(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu 2 chủ đầu tư thuỷ điện lớn gồm Thượng Kon Tum và Nhà máy thủy điện Đak Đrinh huyện Kon Plông phải xây dựng quy trình ứng phó tạm thời với động đất và lắp thêm các trạm quan trắc nhằm cảnh báo sớm về động đất.
Xã Đak Tăng, huyện Kon Plông trong thời gian qua liên tục xảy ra động đất khiến người dân lo lắng. Ảnh nguồn Báo Người Lao Động |
Trước đó, tháng 5-2022, sau khi có kiến nghị của Viện Vật lý địa cầu, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu chủ đầu tư các công trình thủy điện trên địa bàn huyện Kon Plông lắp đặt ngay thêm 5 trạm quan sát động đất. Trong đó Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh (chủ đầu tư thủy điện Thượng Kon Tum) lắp đặt 3 trạm, Công ty cổ phần Thủy điện Đak Đrinh lắp 2 trạm. Dù vậy, đến nay Công ty cổ phần thủy điện Đak Đrinh vẫn chưa tiến hành lắp đặt. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu đơn vị này khẩn trương triển khai hoàn thành việc lắp đặt ngay 2 trạm quan sát động đất, báo cáo kết quả về Sở Công thương để theo dõi.
Được biết, dự án thủy điện Thượng Kon Tum có tổng vốn đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng, gồm 2 tổ máy với tổng công suất 220MW, sản lượng điện bình quân trên 1.094 triệu kWh/năm.
Thủy điện Đak Đrinh có công suất thiết kế 125MW, bao gồm 2 tổ máy với tổng mức đầu tư 5.921 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình hàng năm là hơn 540 triệu KWh.
Trong số hàng trăm thủy điện lớn nhỏ ở Tây Nguyên thì đây được xem là 2 dự án thủy điện nghìn tỉ với quy mô lớn. Từ khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước đi vào hoạt động năm 2021 thì xảy ra hơn 200 trận động đất ở huyện Kon Plông, trong đó có trận động đất lớn nhất trong vòng 100 năm qua với 4,7 độ richter vào ngày 23-8-2022. Riêng từ đầu năm đến nay, huyện Kon Plông đã có hơn 130 trận động đất lớn nhỏ.
Hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 6 trạm quan sát động đất do Viện vật lý địa cầu và thủy điện Thượng Kon Tum lắp đặt. Khi Công ty cổ phần Rhủy điện Đak Đrinh lắp đặt 2 trạm mới sẽ kết nối vào hệ thống với 6 trạm quan sát động đất trên.
PHƯƠNG VI (tổng hợp)