Bài 3: Rừng vẫn bị xâm hại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cơ chế hỗ trợ tiền công nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng tạm dừng, người nhận khoán cũng… làm ngơ chuyện tuần tra bảo vệ rừng. Vì vậy, trách nhiệm giữ rừng hiện tại được dồn về cho các chủ rừng. Liệu những dải rừng có bị xâm hại trái phép?

Người nhận khoán không còn mặn mà với việc giữ rừng nên việc giữ rừng lại dồn về các cơ quan chức năng nên khó tránh khỏi tình trạng rừng bị xâm hại trái phép-đó là nhìn nhận chung của lãnh đạo các Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và Ban Quản lý Rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh. Làm rõ thêm thực tế này, ông Phạm Chung Chinh- Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn (huyện Chư Pưh), thừa nhận tình trạng xâm chiếm đất rừng trái phép lấy đất sản xuất tại các lâm phần do đơn vị quản lý vẫn còn xảy ra, song việc ngăn ngừa lại rất khó. Vì, hành trình xâm hại rừng trái phép thường diễn ra theo cách người dân lợi dụng việc làm rẫy, nhất là vào mùa mưa lén chặt một vài cây bỏ đó.

 

Đến mùa khô cây bị chết thì “giải phóng” hiện trường, mở rộng đất sản xuất. Bên cạnh cách xâm hại rừng và đất rừng trên, không ít người dân lợi dụng chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su đã lén chặt cây, chiếm đất sản xuất với mục đích để được nhận đền bù khi dự án thực hiện.

Vào thời điểm này, các chủ rừng khó đưa ra con số chính xác diện tích đất rừng thuộc lâm phần đơn vị quản lý bị xâm hại trái phép là bao nhiêu. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các chủ rừng, được biết việc xâm hại rừng trái phép cũng có nhiều kiểu. Diện tích đất rừng thuộc các tiểu khu gần thành phố, thị trấn có giá trị kinh tế cao, nên người dân thường xuyên lén chặt phá rừng lấn chiếm đất. Diện tích đất rừng nằm sâu ở các khe sông, suối không thể trồng rừng được, cũng bị chiếm dụng.

Quá trình canh tác trái phép nảy sinh tình trạng chặt phá rừng để mở rộng đất sản xuất; tiếp nữa những hộ sản xuất gần rừng tiến hành phát đốt không đúng quy trình là một trong những nguyên nhân cháy rừng. Điển hình diện tích rừng trồng thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ những năm gần đây luôn bị… cháy, làm thiệt hại hàng trăm ha rừng.

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Lấn chiếm đất rừng sản xuất, khai thác vận chuyển gỗ trái phép đang trở thành vấn đề “nóng” tại các địa phương có rừng. Ông Nguyễn Văn Cậy-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Chiêng (huyện Mang Yang) nói: Trong lâm phần của Công ty quản lý hiện tại có 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và làm nương rẫy,  một số làng nằm ngoài lâm phần nhưng có đất canh tác trong lâm phần; rồi vấn nạn dân di cư tự do xâm nhập vào địa bàn; thực trạng tách hộ do hệ quả tăng dân số tự nhiên dẫn đến nhu cầu cần gỗ làm nhà theo các Chương trình 134, 167 tăng cao; tình trạng sang nhượng đất trái phép vẫn còn xảy ra,… dẫn đến hệ quả người dân lén cơi nới đất rừng, khai phá trái phép đất lâm nghiệp để làm nương rẫy.

Cái khó trong việc ngăn ngừa thực trạng này là lực lượng của Công ty mỏng, còn người dân lựa thời điểm xâm hại trái phép rừng vào lúc sáng sớm, chiều tối, thậm chí là nửa đêm… gây khó khăn trong công tác giữ rừng.

Cũng theo ông Cậy, nguy cơ diện tích rừng thuộc đơn vị quản lý bị xâm hại trái phép vì hiện tại còn một số lượng cưa máy ẩn trong nhà dân rất nhiều; vấn nạn sử dụng xe mô tô vận chuyển gỗ trái phép né tránh sự tuần tra, truy bắt của lực lượng chức năng vẫn còn tái diễn trên địa bàn các xã; thực trạng người dân khai thác, xẻ gỗ làm nhà trái phép vẫn tồn tại trên địa bàn; đặc biệt tại địa bàn xã Kon Thụp còn nhiều xưởng cưa, tiện gỗ đang hoạt động. Thực tế không chỉ có địa bàn xã Kon Thụp, mà xưởng cưa, cơ sở chế biến gỗ xuất hiện hầu hết ở các địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ này góp phần đẩy tình hình khai thác trái phép gỗ rừng trở nên phức tạp.


Đề cập đến vấn đề này, cách đây chưa lâu, Bí thư Huyện ủy Krông Pa Bùi Khắc Quang cho rằng: Sự tồn tại của các cơ sở chế biến gỗ không phải để sản xuất, mà để mua bán lâm sản trái phép. Còn lãnh đạo huyện Ia Pa nhìn nhận vấn đề này tại cuộc giám sát công tác quản lý bảo vệ rừng của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh mới đây, rằng: Cấp phép kinh doanh gỗ là có điều kiện và quy trình cấp phép hiện nay do tỉnh và địa phương đảm nhận. Vậy nên, một số chủ kinh doanh lĩnh vực này từ địa phương khác đến đặt cơ sở chế biến gỗ tại vùng dân cư và gần rừng huyện Ia Pa và thực trạng này chỉ được phát hiện khi địa phương đi kiểm kê đất đai. Để hạn chế tình trạng xâm hại rừng trái phép, địa phương phải áp dụng giải pháp tình thế là yêu cầu các chủ cơ sở gỗ di dời cơ sở ra vị trí khác.

Hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh có phải là một trong những nguyên nhân làm tình trạng xâm hại rừng trái phép diễn ra phức tạp hay không? Trả lời câu hỏi này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-ông Vũ Ngọc An cho rằng: Vẫn chưa có cơ sở để khẳng định sự hiện diện của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, nhất là các cơ sở đặt tại khu vực vùng xa, vùng gần rừng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại rừng trái phép. Tuy nhiên, ông An không phủ nhận thực tế có “cung” ắt có “cầu”; mà biểu hiện cụ thể là thông qua công tác tuần tra, truy quét, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

Quang Văn - Anh Khoa
 

Có thể bạn quan tâm

Gia hạn thời gian nộp thuế: Giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp

Gia hạn thời gian nộp thuế, giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp

(GLO)- Cơ quan thuế tại Gia Lai đang tích cực đôn đốc, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2024 trước ngày 30-9 theo quy định tại Nghị định số 64/2024/NĐ-CP của Chính phủ.