30 ngàn USD, ngót 700 triệu - cái giá có lẽ phá bỏ mọi kỷ lục mại dâm. Đó có phải là hệ quả của một lối sống sang chảnh, xa hoa đuổi theo sự hào nhoáng với thước đo giá trị là hàng hiệu, ôtô, và tiền... như một thứ “đẳng cấp”?
Bán dâm với giá 30.000 USD, ai đã bán và ai đã mua? |
Cách đây ít hôm, khi công an bất ngờ bắt giữ một “hotgirl Mai Thúy” ở Thanh Hóa (cô gái cầm đầu đường dây ma túy theo cách gọi của dân mạng), lối sống xa hoa của cô trở thành một chủ đề bàn tán.
Checkin ở những nơi sang chảnh, 5 sao. Gác chân trên những siêu xe. Du lịch ở những địa điểm nổi tiếng của thế giới. Mua sắm ở những trung tâm thời trang quốc tế và “full giáp” đồ hàng hiệu đắt tiền từ đầu tới chân.
Hôm qua, cái vỏ sang chảnh, xa hoa y xì lặp lại khi công an phá một đường dây mại dâm ở TP HCM.
Dư luận choáng là phải thôi. Trong đường dây đó có chữ “người mẫu, hoa hậu”. Và cái giá của nó 18.000 USD -30.000 USD, nghe cứ lại "đung đúng" thế nào ấy.
Bởi nếu để ý, giờ đây, ngập mạng xã hội là hình ảnh những người đẹp với... đấy: Checkin 5 sao; siêu xe; hàng hiệu; du lịch sang chảnh, xa hoa, và “không có gì để mặc” không phải vì không có gì.
Nhiều, và phổ biến đến mức như kiểu chủ nghĩa tiêu dùng xa xỉ đang trở thành một đích đến trong lối sống. Đến mức giờ đây nhà, xe, hàng hiệu... trở thành một thước đo giá trị không gắn, thậm chí hoàn toàn tách biệt với công việc và mồ hôi.
Liệu có thể nào, những cái giá 18.000 USD -30.000 USD hôm nay là một hệ quả lối sống theo đuổi và tôn sùng những giá trị đo bằng tiền bạc, vật chất?
“Không có gì để mặc” - caption phổ biến trên mạng, hay “Những rich kid sinh ra đã ngậm thìa vàng”, thật ra là thuật ngữ đã được đưa vào giáo trình kinh tế học để nói về biểu hiện của chủ nghĩa tiêu dùng cực đoan đang không ít phổ biến ở Việt Nam.
Ở đó, người ta mua sắm bất chấp, mua sắm ngay cả khi không có tiền, nợ nần vì mua sắm, làm nô lệ cho hàng hiệu, và rồi bằng mọi cách để có tiền mua sắm.
Tháng 4 năm nay, thế giới lên cơn sốt về hoa hậu Anh Bhasha Mukherjee. Không chỉ vì cô đẹp, thành thạo tới 5 ngôn ngữ, có bằng y khoa hay chỉ số IQ 146. Người ta ngưỡng mộ vì chiếc áo mà cô mặc, vì công việc mà cô theo đuổi, vì hành động mà cô đã làm.
Bhasha Mukherjee, sau đăng quang, trở thành một bác sĩ cho một số tổ chức nhân đạo. Và khi biết các đồng nghiệp ở Anh Quốc đang quá tải để cứu chữa người bệnh nhiễm COVID-19, Bhasha Mukherjee tìm mọi cách về nước, mặc áo blue y tế để “đứng vào đội ngũ những người tiên phong chiến đấu chống lại dịch bệnh”.
“Nhân dân của tôi cần một người thầy thuốc, không cần một người đẹp!”- Bhasha Mukherjee khi ấy đã nói thế đấy.
Một người đẹp mặc bikini khoe khoang một cuộc sống xa hoa, sang chảnh có thể khiến cho người ta nhìn. Nhưng sự ngưỡng mộ và ca ngợi thì không đâu.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/30-ngan-usd-va-chiec-ao-cua-hoa-hau-819272.ldo
Theo Anh Đào (LĐO)