Ẩn họa từ các ngầm, đập tràn trong mùa mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vào mùa mưa lũ, tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét bất ngờ, nhất là ở những ngầm tràn, đập tràn. Do đó, việc cảnh báo mối nguy hiểm cho người dân khi đi qua những điểm này luôn được các cấp chính quyền quan tâm.

Dù sự việc đã trôi qua gần 2 năm, nhưng nhiều người dân xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) vẫn chưa quên vụ tai nạn đau lòng khiến 3 cha con tử vong vì bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua đập tràn của con suối cạn giữa làng Toak và làng Tar. Theo đó, đêm 24-9-2021, anh L.Đ.Q. (làng Toak, xã Kon Chiêng) chở 2 con nhỏ đến thăm ông bà ngoại. Đến 21 giờ cùng ngày, anh Q. chở 2 con đi về nhà nhưng do đêm tối, trời mưa lớn nên khi qua đập tràn thì không may bị nước lũ cuốn trôi khiến cả 3 cha con tử vong.

Lực lượng chức năng xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) túc trực tại điểm ngập lụt qua đập tràn trên tuyến đường dân sinh. Ảnh: H.V

Lực lượng chức năng xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) túc trực tại điểm ngập lụt qua đập tràn trên tuyến đường dân sinh. Ảnh: H.V

Sau sự cố trên, mỗi khi mùa mưa lũ đến, chính quyền xã Kon Chiêng đều cắt cử lực lượng phối hợp cùng người dân túc trực 24/24 giờ, nhắc nhở bà con không lưu thông trên các đập tràn, ngầm tràn qua suối. Ông Võ Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng-thông tin: Trên địa bàn xã có 7 đập tràn, ngầm tràn qua suối cạn. Thời gian qua, mỗi khi trên địa bàn có mưa lớn, xã đều cử cán bộ đến tận thôn, làng tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đi qua đập tràn, qua sông suối. Đồng thời, cử lực lượng giăng dây, cắm biển cảnh báo và túc trực không để người dân vượt suối khi có mưa lớn xảy ra.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 100 đập tràn, ngầm tràn qua các suối cạn. Với địa hình đồi núi, một số địa phương tập trung nhiều hệ thống sông, suối chảy qua. Vào mùa mưa lũ, những khu vực thấp trũng, đập tràn hay các cây cầu tạm bắc qua suối dễ xảy ra hiện tượng nước dâng cao, che mất lối đi. Do đó, việc người dân cùng các phương tiện đi qua những nơi này tiềm ẩn nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt, vào ban đêm hoặc những ngày có mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về tạo ra những dòng chảy mạnh một cách bất ngờ.

Xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm. Ảnh: Hạ Vy

Xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm. Ảnh: Hạ Vy

Để đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ năm 2023, Sở Giao thông-Vận tải đã có Công văn số 1310/SGTVT-QLKCHTGT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các sự cố hư hỏng công trình giao thông trên các tuyến đường, sửa chữa kịp thời trong mùa mưa lũ. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra các vị trí nguy hiểm, xung yếu có khả năng ngập lụt, sạt lở gây ách tắc giao thông như: tuyến đường đèo dốc, vị trí cầu độc đạo, ngầm tràn, cầu tràn, cầu treo dân sinh… Đồng thời, bố trí lực lượng kịp thời điều tiết phương tiện khi có sự cố xảy ra.

Theo ông Võ Ngọc Quảng-Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh: Tại các khu vực gần sông suối, địa phương, đơn vị quản lý cần lắp đặt hệ thống biển báo, cọc tiêu xác định mực nước dâng, bố trí hệ thống đèn báo hiệu vào ban đêm tại các đập tràn, ngầm tràn là đường đi phục vụ dân sinh và phải lắp đặt hệ thống rào chắn kiên cố khi có mưa lũ đến. Các địa phương có các đập tràn, ngầm tràn cần huy động lực lượng tổ chức giám sát theo dõi, túc trực thường xuyên, xử lý các sự cố trong phạm vi, khả năng. Đặc biệt, người dân cần tránh tâm lý chủ quan, không cố tình vượt sông suối khi đã có sự cảnh báo nguy hiểm từ các cơ quan chức năng.

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Dự báo thời tiết cho biết những ngày đầu tháng 11 có liên tiếp các đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn về. Hôm nay theo dự báo, Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung sẽ rét trở lại. Thế nhưng thực tế, những người thích không khí lạnh đặc trưng của miền Bắc chưa cảm nhận được điều này.