý khác trên nền suy dinh dưỡng. Bác sĩ Võ Thị Hồng Hạnh-Phó Trưởng khoa-cho hay: Trẻ bị suy dinh dưỡng kèm theo các bệnh lý khác nên việc điều trị gặp khó khăn. Phần nhiều là trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình khó khăn, cha mẹ thiếu kiến thức chăm con.
Còn nhiều trở ngại
Huyện Mang Yang có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 18,4% và thể thấp còi chiếm 24,6%. Bà Đỗ Thị Thu-cán bộ phụ trách chương trình dinh dưỡng (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) cho biết: Nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số kinh tế còn khó khăn nên bữa ăn hàng ngày chưa đảm bảo dinh dưỡng. Đặc biệt, vào mùa giáp hạt, cha mẹ đi làm thường xuyên nên con cái không được chăm sóc chu đáo.
Theo bà Thu, hàng năm, Trung tâm Y tế huyện tổ chức truyền thông giáo dục dinh dưỡng cho bà mẹ có con nhỏ về kiến thức và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ; tổ chức các buổi thực hành chế biến bữa ăn phù hợp theo độ tuổi với những loại thực phẩm sẵn có tại địa phương.
“Để chương trình phòng-chống suy dinh dưỡng triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ thêm về kinh phí; các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ; trang bị cân đo sức khỏe cho các trạm y tế để triển khai cân cho trẻ hàng tháng; có chế độ phụ cấp cho các cộng tác viên làm công tác dinh dưỡng”-bà Thu đề xuất.
Tăng cường tuyên truyền phòng-chống suy dinh dưỡng cho trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Như Nguyện
Tăng cường tuyên truyền phòng-chống suy dinh dưỡng cho trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Như Nguyện
Hiện nay, nguồn nhân lực thực hiện chương trình dinh dưỡng còn thiếu, mạng lưới cán bộ làm công tác dinh dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương về dinh dưỡng còn hạn chế. Sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu chính sách hỗ trợ cần thiết cho hoạt động của chương trình dinh dưỡng. Nhận thức và thực hành về dinh dưỡng hợp lý của cộng đồng còn thấp.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2014 đến nay, không có kinh phí cho cộng tác viên dinh dưỡng nên mạng lưới này không còn hoạt động. Hiện tại, nhân viên y tế thôn, làng kiêm nhiệm luôn các nội dung về hoạt động dinh dưỡng, nhưng kinh phí hỗ trợ còn thấp nên việc triển khai các hoạt động dinh dưỡng tại cơ sở gặp nhiều khó khăn. Trang-thiết bị phục vụ cho công tác dinh dưỡng như cân, thước đo, sổ tay cộng tác viên, tài liệu truyền thông đã nhiều năm nay không được cấp mới, bị hư hỏng không sử dụng được... Chính vì vậy, hiệu quả từ chương trình phòng-chống suy dinh dưỡng ở tỉnh ta chưa cao.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm