30 ngày trong bệnh viện dã chiến: Nhiễm bệnh, hồi phục và... chiến đấu tiếp !

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhân viên y tế và tình nguyện viên phục vụ trong những bệnh viện điều trị Covid-19 thường chấp nhận rủi ro có thể bị nhiễm bệnh. Và khi điều đó xảy ra, họ bình tĩnh đón nhận, mong mình mau khỏe để tiếp tục trở lại với công việc.

 
Ban Giám đốc BV dã chiến số 12 tặng quà, động viên các tu sĩ là tình nguyện viên từng bị nhiễm bệnh. Ảnh: Như Lịch
Ban Giám đốc BV dã chiến số 12 tặng quà, động viên các tu sĩ là tình nguyện viên từng bị nhiễm bệnh. Ảnh: Như Lịch
Điều dưỡng T. nằm trong số những nhân viên y tế đầu tiên của Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM bị nhiễm Covid-19 khi đang là thành viên đội cấp cứu tại BV dã chiến số 12, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Khi tôi gọi điện thoại hỏi thăm, chị T. cho biết: “Lúc xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính với Covid-19, em thấy bình thường. Vì trước khi đi, em đã chuẩn bị tinh thần mình có thể bị nhiễm bệnh. Song thấy mọi người gọi điện, nhắn tin quan tâm quá chừng, tự nhiên em “mít ướt”, khóc luôn…”.
“Đừng nói cho ba mẹ em biết”
Trong những ngày đầu phát hiện nhiễm Covid-19, điều dưỡng T. bị sốt nhẹ, mất khứu giác, vị giác. Tuy vậy, cô gái này vẫn rất tự tin: “Tinh thần em thoải mái lắm. Em chỉ sợ mọi người hỏi han rồi đăng lên mạng khiến ba mẹ em ở nhà lo, chứ bản thân em không sợ. Em có dặn mọi người đừng nói cho ba mẹ em biết”.
Hôm nay bạn như thế nào ?
Những ai đã và đang ở BV dã chiến số 12 và những BV dã chiến lân cận trong khu tái định cư 38,4 ha, P.An Khánh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) ắt hẳn không quên bài hát và những nội dung tuyên truyền phòng, chống Covid-19 cho bệnh nhân, do nhân viên xe lưu động của Bộ Tư lệnh TP.HCM phát mỗi ngày hai lần sáng - chiều. Trong đó, có những câu mở đầu: “Hôm nay bạn như thế nào? Bạn có còn ho nhiều không? Cảm giác có khó thở không? Đừng lo lắng, vì chúng tôi luôn bên cạnh!”. Bài hát quen thuộc đến nỗi không ít nhân viên y tế và tình nguyện viên chúng tôi mỗi khi gặp nhau, cũng mở đầu bằng câu “Hôm nay bạn như thế nào?”, thay cho một lời chào vui vẻ.
Trước đó, chị T. tiếp xúc gần và lâu, động viên bệnh nhân trong xe cấp cứu, khi chị tham gia chuyển người bệnh lên tuyến trên. Theo chị T., nhiều bệnh nhân sang đến ngày thứ ba hoặc thứ năm thường trở nặng, xuống cấp cứu đông hơn, nên khả năng chị bị phơi nhiễm cao trong những ngày đó.
Bác sĩ (BS) Trần Ngọc Hoàng Dung, Đội trưởng Đội cấp cứu BV dã chiến số 12, cho biết điều dưỡng T. là một trong những thành viên chủ lực của đội này. Thời gian đầu BV này đi vào hoạt động, nhóm bộ ba gồm BS Dung, T. và điều dưỡng Yến Ngọc đã tìm tòi, coi tài liệu để vận hành các thiết bị, trong đó có máy thở cho bệnh nhân.
Vì vậy, dù phải cách ly điều trị, chị T. vẫn theo dõi thường xuyên hoạt động của đội cấp cứu và hỗ trợ đồng đội qua điện thoại để mọi người biết sử dụng máy thở. T. bày tỏ: “Em hơi buồn vì đang làm chuyện này chuyện kia, tự dưng phải bó chân ngồi một chỗ”.
Sau gần hai tuần, chị T. đã khỏi bệnh và trở lại đội cấp cứu từ ngày 10.8 đến nay, với quan niệm “khi nào hết dịch mới về nhà”.
Điều dưỡng Yến Ngọc, thành viên tổ kỹ thuật và hỗ trợ các ca nặng của đội cấp cứu, nhận xét: “Trong trường hợp khẩn cấp, chị T. sẽ đặt nội khí quản cho bệnh nhân. Thao tác này khá phức tạp, không phải ai cũng đặt được. Trong khi đó, chị T. rành và vững về đặt nội khí quản hơn”.
 
