(GLO)- Krông Pa là vùng đất nằm ở phía Đông nam tỉnh, là cửa ngõ nối liền các tỉnh Nam Trung bộ. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, với tên gọi là huyện H2, đây là một trong những “cái nôi” của cách mạng và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, huyện H2 được chuyển giao về tỉnh Gia Lai-Kon Tum và thuộc huyện Ayun Pa. Ngày 23-4-1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 178-CP về việc thành lập huyện Krông Pa trên cơ sở chia tách từ phần đất phía Đông của huyện Ayun Pa.
Một góc thị trấn Phú Túc. Ảnh: Nguyễn Giác |
Khi mới thành lập, huyện Krông Pa chỉ có 6 xã, dân số khoảng 21.500 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90%. Vừa bước ra khỏi 2 cuộc chiến tranh khốc liệt nên huyện mới Krông Pa phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Kết cấu hạ tầng hầu như không có gì, ngoài những tàn tích do chiến tranh để lại. Nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, phân tán, du canh du cư, tự cung tự cấp. Đời sống của đồng bào các dân tộc trong huyện vô cùng khó khăn; nguy cơ đói, đau, bệnh tật luôn rình rập; có đến 90% dân số mù chữ. Tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội vô cùng phức tạp, bọn phản động FULRO tăng cường các hoạt động chống phá. Trong khi đó, do mới được thành lập nên hệ thống chính trị chưa được củng cố vững chắc, đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu…
Bắt tay vào xây dựng huyện mới trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức cả về khách quan lẫn chủ quan, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện phải đoàn kết, nỗ lực, năng động, sáng tạo, triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội. Theo đó, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng bộ, chính quyền Krông Pa lãnh đạo nhân dân trong huyện vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Sau 35 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, chính quyền huyện, cán bộ, quân và dân Krông Pa đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn thách thức, ra sức thi đua lao động sản xuất, công tác và chiến đấu, đã giành được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.
Một lớp học ở xã Krông Năng, huyện Krông Pa. Ảnh: Nguyễn Giác |
Liên tục trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Krông Pa luôn ở mức cao, riêng năm 2013 đạt tốc độ tăng trưởng 15,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 10 lần so với thời kỳ đầu thành lập. Thành tựu nổi bật nhất trong phát triển kinh tế là huyện đã thực hiện thành công việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất gắn với áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hướng mạnh sang nền sản xuất hàng hóa. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, thâm canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng đạt 40.000 ha, sản lượng lương thực gần 37.000 tấn, gấp 6 lần so với năm 1979. Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi chiếm hơn 30% trong cơ cấu nông nghiệp, với đàn bò hơn 58.500 con (tỷ lệ bò lai chiếm 15%). Những năm qua, lĩnh vực tài chính tín dụng, thương mại và dịch vụ cũng đã góp phần quan trọng vào nền kinh tế của huyện. Tổng thu ngân sách trên địa bàn hàng năm tăng bình quân trên 20%, riêng năm 2013 thu ngân sách nhà nước gần 354,4 tỷ đồng (đạt 135 % kế hoạch), trong đó thu tại địa bàn là 44,2 tỷ đồng (đạt 150,9% kế hoạch). Ngân sách huyện từ chỗ 100% dựa vào trợ cấp từ cấp trên, nay đã tự cân đối trên 20% tổng chi ngân sách địa phương. Hàng năm, dư nợ cho vay trên 299 tỷ đồng, với hơn 8.000 hộ vay vốn, trong đó có 63% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Toàn huyện hiện có 800 cơ sở thương mại dịch vụ, giá trị sản xuất đạt 730 tỷ đồng, tăng 70 lần so với trước đây.
Để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, cùng với nguồn vốn đầu tư từ cấp trên, huyện dành nguồn vốn đáng kể cho đầu tư phát triển. Hàng năm, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 400-500 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi, trụ sở làm việc… Trên địa bàn huyện, nhiều công trình có quy mô lớn được xây dựng như: cầu Lệ Bắc, công trình thủy lợi Ia Mlah, quốc lộ 25, đường Đông Trường Sơn… Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được quan tâm, tính đến cuối năm 2013, huyện có 1 xã đạt 11 tiêu chí nông thôn mới, 3 xã đạt 8 tiêu chí, 3 xã đạt 7 tiêu chí, 6 xã đạt 6 tiêu chí.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm đúng mức. Đến nay, toàn huyện có 53 đơn vị trường học (trong đó có 3 trường đạt chuẩn quốc gia), 22.000 học sinh, tăng gấp 11 lần so với ngày đầu thành lập. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 99,4%. Toàn huyện có 204 cán bộ, y-bác sĩ, trong đó có 31 bác sĩ. Ngoài Bệnh viện huyện với 6 khoa phòng điều trị, tuyến xã có 3 trạm y tế trung tâm và 11 trạm y tế xã với 160 giường bệnh; 13/14 xã có bác sĩ. Hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao, truyền thanh-truyền hình phát triển có chiều sâu. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đi vào chiều sâu, tính đến cuối năm 2013 có 8.000 hộ gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa. Những năm qua, huyện đã giải quyết chế độ ưu đãi cho hơn 1.400 đối tượng người có công, sửa chữa 454 ngôi nhà, làm mới 26 căn nhà tình nghĩa, trợ cấp hàng tháng cho 484 thương binh, gia đình liệt sĩ. Chương trình giảm nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 được kéo giảm xuống còn 41,36%. Công tác quốc phòng-an ninh được tăng cường. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành trong tình hình mới.
Có thể nói, trong suốt 35 năm xây dựng và phát triển, huyện Krông Pa đã có những bước tiến vững chắc và đạt được những thành tích đáng tự hào. Phát huy truyền thống anh hùng, trong những năm tới, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện đoàn kết, nhất trí, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
Một là: Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững. Tập trung các nguồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015 có 2 xã đạt 19 chuẩn nông thôn mới.
Hai là: Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thồng của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư cơ sở vất chất văn hóa, thể dục thể thao. Cùng với đó là giải quyết tốt các vấn đề bức xúc xã hội.
Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.
Bốn là: Tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân; sẵn sàng đập tan âm mưu “diễn biến hòa bình” và bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội
Năm là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, thường xuyên xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh và hiệu lực, hiệu quả.
Trần Văn Mạnh
(Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện)