Bài 3: Phía sau vạt rừng Ia Puch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ia Puch là một trong 2 xã biên giới của huyện Chư Prông. Nếu như Ia O, Ia Dom của huyện Ia Grai và huyện Đức Cơ để lại trong tôi những bâng khuâng, xao xuyến thì lần lên Ia Puch này lại cho tôi chút trải nghiệm về phận người trong cõi nhân sinh. Con đường từ thị trấn huyện lên, bắt đầu vào khu vực biên giới hai bên vẫn còn dấu tích của những cánh rừng già xưa kia. Phía sau vạt rừng ấy là câu chuyện dài về đất và người…

Ia Puch chỉ có 4 làng, chính xác là 5 làng bởi trong đó có một làng cùi chưa có tên. Qua làng Chư Ko gặp liền cụm chính gồm 3 làng: Goòng, Bih, Brang (trong đó có làng cùi), trung tâm xã đóng ở đây. Bao thế hệ qua đi, người Ia Puch cũng như bao nhiêu buôn làng Jrai, Bahnar khác ở Tây Nguyên đều sống dựa vào rừng, từ làm nhà ở cho đến chăn nuôi, đi lại, làm rẫy nương, săn bắt…
 

Làng cùi ở Ia Puch. Ảnh: T.P
Làng cùi ở Ia Puch. Ảnh: T.P

Chất rừng đã thấm đẫm vào máu thịt, vào tập quán để trở thành một thứ văn hóa đặc sắc không thể trộn lẫn vào đâu được. Nhiều nhà nghiên cứu đã từng nói rằng người Tây Nguyên nếu sống thiếu rừng sẽ không còn là người Tây Nguyên nữa.

Những năm gần đây, cơ chế thị trường đã tác động tích cực đến đời sống vốn dĩ yên bình ở vùng biên Ia Puch. Nhận thấy lợi ích của cây công nghiệp dài ngày mang lại hiệu quả thiết thực nên nhiều hộ dân đã đầu tư trồng điều (625 ha), cao su tiểu điền (124,5 ha) cùng nhiều loại cây ngắn ngày giá trị kinh tế cao như bắp lai, mì… Tuy nhiên do ý thức của một bộ phận người dân trong vùng và vùng lân cận nên tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất và khai thác gỗ ở khu vực giáp ranh vẫn thường xảy ra ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an.

Ngày địa phương tiến hành giao đất rừng cho các doanh nghiệp trồng cao su ở Ia Puch đã đánh dấu một cuộc chuyển đổi lớn lao trong đời sống của người dân nơi đây. Với 12.000 ha rừng và đất rừng giao 5 doanh nghiệp trồng cao su là: Bình Dương, Quang Đức, Quốc Cường, Cao su Chư Prông, Công ty cổ phần trồng rừng Gia Lai (thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), hiện trạng đất tự nhiên của Ia Puch thay đổi nhanh chóng.

Tuy nhiên, đến nay các đơn vị này chỉ mới tuyển dụng 137 công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người tại chỗ chưa tới 100 người, số còn lại thuộc 44 hộ dân tộc Hmông từ miền Bắc vào làm cho công ty Bình Dương. Ia Puch có tổng diện tích đất tự nhiên 26.751 ha, trong đó đất lâm nghiệp 18.735 ha.

Toàn xã có 449 hộ, 2.498 nhân khẩu. Như vậy diện tích đất rừng nghèo đã giao chiếm đến 64% tổng diện tích đất lâm nghiệp, số người được vào làm công nhân chỉ mới chiếm 4% số dân trong xã.

Anh Đặng Thái Hào nguyên là cán bộ mặt trận được huyện điều lên tăng cường Ia Puch làm phó chủ tịch UBND xã đã hai năm. Hào trăn trở: Các công ty đến đây trồng cao su tuy có hỗ trợ người dân nhân ngày lễ, tết, song chỉ mang tính tượng trưng, tinh thần là chính. Đặc biệt có một công ty hứa nhiều nhưng chẳng làm gì cho địa phương được bao nhiêu, đã vậy lại còn nợ lương công nhân đến mấy tháng mới trả.

May là mới đây Hoàng Anh Gia Lai đưa đoàn bác sĩ về khám bệnh, cấp thuốc, ca nào cần phẫu thuật thì chuyển lên Pleiku đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai phẫu thuật nên bà con rất phấn khởi.

