Brunei, nước đang đảm nhận cương vị nước Chủ tịch ASEAN năm 2021, hôm 5-4 ủng hộ ý tưởng tổ chức một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo trong khu vực để bàn về cuộc khủng hoảng Myanmar.
Theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại thủ đô Bandar Seri Begawan, 2 nước này đã yêu cầu các bộ trưởng và giới chức cấp cao của họ chuẩn bị để cuộc họp nêu trên diễn ra tại thủ đô Jakarta - Indonesia nhưng không cho biết thời điểm cụ thể. Bày tỏ lo ngại về thương vong gia tăng ở Myanmar, 2 nhà lãnh đạo còn hối thúc các bên tránh làm leo thang căng thẳng, đồng thời thể hiện sự kiềm chế và linh hoạt tối đa. Các nhà hoạt động cho biết ít nhất 557 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính hôm 1-2 tại Myanmar.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo ASEAN về sự can thiệp của những thế lực bên ngoài vào tình hình Myanmar. Theo ông Vương, những thế lực này muốn làm phức tạp thêm tình hình Myanmar bằng việc gây rối và khoét sâu chia rẽ. Ông Vương đưa ra cảnh báo trên sau cuộc gặp riêng với những người đồng cấp đến từ Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore. Theo Reuters, cả 4 nước ASEAN này đều bày tỏ quan ngại về số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar, cũng như ủng hộ một cuộc họp cấp cao khẩn cấp về cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin (trái) và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại cuộc gặp hôm 5-4 Ảnh: BERNAMA |
Theo báo Bangkok Post, cuộc gặp được đề xuất nói trên có thể diễn ra vào cuối tháng này. Brunei muốn bảo đảm rằng mọi lãnh đạo ASEAN, kể cả lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing, tham dự cuộc họp nêu trên. Khi gặp gỡ, các nhà lãnh đạo có thể thành lập cái gọi là "Những người bạn của nước chủ tịch" để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán trong tương lai với chính quyền quân sự Myanmar.
Trong khuôn khổ của cơ chế này, nước chủ tịch được phép chọn ít nhất 2 thành viên, dù là từ các nước nội khối hay các đối tác đối thoại, để hỗ trợ nỗ lực hòa giải. Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khủng hoảng Myanmar, Thái Lan gần như chắc chắn sẽ được chọn lựa.
Trong khi đó, một cuộc họp song song không chính thức cũng đang được cân nhắc để tạo điều kiện cho mọi bên liên quan đến cuộc khủng hoảng đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngoài ra, không thể thiếu sự ủng hộ của Mỹ và Trung Quốc đối với nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar. Tại cuộc đối thoại cấp cao Mỹ - Trung gần đây ở bang Alaska, hai bên nhất trí rằng sự ổn định ở Myanmar đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực.
Chuyên gia Kavi Chongkittavorn của Trường ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) cho rằng những nỗ lực trên thể hiện mong muốn của các nước trong khu vực, đặc biệt là ASEAN, về việc hòa giải xung đột nội bộ mà không dẫn đến sự can thiệp từ bên ngoài, như trường hợp của Syria hoặc Libya.
Theo CAO LỰC (NLĐO)