(GLO)- Những vườn rau thường xuyên bị “ướp” các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thẩm thấu vào đất, hòa lẫn trong nước tưới tồn đọng trên các lối đi. Người trồng rau trực tiếp nhổ cỏ, chăm sóc rau bằng tay trần và giẫm lên mỗi ngày khiến lở lói bàn tay và các kẽ ngón chân. Thậm chí đã có trường hợp vết thương bị tiếp xúc với thuốc BVTV gây nhiễm trùng dẫn đến tử vong. Mới đây, do sử dụng thuốc BVTV “rởm” nên cả cây rau cũng bị gây hại. Đó là thực trạng đang diễn ra ở các vùng rau thuộc huyện Đak Pơ...
Hại người-hại rau
Bà Trần Thị Dung (56 tuổi) ở đội 4, thôn An Định, xã Cư An, huyện Đak Pơ, kể khổ: “Trong vườn nhà tui có 4 sào đất, trước đây tui trồng hết rau trên diện tích này. Làm rau thì phải dùng nhiều loại thuốc BVTV, từ thuốc trừ cỏ đến thuốc trừ sâu, bệnh. Ngày này sang ngày nọ, hết lớp thuốc này đến lớp thuốc kia, tui tưởng tượng trên đất sản xuất của nhà tui đã bị “nhiễm” thuốc độc. Mà đúng là vậy, hồi làm rau, sau khi phun thuốc là tui phải nhổ cỏ, chăm sóc cho cây rau.
Tưới rau. Ảnh: T.Đ.L |
Hoạt động này buộc tui phải ngồi bệt xuống mặt đất nhơm nhớp nước, chứa toàn thuốc độc nên thú thiệt, mông tôi thường xuyên bị lở loét. Thậm chí, nói ra thì xấu hổ, tui còn thường xuyên bị bệnh phụ khoa vì bị ảnh hưởng thuốc BVTV. Đây không phải là trường hợp của riêng tui, mà tất cả những phụ nữ làm rau trong vùng đều lâm vào cảnh tương tự.
Sợ quá, năm nay tui không dám làm rau nữa mà trồng lúa, vậy mà cũng không thoát. Sau khi phun một loại thuốc trừ cỏ cho mấy sào ruộng, đây cũng là loại thuốc tui quen dùng khi còn làm rau, 7 ngày sau không thấy cỏ chết, tui bèn ra tay nhổ. Nhổ chưa sạch cỏ tay tui đã lở toét loét như thế này”. Nói xong, bà Dung đưa 2 bàn tay lở loét ra để chứng minh với chúng tôi.
Cũng ở tại đội 4, thôn An Định này, một người có thâm niên trồng rau như anh Ba Hà cũng phải “bỏ cuộc chơi” với cây rau vì quá sợ thuốc BVTV gây hại. Anh Hà tâm sự: “Trong tất cả các loại thuốc BVTV dùng cho cây rau, tui sợ nhất là loại thuốc cát chuyên trị côn trùng sống dưới đất. Khi vãi, mình có thể cẩn trọng mang bao tay. Nhưng khi nó đã nằm dưới đất, thấm vào nước tưới rau hàng ngày, khi đi qua đi lại vườn rau để chăm sóc, chân tui giẫm vào nước mỗi ngày, lâu dần các kẽ ngón chân lở loét hết. Tui đã phải làm phẫu thuật 3 chỗ nhưng vẫn không bớt. Giờ tui đành cho người ta thuê căn nhà và 5 sào đất với giá 7 triệu đồng/năm. Hai vợ chồng dắt nhau vào Đồng Nai làm công nhân trong khu công nghiệp kiếm tiền nuôi con cho chắc ăn”.
Thế nhưng trường hợp của anh Hà chưa “thấm tháp” gì so với cái chết thương tâm của cô bé tên Đoàn Thị Thanh Nhung (SN 1983). Ông Đoàn Cảnh Vân (67 tuổi), cũng ở thôn An Định, cha của cháu Nhung, kể lại chuyện cũ với giọng buồn rười rượi: “Năm ấy gia đình tui làm 4,5 ha bắp. Trước khi trỉa, bắp giống bao giờ cũng được xử lý một loại thuốc BVTV để khi nằm vào đất không bị bọ ăn hư hạt giống.
