(GLO)- Nắng nóng kéo dài làm cho hàng ngàn ha cây trồng bị hạn là điều không thể tránh khỏi vì các công trình thủy lợi chỉ có thể phục vụ cho cây lúa, còn các loại cây trồng khác như mía, mì, bắp hầu như phải phụ thuộc vào nước trời.
Theo lý giải của cơ quan chuyên môn, các huyện, thị xã phía Đông tỉnh không có khả năng làm các công trình thủy lợi để phục vụ nước tưới cho cây trồng. Nguyên nhân chính là do địa hình đồi núi khó xây dựng các công trình thủy lợi, không tích nước được, kinh phí hạn hẹp.
Chống chọi với cơn đại hạn ngoài sự tự thân vận động tìm nguồn nước cứu cây trồng của nông dân thì chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đã “nhập cuộc” sẻ chia khó khăn với nông dân; trong đó có giải pháp chuyển đổi giống cây trồng, khuyến cáo nguy cơ hạn đến người dân và thay đổi lịch thời vụ.
Mía cháy khô không thể phát triển được vì nắng nóng kéo dài. Ảnh: L.N |
Ông Võ Văn Hưng- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro cho biết: Ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2012-2013, chúng tôi đã khuyến cáo người dân không gieo trồng trên những diện tích có thể thiếu nước, cùng với đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tránh hạn. Theo đó, trước đây lúa cạn chiếm 70-80% tổng diện tích cây trồng của huyện, đến nay chỉ còn hơn 6%.
Hiện nay, những nương lúa cạn này đã được thay thế bằng cây bắp lai, mía, mì. Những vùng ven sông, ven suối chủ động được nguồn nước người dân đã chuyển đổi sang trồng rau màu… Thế nhưng, nhiều tháng nay không có mưa, các đập dâng, đập tràn, suối, hồ đều cạn kiệt nên nhiều diện tích cây trồng đã bị ảnh hưởng, trong đó có một số mất trắng.
Hàng ngàn ha cây trồng vụ Đông Xuân của huyện Đak Pơ bị hạn do nắng nóng kéo dài là điều không thể tránh khỏi. Bởi toàn huyện chỉ có 20 công trình thủy lợi lớn nhỏ, với năng lực tưới thiết kế 417 ha, trong khi đó, vụ Đông Xuân này toàn huyện theo kế hoạch sẽ gieo trồng 6.450 ha cây trồng các loại (hiện chỉ gieo trồng được 4.196 ha). Số lượng công trình thủy lợi ít và tính đến thời điểm này, mực nước các sông, suối và hồ thủy lợi cũng như mực nước ngầm đã cạn kiệt không thể phục vụ cho tưới.
Đa số các hồ thủy lợi nhỏ đã cạn đến gần mực nước chết và không còn khả năng sinh thủy để phục vụ tưới. Chẳng hạn tại xã Hà Tam, nước tại đập dâng suối Cát, đập Rù Rì đã cạn trơ đáy. Các hồ thôn Trang ở xã Yang Bắc, hồ Hà Tam ở xã Hà Tam lượng nước cũng đã giảm rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Khô hạn kéo dài cũng đã ảnh hưởng lớn đến công tác thu hoạch và xử lý mía lưu gốc sau thu hoạch.
Để duy trì sự sinh trưởng cây trồng trong vùng hạn, lãnh đạo các địa phương phía Đông tỉnh đã chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực tại chỗ, mọi giải pháp có tính hiệu quả để tổ chức chống hạn như vận động nhân dân, huy động lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đào giếng ở những nơi có điều kiện để tăng nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt… Song song với đó, hướng dẫn cho các xã thống kê, tổng hợp chính xác tình hình thiệt hại do hạn hán gây ra, báo cáo UBND huyện, thị xã để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Thực trạng cây trồng vụ Đông Xuân trên địa bàn các huyện, thị xã phía Đông tỉnh gặp hạn đến hẹn lại… xảy ra cho thấy công tác chỉ đạo thời vụ gieo trồng Đông Xuân và chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ phía cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó vẫn còn một số nông dân… thờ ơ với khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, vẫn gieo sạ lúa trên vùng có khả năng hạn hán cao; gieo sạ không tuân thủ đúng nông lịch. Khi mùa khô bắt đầu, cộng với diễn biến thời tiết biến đổi bất thường, mực nước từ công trình thủy lợi, đập dâng, ao, hồ, suối xuống thấp đã khiến cây trồng thiếu nước trên diện rộng là điều không thể tránh khỏi.
Tất cả các giải pháp trên cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài các địa phương cần có những biện pháp cụ thể như đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, chuyển đổi giống cây trồng, thay đổi lịch thời vụ để đảm bảo sản xuất nông nghiệp ổn định.
Lê Nam-Quang Tấn