(GLO)- Sau 3 năm thực hiện đề án, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được những kết quả bước đầu, là đòn bẩy giúp lao động nông thôn tự tạo việc làm, tìm việc làm mới, tăng thu nhập trên chính mảnh đất của mình và nâng cao giá trị ngày công lao động…
Những con số biết nói
Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020”, tỉnh Gia Lai đã tập trung thực hiện đề án với mục tiêu khẩn trương, đồng bộ và quyết liệt. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đề án từ tỉnh đến cơ sở; giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cùng phối hợp Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai.
Nhiều người dân ở Đak Đoa học nghề xây dựng đã tìm được việc làm, cho thu nhập ổn định. Ảnh: Đ.Y |
Qua 3 năm, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho 13.196 lao động nông thôn, trong đó lao động dân tộc thiểu số và người nghèo là 11.453 người. Sau đào tạo nghề có 8.954/13.196 người có việc làm, tự tạo được việc làm ổn định, nâng cao năng suất lao động, giá trị ngày công cho thu nhập ổn định. Tổng kinh phí hỗ trợ cho lao động nông thôn theo chính sách là 15,940 tỷ đồng, với 24 chương trình dạy nghề.
Trong nhóm nghề nông nghiệp, có một số nghề phát huy được hiệu quả như: trồng, chăm sóc, thu hoạch, cạo mủ cao su; cà phê; tiêu… Sau khi lao động học nghề xong đã tìm được việc làm đạt 74%, thu nhập tiền công tăng lên từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày. Nhóm nghề phi nông nghiệp, có các nghề: xây dựng và sửa chữa máy nông nghiệp… nông dân cũng tự tạo được việc làm đạt 70%, mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng (tăng hơn 1 triệu đồng khi chưa học nghề). Sở Nội vụ cũng đã đào tạo và bồi dưỡng cho 1.237 cán bộ, công chức cấp xã, với tổng kinh phí là 2,760 tỷ đồng.
Để đạt được con số này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã ký 17 hợp đồng đào tạo nghề với 10 cơ sở tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, gồm Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, các Trường Trung cấp Nghề, các Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh và các cơ sở khác có dạy nghề.
Bên cạnh đó, Quyết định 1956 còn hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, trang- thiết bị dạy nghề cho tỉnh với tổng số tiền là 48,150 tỷ đồng để xây mới 5 cơ sở dạy nghề, nâng tổng số cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh lên 16 cơ sở. Với những kết quả đó đã góp phần không nhỏ nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 20% năm 2010 lên 24% năm 2012.
Hiệu quả sau đào tạo
Đi cùng đoàn Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về kiểm tra tình hình công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã Ia Pết và Hneng (huyện Đak Đoa) mới đây, chúng tôi nhận thấy hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn là rất lớn. Đặc biệt là nghề xây dựng, nhiều nông dân sau khi được học nghề đã tìm được việc làm ổn định, cho thu nhập cao.
Trao đổi với các học viên sau khi tham gia lớp học nghề xây dựng do Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai mở tại xã, họ cho biết, trước đây khi chưa học nghề rất khó tìm được việc làm. Nhưng từ năm 2010 đến nay, sau khi tham gia học nghề, họ đã thành lập được tổ xây dựng dân dụng nhận được nhiều công trình của người dân trong xã để làm. Anh Huinh, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa cho hay: “Trước khi chưa được học nghề mình cũng đã thành lập được tổ xây dựng đi xây nhà cho dân nhưng nhận được rất ít công trình. Bây giờ được học nghề, có thầy giáo hướng dẫn về kỹ thuật xây dựng, nên tổ xây dựng của mình làm không hết việc”.
Ông Đinh Công Quyết- giáo viên dạy nghề xây dựng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, cho biết thêm: Liên tục trong 3 năm (2010-2012), tại các xã trên địa bàn huyện Đak Đoa, nhà trường đều mở lớp xây dựng, vì nhu cầu xây dựng của người dân trên địa bàn lớn. Kết thúc mỗi lớp học có từ 50%-60% học viên thành lập được tổ xây dựng và nhận được các công trình của người dân trong xã và những xã lân cận để làm.
Qua tìm hiểu của phóng viên, tất cả các chương trình dạy nghề cho nông dân trong thời gian qua đều là những nghề họ đã biết ít nhiều, khi có thầy truyền đạt những kỹ năng, kỹ thuật canh tác thì họ tiếp thu nhanh và áp dụng tốt khiến năng suất cây trồng cao hơn. Chị Đinh Thị Lớt, dân tộc Bahnar, ở làng Pốt, xã Song An, thị xã An Khê kể: Khi chưa được học kỹ thuật làm lúa nước, mỗi khi ngâm lúa giống dân trong làng bỏ cả bao lúa xuống suối ngâm, hạt lúa nảy mầm vớt lên đem đi sạ. Sạ nhiều mà lúa chẳng mọc bao nhiêu vì đa phần là hạt lép nên không ra cây lúa non được.
Còn khi có thầy truyền lại kỹ thuật ngâm lúa, với quy trình cho lượng lúa cần dùng vào thùng, nước ngâm là 3 sôi 2 lạnh, thấy hạt lúa lép nổi lên thì vớt ra. Sau 2-3 ngày thay nước chua, sau đó đem ủ, khi lúa ra mầm mới đem sạ. Nhờ kỹ thuật ngâm lúa do các thầy của Trường Trung cấp Nghề An Khê chỉ dẫn, người dân làng Pốt mới vỡ lẽ ra là muốn làm nông nghiệp giỏi cũng cần phải học kỹ thuật chứ không chỉ làm theo cách truyền thống.
Trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Trọng Quý- Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh: “Dạy nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương hoàn toàn đúng, giúp cho người dân có những kỹ năng nghề mà người lao động đã có nghề trong tay để họ nâng cao kiến thức tạo ra sản phẩm nhiều hơn trên chính diện tích đất canh tác của họ.
Học nghề lao động nông thôn là giúp người nông dân tự tạo ra việc làm ngay chính mảnh vườn, ao cá, trang trại hay sửa chữa được các loại máy nông nghiệp để phục vụ cho chính gia đình mình mà không phải mất nhiều chi phí. Riêng ở thành phố, lao động sẽ được học những nghề đáp ứng được nhu cầu làm công ăn lương tại các doanh nghiệp, hay trong khu công nghiệp và cũng tùy vào đặc điểm của từng vùng, địa phương mà dạy nghề cho họ”.
Đinh Yến