Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giữ nhiều trọng trách nên lấy đâu ra thời gian để ông đảm nhận thêm công việc chủ tịch VFF?
Tiểu ban nhân sự đã chốt danh sách giới thiệu và đề cử các vị trí tham gia tranh cử vào danh sách Ban Chấp hành VFF khóa VIII. Ở vị trí quan trọng nhất - chủ tịch VFF, ngoài hai ứng cử viên được đề cử ngay từ lần đầu tiên là ông Nguyễn Công Khế - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên và ông Cấn Văn Nghĩa - Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao quốc gia, lần này có hai nhân vật mới lần lượt là Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Ngọc Thiện và Lê Khánh Hải.
Trong cuộc trao đổi với Báo Người Lao Động vào chiều 23-7 tại Bộ VH-TT-DL, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã chính thức tuyên bố nếu được các tổ chức, thành viên VFF giới thiệu, ông xin gửi lời cảm ơn đến những sự tín nhiệm đó và ông sẽ chắc chắn xin rút lui vì không có thời gian chuyên trách cho VFF để giúp bóng đá Việt Nam phát triển nhanh sau "Hiệu ứng U23".
Tóm lại, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện là người mới nhất được đề cử vị trí ứng viên chủ tịch VFF khóa VIII. Ông Thiện ngoài trọng trách là "Tổng tư lệnh" 3 ngành VH-TT-DL, ông còn đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam. Vậy lấy đâu ra thời gian để ông Thiện đảm nhận thêm công việc chủ tịch VFF, trong khi bóng đá chỉ là một trong nhiều môn thể thao của Việt Nam?
|
Thầy trò HLV Park Hang-seo đang tập trung chuẩn bị cho Á vận hội 2018. Bóng đá Việt Nam cần ổn định thượng tầng để tập trung cho AFF Cup 2018 và VCK Asian Cup 2019. Ảnh: HẢI ANH |
Trước đây, có hiện tượng cán bộ lãnh đạo chính quyền tham gia chủ tịch nhiều hội nghề nghiệp, nay hiện tượng đó không còn. Lý do, hiện các công việc quản lý nhà nước rất bận rộn, ở cấp trung ương còn quản lý đa ngành, lĩnh vực, nên các vị này cần tập trung chất xám, sức lực để giải quyết những việc ngày càng phức tạp, khó khăn thuộc thẩm quyền. Mặt khác, đó cũng là chính sách của Đảng và nhà nước, xã hội hóa thật sự các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đặc biệt các hội nghề nghiệp có thể tự lực được, đồng thời phân định chức năng quản lý nhà nước, không nhập nhằng với công tác hội nghề nghiệp.
Chưa kể Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện còn có nhiều việc và trách nhiệm lớn lao, nếu làm công tác lãnh đạo một hội như VFF sẽ phân tâm. Ngoài ra, để làm lãnh đạo một hội nghề nghiệp có khả năng tự quản, tự chủ như VFF cần là những người có kinh nghiệm thực sự để giúp ích cho bóng đá nước nhà, cụ thể những kinh nghiệm như: Kinh nghiệm trực tiếp về hoạt động bóng đá; kinh nghiệm về tổ chức hội nghề nghiệp; kinh nghiệm và năng lực về huy động các nguồn lực kinh tài cho bóng đá; kinh nghiệm xử lý về truyền thông, khủng hoảng và quan hệ với báo chí, công chúng...
Nếu ứng cử viên nào thiếu một, hai kinh nghiệm còn có thể được nhưng nếu thiếu ba trong bốn kinh nghiệm trên, khó dẫn dắt được hoạt động bóng đá trong môi trường hiện nay. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra nghiêm túc với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nếu ông đồng ý tranh cử chủ tịch VFF.
