Công ty 732 chú trọng công tác dân vận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 732 (Binh đoàn 15) luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Công ty 732 hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn 35 thôn, làng của 4 xã thuộc 2 huyện Ngọc Hồi và Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Nơi đây có 5.383 hộ gia đình (trong đó 3.555 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số) với 21.501 nhân khẩu. Nguồn thu nhập chính của người dân trên địa bàn dựa vào sản xuất các loại cây trồng như: cà phê, cao su, bời lời, mì, hồ tiêu.

 

Trao nhà “Đại đoàn kết”.     Ảnh: N.S
Trao nhà “Đại đoàn kết”. Ảnh: N.S

Để thực hiện tốt công tác dân vận, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Công ty luôn xây dựng tình cảm gắn bó máu thịt với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn đứng chân. Thực hiện chủ trương “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; Công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng”, thời gian qua, Công ty đã tổ chức 5 đợt kết nghĩa, qua đó, 12 đầu mối kết nghĩa với 17 thôn, làng. Đến nay, 98% số thôn, làng kết nghĩa đạt tiêu chuẩn “Làng văn hóa”; nhân dân các thôn, làng thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Ngoài ra, Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình gồm: 78 km đường giao thông liên thôn, liên xã, 15 cầu bê tông, 125 cống, 3 km đường điện cao thế và 15 km đường điện hạ thế; xây mới 8 nhà trẻ phục vụ nuôi dạy hơn 300 cháu; 1 bệnh xá quân-dân y kết hợp với quy mô 20 giường bệnh; 2 hồ đập thủy lợi, 10 km mương dẫn nước phục vụ tưới cho gần 100 ha lúa; hỗ trợ cho địa phương trong các lĩnh vực như: giáo dục, y tế, an sinh xã hội với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng trị giá 350 triệu đồng; 35 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà “Đại đoàn kết” với tổng kinh phí 2,1 tỷ đồng... Đơn vị còn huy động cán bộ, công nhân, người lao động đóng góp 157 triệu đồng xây dựng khuôn viên nhà rông làng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy), góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt cộng đồng tại địa phương.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và nghị quyết của Đảng ủy Binh đoàn, Công ty đã tích cực, chủ động đổi mới, sáng tạo công tác dân vận theo hướng có chiều sâu, bám sát yêu cầu nhiệm vụ, vận dụng cụ thể sát với địa bàn và điều kiện của đơn vị. Từ thực tiễn hoạt động cho thấy, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, xây dựng mối đoàn kết quân-dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Công ty tiếp tục đổi mới nội dung hoạt động công tác dân vận thông qua thực hiện chủ trương “Hộ gia đình công nhân người Kinh gắn kết với hộ đồng bào dân tộc thiểu số” để giúp đỡ hộ đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc, khai thác mủ cao su. Từ đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã bỏ dần những tập tục lạc hậu; có 392 lao động là người dân tộc thiểu số ở địa phương vào làm việc tại Công ty (chiếm 40% quân số), thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng, định mức giao khoán 50-70% đã tăng lên 100% kế hoạch, tay nghề khá giỏi đạt trên 94%.

 

Đại tá Trần Thế Xuất-Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 732: Để xóa bỏ được tà đạo “Hà Mòn”, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn, Công ty đã có nghị quyết lãnh đạo tổ chức thực hiện sát, đúng; phối hợp hiệu quả với địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động. Điều quan trọng nhất là đơn vị đã bố trí việc làm, thu nhập ổn định cho bà con, nhiều hộ đã xóa được đói, giảm được nghèo, xây dựng được nhà ở kiên cố, con em được nuôi dạy, học tập tốt hơn, ốm đau được khám-chữa bệnh tận tình.

Một trong những thành công đáng ghi nhận trong công tác dân vận của Công ty là đã  tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch. Địa bàn Công ty đứng chân xuất hiện tà đạo “Hà Mòn” với 39 hộ/181 khẩu tin theo, tập trung ở thôn Giăng Lố II (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi), gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Công ty đã vận dụng nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền linh hoạt phù hợp với thực tiễn, với từng đối tượng như: tổ chức tuyên truyền tập trung thông qua các buổi họp đơn vị; tuyên truyền nhỏ lẻ tới từng hộ gia đình; tuyên truyền cá biệt tới các đối tượng cầm đầu... Kết quả, 100% người dân trên địa bàn đã từ bỏ tà đạo “Hà Mòn”.

Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.