(GLO)- Trong những ngày Tết, các bậc phụ huynh chẳng ngần ngại móc hầu bao mua cho con trẻ những món đồ chơi chúng thích mà không thèm quan tâm đến chuyện đắt-rẻ, hay nguồn gốc của những món đồ chơi ấy.
Đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được bày bán tràn lan. Ảnh: Anh Huy |
Ngày Tết là thời điểm “ăn nên làm ra” của các sạp hàng bán đồ chơi lưu động. Tại cổng các điểm vui chơi, như: Công viên Diên Hồng, Công viên Đồng Xanh, Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai hay Siêu thị Tam Ba… đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được bày bán tràn lan. Chỉ cần một tấm bạt, người bán có thể bày bán đủ các loại đồ chơi như: máy bay, súng nước, súng bắn tia lazer, ô tô, tàu hỏa, búp bê, siêu nhân, điện thoại, Ipad,… Nhiều món đồ chơi nhìn lướt qua sẽ khiến mọi người giật mình bởi nó được nhái y như thật, chỉ khi cầm lên xem thử mới biết đó là đồ nhựa gắn mác “Made in China”.
Một người bán hàng dạo ở cổng Công viên Diên Hồng, cho hay: Ít người mua hàng quan tâm đến nguồn gốc lắm! Họ chỉ để ý đến mẫu mã, giá cả và quan trọng nhất là con họ thích! Có lẽ, nắm bắt được tâm lý đó nên các loại đồ chơi “Made in China” vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường trong dịp Tết. Hơn nữa, giá cả của các loại đồ chơi này cũng phù hợp với túi tiền của số đông khách hàng, dao động từ vài chục ngàn đồng cho đến vài trăm ngàn đồng. Vừa dừng xe tại Siêu thị Tam Ba để mua bánh mì, con trai anh Trương Văn T. (huyện Chư Prông) đã sà ngay vào sạp đồ chơi được bày bán ngay phía trước Siêu thị và đòi mua khẩu súng được nhái theo mô hình súng trung liên RPD nhìn rất bắt mắt. Sau một hồi giải thích, con trai anh T. (khoảng 4 tuổi) vẫn khóc lóc, không chịu bỏ cuộc. Cuối cùng, anh T. đành phải móc hầu bao trả 150 ngàn đồng cho khẩu súng, còn cậu con trai thì ôm hộp đồ chơi cười tít. Anh T. nói như giải thích: “Con nít mà! Chúng đã thích thì phải đòi bằng được. Ở nhà có đến vài giỏ đồ chơi, đủ cả, thậm chí có những món đồ đắt tiền, mình thấy bổ ích mua về cho con khám phá nhưng chúng không thích, không chơi đâm ra lại phí…”.
Còn chị Hồ Thị C. (TP. Pleiku), cho biết, Tết này, nhà chị tiêu tốn gần cả triệu đồng vào việc mua đồ chơi cho ba đứa con. Cậu con trai lớn đang học lớp 7 thì thích súng, cô con gái thì suốt ngày búp bê, còn cậu út thì chỉ thích xe tăng, ô tô. Ba anh em cứ có tiền lì xì lại chạy đi mua đồ chơi. Nhìn vào những món đồ chơi mà các con chị mua trong dịp Tết này, tôi không khỏi giật mình vì trong số đó có tới 4 khẩu súng nhìn y như thật. Tôi thử cầm khẩu súng nhái theo kiểu súng K54 lên bóp cò. Một tiếng nổ vang lên kèm theo đó là viên đạn bi bắn ra xa. Hóa ra, dù là súng đồ chơi nhưng khả năng gây thương tích của chúng thì không phải chuyện chơi, nhất là trong vòng bán kính hơn 10 mét.
Sau một hồi lân la dò hỏi, được biết, tất cả số đồ chơi này đều được mua tại các điểm vui chơi tập trung với giá từ 50 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng. Chị Hồ Thị C. chia sẻ: “Thấy các con thích nên mình cũng chiều, nhưng về chơi thấy nguy hiểm quá nên mình phải đem giấu hết đạn. Chắc sau Tết cũng giấu luôn súng hoặc đem bỏ, chứ để các con chơi mà mình không kiểm soát, lỡ có chuyện gì lại hối hận!”.
Thiết nghĩ, mua đồ chơi cho con trẻ là điều cần thiết vì trẻ nhỏ cần được vui chơi, khám phá những điều bổ ích từ những món đồ chơi ấy. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng nên chọn lựa và kiểm chứng nguồn gốc các loại đồ chơi, đặc biệt là những đồ chơi có tính bạo lực như: súng, kiếm… trước khi bỏ tiền ra mua để đảm bảo an toàn, tránh độc hại cho chính con em mình.
Anh Huy