Hơn nữa, khi chấp nhận ra tranh cử công khai với các ứng cử viên khác, ông Thiện có đủ thời gian để đưa ra cương lĩnh hoạt động với những kế hoạch, chiến lược cùng các bước thực hiện cụ thể để đạt được các mục tiêu khả thi cho bóng đá Việt Nam (BĐVN)? Đã vậy, "tiền" thậm chí "tiền phải nhiều" là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất để biến giấc mơ chuyển mình bay cao của BÐVN thành hiện thực, vậy giải pháp của ông Thiện kiếm tiền cho BÐVN như thế nào? Chắc chắn, khi đã là chính khách, là lãnh đạo cấp cao trong bộ máy Chính phủ, dứt khoát ông Thiện không thể dùng uy tín của mình để huy động nguồn kinh tài của xã hội tập trung vào một tổ chức xã hội mà ở đó ông Thiện là chủ tịch (nếu như ông Thiện trúng cử chủ tịch VFF khóa VIII).
Ý kiến các chuyên gia . Ông TRỊNH MINH HUẾ: "Nếu ai đó đề cử Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ra ứng cử chủ tịch VFF thì thật không hiểu gì về bóng đá. Tôi không tin ông Thiện lại ra làm chủ tịch VFF khi đương nhiệm. Hơn nữa Thứ trưởng Lê Khánh Hải cũng đã từ chối rồi thì không lý gì ông bộ trưởng lại đồng ý ra làm. Nếu như ông Thiện có làm chủ tịch VFF thì chỉ khi ông ấy đã nghỉ hưu". . Ông LÊ THẾ THỌ: "Nếu có người đề cử ông Thiện thì về mặt pháp lý là phải ghi tên ông ấy trong danh sách được đề cử. Tuy nhiên, việc làm chủ tịch VFF đầu tiên là phải yêu nghề, đam mê với bóng đá, thứ nữa là phải am hiểu về bóng đá cũng như tổ chức quản lý. Nếu có người đề cử ông Thiện thì chưa chắc ông ấy đã đồng ý làm". . Ông TRẦN SONG HẢI, nguyên Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam: "Việc Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện được đề nghị ra ứng cử chủ tịch VFF, theo ý kiến cá nhân tôi, có phần lãng phí. Ông là "tư lệnh" của 3 ngành rất quan trọng. Kiêm nhiệm thêm vai trò lãnh đạo VFF, tôi lo ông quá sức trước sự kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân. Nói thế bởi thể thao nói chung, bóng đá nói riêng liên quan đến thành tích; bóng đá thành công, người hâm mộ sẽ nhớ đến ông tư lệnh kiêm nhiệm tài hoa; còn lỡ chẳng may sơ sẩy, dư luận lại nặng lời chỉ trích. Chưa hết, ông làm bộ trưởng, là cấp trên trực tiếp của Tổng cục TDTT, giờ kiêm nhiệm chủ tịch VFF, ông sẽ giải quyết sao đây mối quan hệ mới với tổng cục?". . HLV LÊ THỤY HẢI: "Dưới góc độ người làm chuyên môn, tôi cho rằng việc Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện được đề nghị ra ứng cử chủ tịch VFF là điều tích cực. Là người đứng đầu ngành thể thao, nếu đảm nhiệm vai trò lãnh đạo VFF, bộ trưởng chắc chắn sẽ tìm kiếm những cộng sự giỏi chuyên môn, hiểu biết về bóng đá Việt Nam để tham mưu cho ông mọi quyết sách, định hướng để bóng đá đi lên. Không nhất thiết chủ tịch một LĐBĐ phải xuất thân từ bóng đá, quan trọng là người nắm giữ cương vị này phải có tâm, có tầm, hết lòng vì công việc, không giữ ghế chỉ để mưu đồ danh lợi, vun vén cá nhân. Tôi tin Bộ trưởng Thiện sẽ làm được nhiều điều cho bóng đá Việt Nam" . Ð.TÙNG - H.THANH ghi |
Hoàng Tú (NLĐO)