Đến thời điểm này, dự án nâng cao chất lượng bò thịt (2007-2010) của tỉnh Gia Lai mới chiếm tỷ lệ hơn 34% so với tổng đàn 336.363 con. Tổng vốn đầu tư của Trung ương, địa phương và nhân dân gần 6,895 tỷ đồng góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong ngành chăn nuôi mà nông dân là người hưởng lợi.
Ông Trần Vi Đồng, thôn 2, xã Đak Pơ (huyện Đak Pơ) cho biết, ông nuôi bò từ năm 1980. Ngày trước chỉ rơm, cỏ nên nuôi bò chỉ là phụ, còn vào nguồn thu nhập chính vẫn từ đồng ruộng. Bây giờ nguồn thu từ nuôi bò trở thành nguồn thu nhập chính, thu nhập của nông dân tăng thêm không dưới 1,5 triệu đồng/con bò. Ông Nguyễn Trường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ cho biết: Chính hiệu quả kinh tế thúc đẩy phong trào nuôi bò lai phát triển, nâng tỷ lệ bò lai toàn huyện đạt gần 80% so với tổng đàn bò 17.000 con hiện có.
|
Ảnh: Quang Nam |
Không chỉ huyện Đak Pơ, dự án nâng cao chất lượng đàn bò thịt đã được triển khai hầu hết các địa phương trong tỉnh. Qua dự án, các địa phương được hỗ trợ khí ni tơ lỏng để lai cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo. Số lượng bò lai đã và đang dần chiếm ưu thế so với tổng đàn, góp phần hình thành vùng trọng điểm nuôi bò lai, bò chất lượng cao ở huyện Đak Pơ, Kbang, Kông Chro, Krông Pa và thị xã An Khê. Một số địa phương khác, dù số lượng bò lai chiếm tỷ lệ thấp so với tổng đàn và chưa định hình được vùng trọng điểm bò lai, song cũng giúp nông dân tăng thu nhập.
Cùng với bò lai, bò chất lượng cao, chương trình nạc hóa đàn heo cũng từng bước khẳng định được giá trị kinh tế trong cơ cấu vật nuôi. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến hết năm 2009, số lượng heo nạc hóa đạt 65% so với tổng đàn. Trong quy trình thực hiện 2 dự án lớn trên từ nguồn vốn hỗ trợ các dự án giống vật nuôi của Trung ương, địa phương đã nghiên cứu lai tạo, nhân giống vật nuôi mới, chất lượng cao chuyển giao cho nông dân. Qua đó, đã xuất hiện thêm nhiều giống chất lượng cao để nông dân lựa chọn như: Giống bò chuyên thịt, giống Brahman thuần, bò lai hướng thịt giữa bò đực các giống Red Angus, Limousime và Drought với bò cái lai Sindhi; heo nái ngoại tổng hợp chất lượng cao (L71, L72), heo nái Móng Cái MC15 dòng có năng suất sinh sản cao và dòng MC3000 tỷ lệ nạc cao…
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2009, tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi đạt 326,940 tỷ đồng, tăng 57,648 tỷ đồng so với năm 2005. Chăn nuôi phát triển do được tập trung nhiều nguồn lực đầu tư nâng cao giá trị các loại vật nuôi truyền thống, nổi bật là 2 dự án lai cải tạo đàn bò, nạc hóa đàn heo gắn với thử nghiệm, chuyển giao giống vật nuôi mới vào nuôi trồng. |
Nhiều mô hình chăn nuôi mới như nuôi ong lấy mật, dê Bách Thảo, heo rừng và nhiều giống gia cầm chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng như gà, nhím… cũng được người chăn nuôi chú ý. Đặc biệt, với tiềm năng diện tích mặt nước có thể đưa vào nuôi trồng thủy sản lên đến 13.000 ha, hiện đã có 6.530 ha đưa vào nuôi trồng; trong đó diện tích mặt nước ao, hồ được sử dụng nuôi trồng là 1.300 ha, còn lại là khai thác tự nhiên.
Thực tế cho thấy cơ cấu giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay rất đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh vật nuôi chủ lực là bò, heo và gia cầm, các loại giống vật nuôi mới dừng lại ở cấp độ tự phát mang tính thử nghiệm. Ông Kpă Thuyên- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Chiến lược đầu tư phát triển ngành chăn nuôi là một trong những giải pháp trọng tâm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2010-2015.