Theo đơn trình bày của bà Lê Thị Thu Hương-Tổng Giám đốc Công TNHH Thương mại dịch vụ môi trường Phúc Thịnh (gọi tắt là Công ty Phúc Thịnh): Ngày 16-4-2017, Công ty ký Hợp đồng mua bán thiết bị số 02/2017/HĐMB.PT với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển môi trường Viwaseen-Phương Hướng (gọi tắt là Công ty Phương Hướng). Theo nội dung của hợp đồng thì Công ty Phúc Thịnh bán cho Công ty Phương Hướng những thiết bị mà Công ty Phúc Thịnh đã lắp đặt và hoàn thiện tại Nhà máy xử lý rác Chư Sê với trị giá hơn 5,7 tỷ đồng. Thời gian Công ty Phương Hướng phải thanh toán số tiền hơn 5,7 tỷ đồng được chia làm 2 lần vào ngày 30-6-2017 và 31-12-2017.
Lò đốt rác tại Nhà máy rác Chư Sê. Ảnh: Thiên Di |
Do Công ty Phương Hướng chậm thanh toán số tiền nói trên nên Công ty Phúc Thịnh đã khởi kiện ra TAND huyện Chư Sê. Sau đó, TAND huyện Chư Sê đã thụ lý, tổ chức hòa giải thành và ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2018/QĐST-KDTM ngày 8-1-2018 về vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán thiết bị” giữa Công ty Phúc Thịnh và Công ty Phương Hướng. Theo quyết định này, Công ty Phương Hướng đồng ý trả số tiền hơn 5,7 tỷ đồng cho Công ty Phúc Thịnh.
Tuy nhiên, ngày 6-5-2020, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2020/KN-KDTM hủy toàn bộ Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2018/QĐST-KDTM ngày 8-1-2018 của TAND huyện Chư Sê và giao TAND huyện Chư Sê giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
“Sau khi TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy quyết định của TAND huyện Chư Sê thì cũng trong năm 2020, chúng tôi đã làm thủ tục khởi kiện tại TAND huyện Chư Sê yêu cầu giải quyết tranh chấp giữa 2 công ty. Tòa án nhân dân huyện Chư Sê đã thụ lý, giải quyết. Có điều đã hơn 3 năm từ khi thụ lý vụ án, TAND huyện Chư Sê chưa giải quyết xong. Chúng tôi luôn trong trạng thái phải chờ đợi mà không biết vụ án có được TAND huyện Chư Sê giải quyết hay không. Theo tham khảo của Công ty, Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định với những vụ việc phức tạp thì thời gian giải quyết không quá 4 tháng. Công ty đã gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét chỉ đạo TAND huyện Chư Sê nhanh chóng giải quyết vụ án, giúp chúng tôi sớm nhận lại tiền, tài sản”-bà Hương trình bày.
Trao đổi với P.V, bà Bùi Thị Dậu-Chánh án TAND huyện Chư Sê-thông tin: Tòa án nhân dân huyện Chư Sê thụ lý vụ án kinh doanh thương mại số 21/TLST-KDTM ngày 23-10-2017 giữa nguyên đơn là Công ty Phúc Thịnh, bị đơn là Công ty Phương Hướng và giao thẩm phán Võ Tiến Sỹ tiến hành giải quyết. Sau khi TAND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2020/KN-KDTM ngày 6-5-2020 hủy toàn bộ Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2018/QĐST-KDTM ngày 8-1-2018 của TAND huyện Chư Sê thì TAND huyện thụ lý lại vụ án số 12/2020/TLST-KDTM ngày 9-11-2020, giao thẩm phán Đoàn Ngọc Tú tiến hành giải quyết. Kế đó, ngày 5-2-2021, TAND huyện Chư Sê đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời về việc trình tự thủ tục rút hoặc chuyển giao cổ phần của cổ đông được thực hiện như thế nào; việc Công ty Phúc Thịnh và Công ty Phương Hướng ký kết biên bản làm việc và hợp đồng mua bán thiết bị có được coi là thủ tục rút hoặc chuyển giao cổ phần hợp pháp không. Trong khi chờ Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời, thời hạn giải quyết vụ án đã hết, thẩm phán Đoàn Ngọc Tú đã ban hành Quyết định số 01/2021/QĐST-KDTM ngày 9-2-2021 tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Khi thẩm phán Đoàn Ngọc Tú nghỉ việc, ngày 7-4-2023, Chánh án TAND huyện Chư Sê phân công thẩm phán Nguyễn Đình Hiếu thay thế tiếp tục giải quyết vụ án và đôn đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời. Khi có kết quả trả lời của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 31-7-2023, thẩm phán ban hành Quyết định số 05/QĐST-KDTM tiếp tục giải quyết vụ án nói trên. Ngày 22-8-2023, thẩm phán Nguyễn Đình Hiếu đã triệu tập các bên đương sự và tiến hành lập biên bản hòa giải giữa các bên. Tại phiên hòa giải này, các bên không thống nhất được với nhau về những vấn đề cần giải quyết, nguyên đơn có ý kiến sẽ yêu cầu khởi kiện bổ sung. Đến ngày 5-9, thẩm phán Nguyễn Đình Hiếu đã nhận được đơn yêu cầu khởi kiện bổ sung và xem xét theo quy định của pháp luật.
“Vụ án cũng có kéo dài để nghiên cứu hồ sơ do chuyển từ thẩm phán này sang thẩm phán kia, cũng như do Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp chứng cứ chậm, phải đôn đốc nhiều lần. Còn vụ án hiện đang được thẩm phán thụ lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Việc Công ty Phúc Thịnh làm đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là không đúng quy định của pháp luật”-Chánh án TAND huyện Chư Sê cho biết thêm.