20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ-/TW: Kinh tế-xã hội chuyển biến mạnh mẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020, Gia Lai đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.  
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng
Trên cơ sở Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 14-CT/TU ngày 24-4-2002 và Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 18-10-2004 về xây dựng và phát triển Gia Lai toàn diện. Sau 20 năm triển khai, theo đánh giá của Tỉnh ủy, kinh tế của tỉnh đã tăng trưởng khá qua từng năm. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt 9,81%, năm 2021 đạt 9,71%. So với năm 2002, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng 21,7 lần, tỷ lệ tăng thu bình quân hàng năm giai đoạn 2002-2020 là 17,6%.
Để có được kết quả đó, tỉnh đã xác định đúng hướng việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, thể hiện ở việc tăng tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản. Báo cáo của Tỉnh ủy nêu rõ, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp-xây dựng bình quân giai đoạn 2002-2019 đạt 7,7%; các năm 2020, 2021 tăng bình quân 8,65%. Tất cả các địa phương trong tỉnh đều đồng lòng quyết tâm thực hiện đúng định hướng mà tỉnh đề ra. Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: "Cơ cấu kinh tế của Krông Pa cũng dần chuyển dịch theo đúng định hướng khi tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 17,2% (năm 2005) tăng lên 28% (năm 2015) và tiếp tục tăng lên 30% vào năm 2020. Ngành thương mại-dịch vụ lúc này cũng chiếm 25% trong cơ cấu kinh tế của huyện”.
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm cơ hội đầu tư tại Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm cơ hội đầu tư tại Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Huyện biên giới Chư Prông cũng đạt được những kết quả phấn khởi khi đến năm 2020, lĩnh vực công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng 22,85%, tăng 6,04% so với giai đoạn 2010-2015; thương mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng 27,43% tăng 6,78% so với giai đoạn 2010-2015. Tương tự, trong cơ cấu kinh tế của TP. Pleiku, ngành thương mại-dịch vụ, công nghiệp-xây dựng luôn chiếm tỷ trọng cao. Cụ thể: năm 2015, tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ chiếm 51,5%, công nghiệp-xây dựng chiếm 44%; đến năm 2020, tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ chiếm 52,92%, công nghiệp-xây dựng chiếm 43,16%.
Du lịch cũng là lĩnh vực mà tỉnh bắt đầu chú trọng khai thác và thúc đẩy với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử kết hợp với các công trình kinh tế, chính trị, đền chùa như: Đồi chè Biển Hồ, hồ Ayun Hạ, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Làng kháng chiến Stơr, chùa Minh Thành, thác 50, thác Mơ, làng chài Sê San… Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã được quan tâm đẩy mạnh đa dạng cả về phương thức và nội dung. Hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện. Đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 112 cơ sở lưu trú (tăng 98 cơ sở lưu trú so với năm 2000), 9 công ty lữ hành. 
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn của tỉnh. Qua hơn 10 năm triển khai, chương trình đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân nông thôn. Đến năm 2021, toàn tỉnh có 91 xã và 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, Chương trình OCOP đã đóng vai trò “hạt nhân” tạo ra sản phẩm có giá trị, khối lượng lớn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển toàn diện, lâu dài và bền vững. Ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhằm phục vụ sản xuất gắn với tiêu dùng nội địa và hướng đến thị trường thế giới.
Để kinh tế phát triển, một trong những yếu tố quan trọng là đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Với hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, gồm 1 cảng hàng không đạt tiêu chuẩn 4C, 6 quốc lộ có tổng chiều dài 764 km, 10 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 372 km cùng gần 11.088 km đường huyện, đường đô thị, đường xã, đường thôn làng, đường chuyên dùng,… tạo nên mạng lưới giao thông cơ bản hoàn chỉnh, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, góp phần để Gia Lai có nhiều đột phá trong thu hút đầu tư. Trong 20 năm qua (2002-2022), tỉnh có hơn 560 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 140.000 tỷ đồng, bình quân đạt gần 250 tỷ đồng/dự án. 
Văn hóa-xã hội phát triển vượt bậc
Song song với việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế, tỉnh cũng chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo đạt được những kết quả rất quan trọng. Đến năm 2021, toàn tỉnh có 412/763 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 54,2%, tăng 47,2% so với năm 2010. Giáo dục vùng dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên về quy mô và chất lượng, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tiếp tục được duy trì, giữ vững. Năm 2021, số học sinh dân tộc thiểu số là 176.066 em, chiếm 44% tổng số học sinh mầm non và phổ thông toàn tỉnh.
Công tác xóa đói giảm nghèo được tỉnh quan tâm hàng đầu. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng giai đoạn. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,46% năm 2002 xuống 14,32% năm 2010 và còn 5,38% vào cuối năm 2020. Cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh còn 45.688 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, chiếm 12%. Đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản đã định canh định cư, ổn định cuộc sống; các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai; tư duy, cách thức làm ăn của người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm, tạo ra liên kết vùng. Ảnh: Hà Duy
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm, tạo ra liên kết vùng. Ảnh: Hà Duy
Thị xã An Khê là địa phương có tỷ lệ giảm nghèo nhanh trong tỉnh, giảm từ 669 hộ năm 2016 xuống còn 148 hộ năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020). Ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã-cho biết: “Thị xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn gắn với công tác khuyến nông, khuyến công; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, thị xã thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; gắn dạy nghề với tạo việc làm cho lao động nghèo. Bên cạnh đó, thị xã đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, giúp người nghèo tiếp cận các chính sách giảm nghèo. An Khê phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm bình quân 0,2%/năm”. 
Tiếp tục vươn lên phát triển mạnh mẽ
Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Gia Lai đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên. Tỉnh cũng đề ra mục tiêu đến năm 2045 sẽ là "Cao nguyên sinh thái, thể thao và nâng cao sức khỏe". 
Một số chỉ tiêu quan trọng được tỉnh đặt ra như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9,56%, trong đó, giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 9,2%/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt bình quân 9,92%/năm; thu nhập bình quân đầu người và tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người năm 2025 đạt 79,5 triệu đồng, năm 2030 đạt 160 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 10%; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 là 35%, đến năm 2030 là 40%; tỷ lệ nghèo đa chiều đến năm 2025 giảm xuống dưới 3% và năm 2030 không còn hộ nghèo.
Chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Làm việc với hệ thống chính trị tỉnh vào tháng 5-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Gia Lai phải tự tin, mạnh mẽ, vững vàng hơn để đi lên. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tập trung phát triển công nghiệp-xây dựng, chú trọng phát triển công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số; bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống, các di sản gắn với phát triển du lịch. Tập trung đầu tư cho giáo dục, y tế, đặt con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. “Gia Lai phải khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc; phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia”-Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước mắt, đối với năm 2022, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh-cho biết: “Nhằm thực hiện thắng lợi 25 chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 về phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phấn đấu chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt 8,65%, các ngành, địa phương cần triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, các dự án trọng điểm. Đồng thời, thực hiện xây dựng xã nông thôn mới, làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo thực chất và người dân phải thật sự hưởng lợi từ nông thôn mới. Cùng với đó, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng trong điều kiện mới đối với các ngành Y tế, Giáo dục. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”. 
HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.