Ban QLRPH Chư Mố để mất hơn 1.400 ha rừng: Kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện, trong giai đoạn 2013-2018, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Chư Mố đã để mất hơn 1.400 ha rừng và chi sai hơn 182 triệu đồng. Thanh tra tỉnh đã kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.


Thanh tra tỉnh vừa có Kết luận thanh tra số 13/KL-TTr về việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp tại Ban QLRPH Chư Mố trong giai đoạn 2013-2018. Theo đó, Ban QLRPH Chư Mố được giao bảo vệ hơn 24.000 ha rừng gồm 31 tiểu khu thuộc địa bàn xã Chư Mố, Ia Kdăm (huyện Ia Pa) và xã Yang Nam (huyện Kông Chro). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị này đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng.

 Gỗ trong lâm phần của Ban QLRPH Chư Mố bị khai thác trái phép rồi vận chuyển ra ngoài. Ảnh: V.N
Gỗ trong lâm phần của Ban QLRPH Chư Mố bị khai thác trái phép rồi vận chuyển ra ngoài. Ảnh: V.N



Cụ thể, trong giai đoạn 2013-2018, Ban QLRPH Chư Mố đã quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao chưa chặt chẽ. Qua kiểm tra hồ sơ và thực tế tại một số tiểu khu, Thanh tra tỉnh đã phát hiện đơn vị này để xảy ra tình trạng các cá nhân chặt phá, lấn chiếm lấy đất sản xuất nông nghiệp với diện tích là 1.470,07 ha, trải rộng trên 25 tiểu khu. Trong đó, trước năm 2011 bị mất 264,42 ha; giai đoạn 2011-2014 mất 451,83 ha; giai đoạn 2014-2017 mất 506,5 ha; từ năm 2017 đến nay mất 247,32 ha.

Thanh tra tỉnh chỉ ra rằng, để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm, cơi nới lấy đất sản xuất nông nghiệp của người dân, trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo Ban QLRPH Chư Mố qua các giai đoạn. Bên cạnh đó là trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT, cấp ủy, chính quyền các huyện Ia Pa, Kông Chro trong công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, trách nhiệm cũng thuộc về cấp ủy, chính quyền các huyện Ia Pa, Kông Chro trong công tác theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm.

Không chỉ để mất rừng, Thanh tra tỉnh xác định Ban QLRPH Chư Mố còn để xảy ra các sai phạm về tài chính với số tiền hơn 182,1 triệu đồng, trách nhiệm chính thuộc về Trưởng ban và kế toán. Trong số tiền sai phạm này có hơn 34 triệu đồng thanh toán phụ cấp thu hút không đúng quy định; hơn 9,6 triệu đồng thanh toán hội nghị, tuyên truyền, xăng đi công tác; 84 triệu đồng khoán quản lý, bảo vệ rừng không đúng quy định. Trong 3 năm (2014-2016), Ban QLRPH Chư Mố tiếp nhận tiền từ nguồn dịch vụ môi trường rừng theo diện tích lớn hơn diện tích thực tế quản lý với số tiền chênh lệch thừa hơn 53,7 triệu đồng. Cụ thể, đơn vị này đã kê lệch với diện tích thực tế để hưởng số tiền thừa năm 2014 là 107,5 ha; năm 2015 là 253,13 ha; năm 2016 là 304,94 ha.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ việc Ban QLRPH Chư Mố để mất 1.470,07 ha rừng tại 25 tiểu khu sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị thu hồi hơn 182 triệu đồng sai phạm tài chính tại đơn vị này cũng như xử lý trách nhiệm các đơn vị liên quan.

Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị UBND yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và việc phê duyệt quyết toán các nguồn kinh phí hàng năm đối với Ban QLRPH Chư Mố; đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan tại Ban QLRPH Chư Mố vì để xảy ra các sai phạm trong công tác quản lý tài chính, quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra trong việc quản lý, bảo vệ rừng; giao dự toán và phê duyệt quyết toán các nguồn kinh phí đối với Ban QLRPH Chư Mố.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị: Sở Tài chính, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, UBND huyện Ia Pa, UBND huyện Kông Chro cần nâng cao công tác quản lý đối với các vấn đề liên quan đến sai phạm của Ban QLRPH Chư Mố. Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban QLRPH Chư Mố tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân có liên quan; tăng cường công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng; tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá rừng, lấy đất sản xuất nông nghiệp; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng chặt phá rừng.

 

 LÊ VĂN NGỌC


 

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.