(GLO)- Cứ vào mùa thu hoạch cà phê, cảnh bụi bặm bao vây hay tiếng ồn rầm rì suốt ngày đêm của các nhà máy, doanh nghiệp thu mua, xay xát cà phê lại tiếp tục tái diễn, làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của các hộ dân sống xung quanh.
Vài năm trở lại đây, khi loại máy xay xát vỏ cà phê được bán rộng rãi trên thị trường với mức giá mà hầu như nhà vườn cà phê nào cũng có thể tiếp cận được: chỉ từ 3 đến dưới 10 triệu đồng tùy loại, thì cũng là lúc hình thành những cơn “bão bụi” nhỏ lẻ khắp các ngõ xóm mỗi khi có nhà vườn nào đó xay xát.
Một cơ sở thu mua, xay xát cà phê trên địa bàn xã Ia Dêr, huyện Ia Grai tiếp giáp với làng Klah. Ảnh: Hải Lê |
Tận mắt chứng kiến một chiếc máy xay xát cà phê đang hoạt động mới thấy cảnh tỏa bụi của chúng như thế nào. Với công suất lên đến hàng tấn cà phê khô/giờ, một chiếc máy xay xát nhỏ đủ 2-3 người liên tục tiếp cà phê mệt nghỉ. Bụi đất đỏ tỏa mù mịt trong phạm vi hàng chục mét. Cả chục người vây quanh máy xát ai nấy bịt kín như bưng vẫn không ngăn được bụi đất bám đầy quanh hố mắt, mũi. Đi ngang những chỗ đang có máy xay xát, người đi đường chỉ còn nước gắng nín thở thật lâu nếu không muốn hít khỏi bụi đất.
Có dịp đi ngang qua địa phận thôn Hồ Nước (thị trấn Chư Sê) vào chiều một ngày đầu tháng 12 vừa qua, chúng tôi nhìn thấy hai bên của đoạn đường dài chỉ chừng vài trăm mét đã có tới hơn chục chiếc máy xay xát cà phê cỡ nhỏ đang hoạt động. Tất cả đều chĩa ống xả vỏ ra phía mặt đường. Khoảng cách từ sân phơi nơi đặt máy không xa đường là mấy nên bụi bao trùm khắp một đoạn đường dài. Bụi bặm khiến người đi đường gặp trở ngại. “Dẫu biết là cả năm chỉ có một lần nhưng họ nên để ý một chút, chọn địa điểm đừng gần đường quá hay chí ít cũng che chắn lại một chút thì đỡ biết mấy. Đường xá đang sửa chữa đã khổ, thi thoảng lại gặp cảnh bụi bặm như này, đi đường cảm thấy rất khó chịu”-anh Phạm Văn Trà (tổ 3-phường Trà Bá-TP. Pleiku), khá bức xúc.
Những chiếc máy xay xát cà phê loại nhỏ nhả đầy bụi đất. Ảnh: Hải Lê |
Không chỉ phơi khô nguyên quả và tích trữ như trước kia, người trồng cà phê vài năm gần đây chuyển qua xay xát bỏ vỏ, chỉ trữ cà phê hạt nên tình trạng ô nhiễm bụi đất từ việc xay xát cà phê lan đến tận các xóm nhỏ. Nhiều hộ xay xát ngay cạnh đường đi, bụi bay trùm cả ra đường, ảnh hưởng đến hộ lân cận và việc đi lại của người khác. Hộ nào không sắm máy thì giá thành thuê xay xát cũng khá rẻ (300 ngàn đồng/tấn cà phê nhân) nên người người đều xát, nhà nhà xay xát và bụi bặm mùa thu hoạch cà phê càng trở nên phổ biến, nhất là trong thời điểm mùa khô Tây Nguyên vốn nắng gió và sẵn bụi bặm.
Tuy nhiên, đấy mới chỉ là nỗi khổ tức thời, chỉ xuất hiện trong thời gian cao điểm của mùa thu hoạch. Còn người dân sinh sống quanh các nhà máy, cơ sở thu mua, xay xát cà phê khô mới phải chịu đựng nổi khổ dai dẳng, kéo dài suốt mùa thu cho tới khi qua Tết cả tháng chưa dứt.
… Nằm trọn trong “vòng vây” của các cơ sở thu mua, xay xát cà phê, người dân làng Klah 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) nhiều năm nay phải chịu nỗi khổ “sống chung với bụi” và tiếng ồn. Bọc phía ngoài làng, phía tỉnh lộ 664 là hàng chục cơ sở thu mua, xay xát cà phê. “Nhà mình sát một cái xưởng khá lớn, bụi bặm và ồn lắm. Họ hay xay vào ban đêm nên cứ sáng mở mắt ra đã thấy bụi bám đầy đồ đạc trong nhà. Đêm thì cứ ì ầm, phiền lắm, trong khi nhà mình còn có tới 2 đứa con nhỏ đang đi học”-ông Kpuih Mlah (làng Klăh), nói.
Còn anh Bùi Kiên, một người dân khác sống trong làng thì than: “Nhà mình xa xưởng lắm rồi nhưng vẫn thi thoảng bị bụi. Các hộ gần xưởng miếng nước uống lắm khi còn có mùi bụi, ăn bữa cơm, giấc ngủ không yên. Nhà có con nhỏ tội các cháu lắm”.
TP. Pleiku hiện là nơi ập trung nhiều nhất các cơ sở xay xát cà phê. Theo thống kê của UBND TP. Pleiku, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố đã có 24 cơ sở đăng ký kinh doanh xay xát cà phê, tập trung chủ yếu ở khu vực ngoại thành: phường Yên Thế, An Phú, Đống Đa, Biển Hồ, Chư Á... Tình trạng bụi bặm, ô nhiễm không khí do các cơ sở xay xát này gây ra từng là vấn đề gây bức xúc nhiều năm tại các khu dân cư. Thời gian qua, tuy đã chú trọng đầu tư hệ thống nhà xưởng, quạt hút… để hạn chế tình trạng bụi và tiếng ồn ảnh hưởng tới các hộ dân lân cận nhưng vẫn còn không ít xưởng đã cũ kỹ, xuống cấp… khiến tình trạng bụi bặm có nơi vẫn chưa được khắc phục tốt và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân sinh sống xung quanh.
Hy vọng rằng, các cơ sở kinh doanh cần chú trọng hơn nữa tới đảm bảo môi trường, làm sao để hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và vấn đề dân sinh của nhân dân vùng lận phụ cận, hạn chế các tác động xấu tới môi trường sống của người dân.
Hải Lê