An trú với đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lâu lắm rồi tôi mới được thảnh thơi ngồi ngắm trăng trong đêm mùa hạ yên ả trôi. Từ khi cơ quan khuyến khích nhân viên văn phòng làm việc ở nhà, tôi có thời gian tĩnh lặng, chăm sóc và lắng nghe hơi thở chính mình. Tôi nhìn vào đêm trong veo, mịn mát và ươn ướt sương bay.
Mùa này, đêm thường xuất hiện kèm những cơn mưa quáng quàng, vội vã. Người qua phố thưa thớt đủ để kịp giữ riêng mình một chút mưa lạnh vào lòng. Đường phố vắng đến độ nghe được cả thanh âm chiếc lá non đang cựa mình. Thành phố trở nên rộng hơn và cũng lặng lẽ hơn, đủ hoài niệm để tôi nhớ buổi quảng trường xôn xao đêm văn nghệ; nhớ khu chợ đêm rộn ràng người chen vai hàng quà quán. Đẫm ướt dưới mưa là bao phận người tất tả mưu sinh bởi cuộc sống vẫn tiếp diễn và lặp lại mỗi khi đêm về. Tôi thương những bàn chân không biết nhàn du, chưa bao giờ hết thôi tất tả. Mới thấy, giá trị thật sự của cuộc đời là sự bình yên trong tâm hồn và chỉ có một tâm hồn bình yên mới mang lại cuộc sống hạnh phúc trong tim mình.
Giữa lòng thành phố yên bình này, tôi nghĩ về đêm hoài niệm, về nỗi buồn đan xen với niềm vui dịu ngọt, về những mong đợi hạnh phúc hay ước mơ mai này. Tôi không say đắm vẻ đặc quánh của đêm nhưng không có đêm sẽ không có một ngày mai tới. Vẫn luôn nuôi giữ niềm ước ao mai này sẽ ấm áp và tan hết mọi phiền ưu. Để rồi sẽ dành trọn cảm thông cho những chơm chớm buồn bã tận sâu trong thâm tâm mà không đòi hỏi nhận lại ngày nào kia sự đền đáp. Buổi đó, đêm có ràn rạt mưa bay, phố dẫu lặng im hay thầm thĩ, người có muộn phiền hay ngóng trông thì giấc ngủ cũng êm trôi, tựa như một vì sao chiếu sáng đem tin vui vừa bay ngang qua phố.      
Trong chuyển động ngược xuôi của ngày lại ẩn hiện đâu đó những đêm tâm tư, lắng lo về thời cuộc. Lo đó nhưng vẻ như không quá hoang mang như lần trước. Bán buôn ít người hơn, giãn cách hơn và người ta trao đổi cũng nhanh chóng hơn. Ai đó ở yên trong nhà, rời xa thú vui tụ họp bạn bè bên quán cà phê buổi sáng hay lai rai cùng phố ban chiều. Giữa đêm trăng tháng 8, lúc chờ anh chủ quán bán mang về, trông thấy chùm sử quân tử sà xuống ngay quán phở ngát thơm, người khách cầm lòng không đặng rút ngay điện thoại chụp bức ảnh chỉ để mang niềm thương riêng mình. Bất chợt, người khách nhìn quầng sáng phía xa thành phố, trong tiếng gió rì rào lướt qua ngọn cây và tiếng bầy sẻ nâu đập cánh trong cơn mơ như kéo cuộc sống trở lại chậm hơn, tĩnh lặng để thấy đêm sao bình yên, lòng mình cũng yên bình quá đỗi.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Ai đó từng tâm sự rằng, khi đối diện với đêm, con người rất dễ cô đơn. Tôi thì nghĩ khác. Với tôi, đêm càng khuya khoắt, lòng người càng phóng khoáng, rộng mở và thấu suốt hơn. Chúng ta yêu đời, yêu người, thiết tha tìm nguồn vui và hạnh phúc. Lúc bấy giờ, niềm cô đơn chẳng còn ngự trị nữa. Cớ sao mình không bóc tách những mảnh cô đơn ra khỏi cõi lòng trước khi mong đợi người khác đem yêu thương đến. Nghĩa là, muốn xa rời cô đơn hãy tạo điều kiện cho một trái tim đơn côi khác được gần cùng trong niềm vui bé mọn. Để rồi, lại thèm được quay về buổi đêm của phố, khắp nẻo sương giăng mắc sẽ ôm ấp, chở che mình trước bão giông cuộc đời.
Phố vẫn đang an trú bình lặng trong những ngày thưa vắng, vẫn đang trôi qua tích tắc phút giây bằng cả sự lặng lẽ lẫn tử tế; bằng cả yêu thương, đùm bọc những đứa con xa quê luôn mơ về những ngày hạ nắng tràn luênh loáng. Nơi ấy, bên bậc thềm xưa luôn có những trái tim ấm áp chờ đợi một trái tim mệt mỏi quay về. Trong mỗi gia đình, những chậu hoa nơi ban công được chăm chút hơn. Cả cây bằng lăng tím nhạt nơi mái phố, người ta bắt đầu nhận ra sắc tươi tắn, bền bỉ sức sống, dẫu đang mùa lất phất mưa bay. Bữa ăn đủ đầy thành viên trong gia đình, những đầm ấm quây quần cũng là một cách tích cực để người ta vượt qua sóng gió này.
Những nốt đêm cứ thế điềm nhiên bước qua, dưới phố vọng lại nhịp chổi xào xạc gom những bông hoa rụng ướt vì mưa về một góc, để chúng tụm lại, tận cùng, vẹn trọn với nhau lần nữa. Phố tự tình cùng đêm để lắng nghe đâu đây có người biết đủ để sống an lành. Quyển sách để lâu trên kệ nay được nâng niu đem ra cùng bầu bạn, như là một sự bù đắp tâm hồn. Rồi sớm mai thức dậy, tay người đẩy nhẹ khung cửa sổ, một cánh hồng thơm theo gió bay lên…
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy tròn một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Thanh Niên luôn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng; luôn khát khao, ước vọng đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường phát triển.

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Thông tin liên lạc xưa và nay - Bộ tem như tái hiện quá trình phát triển của ngành viễn thông và báo chí, đưa chúng ta quay trở về những ký ức từ thưở sơ khai với con tem đầu tiên dán trên bức thư tay gói giấy cho đến các hình thức liên lạc, các loại hình báo chí hiện đại như ngày nay.

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu” và trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIV diễn ra vào chiều 17-6 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

100 năm đồng hành cùng dân tộc

100 năm đồng hành cùng dân tộc

(GLO)- Chúng ta tự hào đã có một nền Báo chí cách mạng với thế hệ những nhà báo-chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, với hơn 500 nhà báo là liệt sĩ, nhiều nhà báo mang thương tật suốt đời nhưng vẫn không ngừng lao động, cống hiến cho đất nước, Nhân dân.

Báo chí trong thời đại AI

Báo chí trong thời đại AI

(GLO)- Sẽ không quá khi nói rằng, chúng ta đang ngày ngày hít thở trong bầu không khí “số”. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đưa các ngành nghề vào cuộc chạy đua để không bị tụt hậu. Báo chí càng không ngoại lệ.

 Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

(GLO)- Phát thanh viên là người góp phần làm nên chiều sâu cảm xúc cho khán thính giả. Có những giọng đọc qua năm tháng đã trở thành ký ức trong lòng người nghe. Trong số đó, biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Bahnar Siu Thu của Báo Gia Lai được ví là “giọng đọc không tuổi”.

null