Điều dưỡng T. (bìa phải) tham gia cấp cứu bệnh nhân Covid-19. Ảnh: T.P
Điều dưỡng T. (bìa phải) tham gia cấp cứu bệnh nhân Covid-19. Ảnh: T.P
Những ngày… nghỉ dưỡng
Trong quá trình hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19, một số tình nguyện viên cũng bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Đầu tháng 8, có 4 tu sĩ Công giáo là tình nguyện viên tại BV dã chiến số 12 đã bị mắc Covid-19. Trong đó, có 3 thầy ở đội sàng lọc là: Đỗ Châu Cẩn (37 tuổi); Nguyễn Ngọc Hoàng (32 tuổi); Cao Văn Hoàng (35 tuổi), và sơ Nguyễn Thị Hương Thảo (39 tuổi) thuộc đội lâm sàng.
Tu sĩ Đỗ Châu Cẩn (37 tuổi) dí dỏm: “Khi bước vào vai trò của những người đi tuyến đầu, trực tiếp tiếp cận các F0, điều đầu tiên mình xác định là mình trở thành F0 dự bị. Nên khi nhận tin báo đã bị nhiễm, mình thấy không có gì quá lo lắng”.
Theo thầy Cẩn, trong nhà dòng thầy ở, có công việc chăm sóc những người cao tuổi. Do đó, thầy không lạ lẫm với những thiết bị như đo SpO2 (nồng độ ô xy bão hòa trong máu), đo huyết áp. Nhưng ở đây, khi đo cho bệnh nhân Covid-19, các thầy phải giữ quy định về khoảng cách, không để mặt đối mặt, hạn chế nói chuyện và có những thao tác để tránh lây nhiễm bệnh.
“Trên thực tế, đôi lúc mình thấy bệnh nhân tội nghiệp quá, chẳng hạn họ mới mất người thân ngày hôm trước, hôm sau họ phải đi cách ly nên họ rất khủng hoảng. Những trường hợp như vậy, tình cảm tự nhiên của con người khiến mình cần phải nói điều gì đó để động viên họ. Nhưng nếu nói nhiều quá, vô tình mình đứng gần họ và dễ bị lây bệnh”, thầy Cẩn chia sẻ.
Theo thầy Cẩn, những ngày cách ly cùng nhau, các thầy bảo nhau không để xuống tinh thần, bởi công việc đang còn phía trước. Hằng ngày, các thầy tập thể dục tại phòng, phơi nắng, tránh tiếp xúc với người bên ngoài (trừ khi lấy cơm và đổ rác). Bên cạnh đó, tuân thủ các quy tắc y tế để giữ gìn vệ sinh và sức khỏe.
 
Các tình nguyện viên từng là F0 động viên nhau trong thời gian điều trị
Các tình nguyện viên từng là F0 động viên nhau trong thời gian điều trị
Với lối sống tích cực, xem những ngày điều trị như là “những ngày nghỉ dưỡng”, nên chỉ sau gần một tuần điều trị, cả 4 tình nguyện viên nói trên đều được công bố khỏi bệnh vào ngày 7.8. Thầy Cẩn hài hước: “Tụi mình nhận kết quả là âm tính nhưng vẫn lo. Lo bởi vì lý do tại sao ba anh em đều là nam tính hết, giờ tất cả chuyển âm tính, không khéo là…” (cười).
Sơ Nguyễn Thị Hương Thảo (có chuyên môn là bác sĩ đông y) cho rằng nguy cơ lây nhiễm của mình có thể đến từ một ca trực mà sơ cho bệnh nhân thở cấp cứu. Bệnh nhân không biết đưa ống thở ô xy vào mũi nên sơ tiếp xúc gần để hướng dẫn. Lúc đó, bệnh nhân bỗng bật ho…
Từ kinh nghiệm bản thân, bác sĩ Hương Thảo nhắn nhủ: “Trong mọi cử chỉ, mọi công việc, mình càng cẩn thận bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Bởi vì không phải chỉ bảo vệ cho chính mình mà còn bảo vệ cho đồng đội của mình nữa. Mặt khác, nếu chẳng may bị nhiễm, mình cần giữ bình tĩnh. Sự lo sợ, hoang mang sẽ làm cơ thể của mình tiết ra chất có hại, làm tim mình đập nhanh hơn, tự nhiên mình cũng khó thở, tức ngực. Ngoài việc tăng sức đề kháng và sự điều trị của y bác sĩ, yếu tố tâm lý rất quan trọng để mình vượt qua triệu chứng của bệnh này…”.
Từ giã những ngày cách ly, các tình nguyện viên từng là F0 phấn khởi trở về với đồng đội để hoàn thành công việc tình nguyện của mình.
(còn tiếp)
Theo Như Lịch (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.