Trước vụ bắp năm ấy, con gái kề út của tui tên Nhung bị té trầy xước đầu gối, nhưng nó vẫn ra đồng giúp cha mẹ trỉa bắp. Không ngờ vết thương của cháu do tiếp xúc với thuốc xử lý hạt giống làm mủ, sưng to dần. Sau khi mổ tại Bệnh viện An Khê vết thương vẫn không bớt, phải chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Bình Định. Thế nhưng mấy ngày sau cháu mất tại bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán là do vết thương đã bị nhiễm trùng quá nặng”.
Không chỉ hại người, thuốc BVTV còn hại chính cây rau. Mới đây, 8 hộ dân ở thôn 3, xã Đak Pơ (huyện Đak Pơ) đã phát hoảng khi nhìn thấy toàn bộ diện tích rau màu của mình với hơn 8.000 m2 trồng mướp đắng, dưa leo và đậu tây bị hư hại sau khi sử dụng thuốc Admitox 100WP do Công ty TNHH An Nông (Long An) sản xuất để diệt rầy và bọ trĩ. Anh Ngô Văn Thanh đắng lòng khi 2.000 m2 đậu cô ve của anh chuẩn bị ra hoa thì đã bị “chết yểu”.
Ông Trịnh Viết Luận- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, cho biết: “Chúng tôi đã thành lập đoàn công tác liên ngành về hiện trường kiểm tra, và cho phun thử loại thuốc nói trên trên cỏ và lúa. Kết quả thử nghiệm cho thấy toàn bộ cỏ và lúa trên diện tích thử nghiệm đều bị cháy lá, héo rũ dần và chết. Chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị đơn vị cung ứng chịu trách nhiệm về vụ việc này”.
Nông dân… tự “bơi”
Ông Đặng Chí Phong- Chủ tịch UBND xã Cư An, giải thích hiện tượng lạm dụng thuốc BVTV của người trồng rau ở đây: “Do diện tích trồng rau quá lớn, việc chăm sóc phải được thực hiện thường xuyên nên rất khó kiếm công, nhất là công nhổ cỏ. Do vậy, trong mọi tình huống, bà con trồng rau đều trông cậy vào thuốc BVTV, nhất là thuốc trừ cỏ. Thậm chí, trước đây bà con còn dùng cả loại thuốc cực độc hiệu 666 vào sản xuất rau. Bây giờ thì đã chấm dứt được nạn này rồi”.
Cũng theo ông Phong, cán bộ khuyến nông của xã thường xuyên về kiểm tra các vùng rau, hướng dẫn bà con quy trình làm rau an toàn. Thế nhưng khi tiếp xúc với người trồng rau để hỏi về vấn đề này thì họ lắc đầu nguầy nguậy: “Làm gì có, có thấy ai xuống hướng dẫn gì đâu. Bằng kinh nghiệm, tụi tui tự mách bảo nhau mà làm. Cây rau bị bệnh nào thì dùng thuốc gì, cứ ra đại lý mua về bơm”.
Làm việc với lãnh đạo 2 xã sản xuất rau trọng điểm là Cư An và Tân An, chúng tôi được biết, 2 địa phương nói trên không có cán bộ khuyến nông chuyên trách, chỉ là cán bộ địa chính kiêm nhiệm công tác khuyến nông. “Chúng tôi vừa đề nghị với huyện cho xin một suất biên chế cán bộ khuyến nông, thế nhưng do liên quan đến bằng cấp chuyên môn nên chưa tìm ra. Hiện chúng tôi vẫn đang tuyển người. Tuy nhiên, do khi đảm nhiệm công tác này chỉ được hưởng mức lương hệ số 1, ít ỏi quá nên chẳng ai muốn làm”-Chủ tịch UBND xã Cư An Đặng Chí Phong, bộc bạch. Với một vùng rau rộng gần 3.000 ha mà không hề có cán bộ khuyến nông chuyên trách thì chuyện người trồng rau “tự bơi” là không có gì khó hiểu.
Trần Đăng Lâm