Chiến khu Krong, một thời để nhớ…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày lập quốc đến nay, dân tộc ta đã liên tiếp trải qua những cuộc trường chinh giữ nước; cả giang sơn Việt Nam nơi nào cũng là chiến khu chống giặc ngoại xâm… Chiến khu Krong nằm phía Tây Bắc huyện Kbang ngày nay là một trong những “bảo tàng sống” của đại ngàn Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Trước khi xây dựng chiến khu Krong, nằm ở đầu nguồn sông Ba và sông Lơ Pa, trong thời chống Pháp, Tỉnh ủy Gia Lai đã chọn căn cứ Xóm Ké, Thượng Bình-An Khê (nơi mà vài thế kỷ trước anh em nhà Tây Sơn từng đặt sở chỉ huy nghĩa quân) làm chỗ đứng chân để lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh kháng chiến trường kỳ. Bấy giờ, ngoài Xóm Ké, nơi có vị trí chiến lược khá thuận lợi, chúng ta còn xây dựng nhiều căn cứ du kích khác, như Đê Groi (Kơnbơngchơng) liên hoàn với khu căn cứ Gia Hội phía Nam An Khê; căn cứ Kon Hơnừng, Bơnâm, Lơ Pà và làng kháng chiến Stơr nổi tiếng gắn liền với tên tuổi Anh hùng Núp.

 

Tác giả (thứ 2 từ phải sang) tại Căn cứ cách mạng Khu 10-xã Krong.                Ảnh: Quốc Ninh
Tác giả (thứ 2 từ phải sang) tại Căn cứ cách mạng Khu 10-xã Krong. Ảnh: Quốc Ninh

Sau Hiệp định Genève 1954, trước âm mưu chia cắt đất nước lâu dài, tình hình cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, đấu tranh thống nhất nước nhà, Tỉnh ủy Gia Lai bước vào chuẩn bị thế trận mới để tổ chức kháng chiến chống Mỹ trên toàn miền Nam. Nhớ lại những ngày đầu được phân công xây dựng chiến khu trong thời kỳ này, ông Trịnh Văn Cư (Bá Lâm)-nguyên là một trong số cán bộ ở lại địa phương sau khi có chủ trương tập kết ra Bắc (nay đã nghỉ hưu, sống tại phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) kể rằng: “Trong Ban xây dựng căn cứ thời đó có 3 cán bộ, ngoài tôi còn có anh Trần Như Tinh (Hlang)-Chánh Văn phòng Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Xây dựng căn cứ và anh Nguyễn Thanh Bình (Aka), là cán bộ chuyên trách địa bàn được giao nhiệm vụ đi khảo sát cơ sở, chọn địa điểm để tổ chức căn cứ địa cách mạng ở vùng phía Đông sông Ba. Ngày ra đi, Bí thư Tỉnh ủy Võ Trung Thành (Năm Vinh) có đến động viên, nhắc nhở tôi. Anh em trong Ban Xây dựng căn cứ cũng đã nhận thức được rằng, đó là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cuộc kháng chiến ở địa phương. Vì vậy, chúng tôi đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là địa bàn không mấy xa lạ với những cán bộ kháng chiến cũ như chúng tôi. Những ngôi làng dưới tán rừng già quen thuộc cùng những người Bahnar mộc mạc, chân tình đã giúp chúng tôi vượt qua thử thách ban đầu để hoàn thành sứ mạng quan trọng này. Chúng tôi đã lội núi băng rừng, không bỏ qua từng ngọn đồi, con suối của khu 7 (nay là huyện Kông Chro) rồi tìm về phía Tây Bắc An Khê của khu 1-xã Hơnừng, khu 2-xã Bơnâm, nay thuộc huyện Kbang, nơi có những cánh rừng xanh ngắt “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, cùng sông rộng, suối sâu, đồi cao như thành lũy tự nhiên rất thuận lợi cho việc ẩn náu, bảo mật, liên lạc, tiếp tế và tiến thoái đều dễ dàng…”.

Từ năm 1958 trở đi, cơ quan Tỉnh ủy Gia Lai bắt đầu dời về đóng ở vùng núi phía Bắc sông Ba (nay thuộc xã Krong, huyện Kbang), nơi được chọn làm căn cứ địa trong kháng chiến chống Mỹ. Anh Năm Vinh và các đồng chí trong Tỉnh ủy bấy giờ khi đi thực địa vùng chiến khu đã hài lòng về sự bố phòng khá chu toàn, từ nơi làm việc của lãnh đạo đến địa điểm các cơ quan giúp việc. Công tác chuẩn bị dự trữ lương thực, khí tài đảm bảo cho khoảng 30 người sinh hoạt, làm việc trong 2 năm trở lại. Đặc biệt, việc củng cố các cơ sở cách mạng cũ và phát triển các cơ sở mới trong các làng vùng căn cứ được chú trọng vì đó là “lá chắn” bảo vệ an toàn cho chiến khu. Ngoài công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho quần chúng, đội ngũ cán bộ cơ sở còn vận động, tổ chức phong trào đoàn kết trong sản xuất, phát triển kinh tế, tự cung tự cấp, cải thiện đời sống cán bộ, nhân dân. Bên cạnh việc tăng cường sản xuất lương thực, phát triển chăn nuôi, chúng ta còn vận động nhân dân trong vùng khai thác lâm thổ sản dưới tán rừng để trao đổi với các đầu mối người Kinh ngoài vùng tạm chiếm nhằm cung cấp, dự trữ muối ăn, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác phục vụ đời sống của cán bộ, nhân dân vùng căn cứ…