Tuy đời sống vật chất còn khó khăn nhưng sự học ở Ia Puch rất đáng biểu dương. Năm học vừa qua trường trung học cơ sở Phù Đổng của xã có tới 22 lớp tiểu học, 361 học sinh; 5 lớp THCS 158 học sinh. Năm học này sẽ tách và thành lập trường tiểu học (đối diện trường Phù Đổng), cấp THCS dự kiến sẽ có 6 lớp với khoảng 180 học sinh. Cơ ngơi của nhà trường được xây dựng khá khang trang: phòng học, nhà hiệu bộ, nhà ở giáo viên, nhà ăn, có cả internet wifi…

Xa thị trấn, không chợ búa gì nên giáo viên hùn tiền mua tủ lạnh đựng thức ăn và tự phân công nhau nấu cơm tập thể. Hiệu trưởng Thái Bình nguyên là chuyên viên Phòng giáo dục tăng cường lên đây đã 5 năm thông tin cho chúng tôi thêm: Nhà trường có mở bán trú cho 70 học sinh ở các làng xa. Ngoài ra còn tổ chức lớp học bổ túc văn hóa ban đêm cho 27 học viên lớp 7, năm nay lên lớp 8. Ngay tại làng cùi cũng có một phòng học buổi sáng dành cho các cháu mẫu giáo, buổi chiều học sinh tiểu học.

Khi các công ty lên trồng cao su, nhà trường đã cử giáo viên đến tận nơi để mở 6 lớp học dạy cho con em công nhân: công ty Bình Dương 5 lớp, công ty Quang Đức 1 lớp, điểm trường xa nhất cách trung tâm xã 9 km. Giáo viên dạy ở các điểm này tuy đường sá xa xôi, khó khăn hơn nhiều so với giáo viên trường xã nhưng các đơn vị cũng chưa có chính sách gì hỗ trợ thêm…

Tôi đến thăm làng cùi không tên, nơi có 23 hộ dân đang sinh sống. Không thể biết đây là làng cùi nếu như không gặp những con người đi đứng và làm việc khó khăn vì chân tay thiếu ngón. Lớp học mùa hè nên cửa đóng im lìm. Làng có cả nhà sinh hoạt cộng đồng như những thôn làng khác.

Dọc đường làng là những ngôi nhà trệt, nằm khuất dưới tán điều và những cây cà phê xanh tốt mùa mưa, trước nhà có giếng đào. Nhà nào cũng có chảo bắt tín hiệu truyền hình. Gặp một người đàn ông luống tuổi bị cụt mất mấy ngón tay, các ngón còn lại cũng dính vào nhau. Hỏi thăm, ông nói tên ông là Rmah Loãi, năm nay 80 tuổi song tôi đoán ông không đến 70. Nhà ông sát bên đường, một ngôi nhà nhỏ bên trong có đủ giường tủ, ti vi (trắng đen)…

Bà vợ ông đang sàng đống mè (vừng) vừa phơi khô, hai bàn tay bà còn lành lặn nên thao tác thuần thục. Ông phát bệnh đã hơn hai mươi năm, may mà được cán bộ y tế về làng cấp thuốc và hướng dẫn cách vệ sinh phòng lở loét, rụng ngón nên “cầm cự” cho đến nay. “Các nhà khác trong làng, có người bệnh, có người không”-ông Loãi giải thích thêm. Được sống giữa cộng đồng, được chăm sóc y tế, có nhà ở cho gia đình, trường học cho con cái, có đất sản xuất… quả là cuộc đổi đời cực kỳ quan trọng đối với những công dân của ngôi làng đặc biệt này.

Trên đường về lại thị trấn huyện, trời đổ mưa lớn, mặt đường nhựa nhiều đoạn ổ gà lênh láng nước. Nhìn vạt rừng còn sót lại bên đường sau màn mưa, trong tôi trộn lẫn nỗi buồn vui khó tả…

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.
Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai tổng kết, trao giải 2 cuộc thi "Đường về nhà" và tìm hiểu chính sách pháp luật

Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai tổng kết, trao giải 2 cuộc thi "Đường về nhà" và tìm hiểu chính sách pháp luật

(GLO)- Sáng 28-12, Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai tổ chức tổng kết và trao giải 2 cuộc thi sáng tác video, clip truyền thông “Đường về nhà“ và cuộc thi viết “Tìm hiểu chính sách pháp luật trong cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức-lao động (CNVC-LĐ) toàn tỉnh“ năm 2022.
Gia Lai tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19

Gia Lai tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19

(GLO)- Ngày 27-12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại thị xã An Khê. Bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn giám sát.
Tặng quà cho 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đức Cơ

Tặng quà cho 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đức Cơ

(GLO)- Chiều 22-12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức tặng quà cho các em học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại trường Tiểu học Võ Văn Kiệt (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).
Gia Lai quy định về quay vòng vốn hỗ trợ cộng đồng đối với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia

Gia Lai quy định về quay vòng vốn hỗ trợ cộng đồng đối với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có Quyết định số 42/2022/QĐ-UBND về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ để luân chuyển trong cộng đồng thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chưong trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.