Đồng thời với việc đảm bảo nguồn lực kinh tế, chúng ta còn lo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở chiến khu; tổ chức cho thanh-thiếu niên học để biết đọc, biết viết cả chữ phổ thông và chữ Bahnar, biết tính toán; sinh hoạt văn nghệ, thể dục-thể thao…; vận động nhân dân ăn ở vệ sinh, trồng cây thuốc Nam để chữa bệnh, xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu trong cộng đồng người dân tộc bản địa. Qua 3 năm phát động các phong trào cách mạng, đời sống và nhận thức của nhân dân vùng căn cứ đã có nhiều đổi thay đáng kể, làm chỗ dựa vững chắc cho công cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Nhân dân trong vùng chiến khu Krong đang sống yên bình trong những năm đầu xây dựng thì giữa năm 1959, phong trào “tố cộng” của địch lan rộng khắp miền Nam và vùng căn cứ ở Gia Lai cũng bị chúng dòm ngó. Ông Trịnh Văn Cư và đồng đội của mình từng chứng kiến một trận càn vô cùng tàn khốc của địch giữa mùa mưa năm ấy nhắm vào những buôn làng trong vùng căn cứ địa. Thời gian này, ta chưa có chủ trương đồng khởi, vũ trang chống giặc nên chúng đã gây cho đồng bào nhiều tổn thất về người và tài sản, trong đó anh Tuih-Bí thư chi bộ làng Sơlam Kdar và ông Bá Vơn-cán bộ cơ sở đã hy sinh. Qua  gần một tháng lùng sục, bắt bớ và tra tấn dân làng trong vùng chiến khu Krong nhưng địch không thu được kết quả nào. “Mật khu” của ta vẫn được bảo vệ an toàn. Sau khi địch rút đi, cán bộ của ta đã về cơ sở giúp dân ổn định tình hình, giải quyết hậu quả mà địch đã gây ra cho dân làng, kiên trì chờ đợi thời cơ sẽ vùng lên giết giặc…

Từ ngày đó cho đến năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, chiến khu Krong vẫn được bảo vệ an toàn, các cơ quan đầu não của tỉnh ngày một lớn mạnh, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Tháng 4-1973, chúng ta đã thành lập thị trấn Dân Chủ ngay trung tâm xã Krong ngày nay. Đây là nơi sinh hoạt chính trị-kinh tế-văn hóa của cán bộ và đồng bào trong vùng, nơi giao lưu quan trọng của quân và dân từ đồng bằng Duyên hải miền Trung lên Tây Nguyên và cũng là địa điểm tiếp đón cán bộ của Khu V và Trung ương vào chiến trường miền Nam.

*
Cách đây vài năm, khi trở lại thăm vùng chiến khu xưa, trong đoàn nhà báo của chúng tôi có anh Đoàn Minh Phụng-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, là lớp thế hệ chống Mỹ thứ hai, nhân chứng sống một thời gắn bó với căn cứ cách mạng Krong. Anh làm hướng dẫn viên cho chúng tôi, giới thiệu từng ngọn đồi, con suối quen thuộc mặc dù nay đã đổi thay rất nhiều. Đây là nơi đóng quân của lực lượng Công an bảo vệ, kia là trạm xá, bên này là Đoàn Văn công, bên ấy là kho lương thực, khu sản xuất... Anh  kể: “Khi mình từ An Khê trở lại căn cứ thì đã có cái thị trấn Dân Chủ này rồi. Nơi đây, đồng bào tuy còn đói cơm lạt muối nhưng cán bộ, người dân đã đi lại đông đúc, sinh hoạt vui nhộn, mặc dù cuộc chiến đấu đang còn cam go phía trước”. Hôm ấy, anh Phụng dừng lại trên một khúc sông, nước trong xanh đang lững lờ trôi và nhớ về kỷ niệm một thời: “Bấy giờ, cứ mỗi chiều lại, trên dòng sông này, tiếng nói tiếng cười rộn ràng hẳn lên. Anh chị em tắm giặt, nô đùa kín cả một khúc sông như thời chưa có giặc giã…” .

Tôi lội xuống dòng nước mát sông Ba nơi đầu nguồn cách mạng, vốc lên tay những giọt nước trong lành và uống cạn. Lòng tôi dịu lại khi cái nắng chiều còn hắt lên những tia sáng màu đỏ sẫm trên các vòm lá xanh non bên cánh rừng già cỗi. Dường như đâu đấy, trong tiếng róc rách của nước, tôi nghe có tiếng cười con gái vọng lên rồi xa dần theo dòng chảy thời gian… Anh bạn tôi trong đoàn bất chợt đọc câu thơ của Bác Hồ làm ai cũng xao động: “Kháng chiến thành công ta trở lại/Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.