Những vòng ngà voi oan nghiệt - Kỳ 1: Vào tù vì chiếc vòng tay kỷ niệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thấy những chiếc vòng tay ngà voi được bán đầy các khu chợ ở Angola, nhiều người Việt mua về làm quà lưu niệm đã bị xử tù vì tàng trữ, mua bán sản phẩm liên quan động vật hoang dã quý hiếm.

Cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã là một cuộc chiến mang tầm toàn cầu. Tính chính nghĩa của nó không cần phải bàn cãi. Nhưng ở châu Phi, có những trường hợp người Việt vướng vòng tù tội vì không hiểu biết về luật pháp ở nơi mình đặt chân đến.

Ngày 31-3, bà Trương Thị Niềm ra sân bay Nội Bài đón chồng từ nước ngoài trở về. Không như những cuộc đoàn tụ khác đầy nụ cười, họ đã gặp nhau trong nước mắt mừng mừng tủi tủi bởi ông Trần Văn Tuấn(*) về nước sau một năm ngồi tù ở Kenya.

Cả ông và gia đình có lẽ chưa bao giờ hình dung ra ngày trở về lại như thế này. Không những không có tiền mang về sau thời gian vắt sức ở nước ngoài mà còn gánh cả khoản nợ vay để ra nước ngoài làm việc.

 

Nhiều người Việt vướng vòng tù tội vì những chiếc vòng ngà voi.
Nhiều người Việt vướng vòng tù tội vì những chiếc vòng ngà voi.

Đi châu Phi để đổi đời

Cách đây bốn năm, vào năm 2013, ông Tuấn cũng từng ở sân bay này nhưng trong một tâm trạng khác hẳn.

Đầy nụ cười, đầy hi vọng. Ông có hộ chiếu cùng vé máy bay để cùng vài người hàng xóm lên đường sang Angola mưu sinh. Gia đình ông đã phải vay mượn 150 triệu đồng để chi phí cho chuyến đi dưới hình thức lao động cá nhân.

Ở ngôi nhà nhỏ thuộc vùng nông thôn huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình), người đàn ông trạc tuổi tứ tuần nhớ lại: “Hai vợ chồng tôi đã bàn bạc kỹ với nhau, vợ chồng nhất trí thì tôi mới đi. Chúng tôi cũng hiểu độ khó khăn khi làm việc ở xứ người, sống được thì ăn, đen đủi thì về trắng tay.

Đồng tiền cũng không phải của nhà mình mà phải đi vay mượn ngân hàng tín dụng. May mà mình còn sức khỏe, còn kiếm được tiền để trả nợ. Ai mà chẳng muốn đi làm có tiền để chu cấp cho gia đình”.

Khi đó, những thông tin có được về việc làm bên Angola rất ít và mơ hồ. Mọi người chỉ được biết là họ có thể làm nghề xây dựng và kiếm được 500 USD/tháng.

Khoản tiền này thực sự là mơ ước của nhiều người nông dân ở vùng nông thôn. Và ông Tuấn đã tự xoay xở để có thể đặt được chân sang Angola.

Trên thực tế, mọi việc khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với những gì ông hình dung. Ông nhớ lại:

“Mình không đi theo đường công ty chính thức. Nghe anh em bên ngoài kể lại là làm ăn bên đó cũng được, sẽ kiếm được 700-800 USD mỗi tháng, sau dần tăng lên 1.000 USD thì mình thấy xuôi tai, cũng đúng theo nguyện vọng. Thế là vợ chồng nhất trí vay mượn tiền lo làm thủ tục”.

Kết thúc thời gian làm việc, ông Tuấn trở về quê nhà. Ông đã định sẽ không quay lại châu Phi nữa vì kết quả không như mong muốn và ở hẳn Việt Nam để làm ăn. Rời xứ người, ông chỉ muốn mua vài món quà nhỏ về cho người thân.

“Mình cầm về ba vòng tay làm bằng ngà voi, mỗi chiếc 15.000 quan (kwanza) tiền Angola, tính tiền Việt vào khoảng 700.000 VND/chiếc.

Mấy loại vòng này tại Angola người dân bán đầy ở chợ, nhiều như quần áo bán ở chợ mình đây. Mình lên xe buýt ra chợ ngà voi để mua về làm quà cho vợ con chứ không phải mua về bán để kiếm lời” - người nông dân chân chất nhớ lại lúc đi mua quà lưu niệm trước khi về nhà.

Ông Tuấn rời sân bay ở Angola không chút vấn đề. Chuyến bay quá cảnh tại sân bay Nairobi của Kenya. Tại đây ông đã bị bắt giữ vì tội tàng trữ, mua bán sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã quý hiếm.

Công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania (kiêm nhiệm Kenya) gửi Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola ghi rõ:

“Ngày 
27-2-2016, công dân Trần Văn Tuấn, quê quán tại Ninh Bình, bị bắt giữ lúc 21 giờ tại sân bay Nairobi, Kenya do mang theo trong người ba vòng tay làm bằng ngà voi với mục đích làm quà cho người thân”.

 

Ba tù nhân người Việt trong nhà tù ở Kenya, từ trái sang: H.K. Thành, T.V. Tuấn và N.Q. Huy.
Ba tù nhân người Việt trong nhà tù ở Kenya, từ trái sang: H.K. Thành, T.V. Tuấn và N.Q. Huy.

Vào tù vì thiếu hiểu biết

Cũng là người đi lao động tự do tại Angola như ông Tuấn, anh Huỳnh Kiến Thành và anh Nguyễn Quang Huy bị bắt giữ với tội danh tương tự khi quá cảnh tại Nairobi.

Công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania khi đó báo cáo: “Năm 2014, ông Huỳnh Kiến Thành bị bắt ngày 21-2-2014, bị kết án 6 năm; ngày 13-3-2014 ông Nguyễn Quang Huy bị bắt và bị kết án 6 năm”.

Họ đều bị bắt do mang theo người các đồ lưu niệm bằng ngà voi và vuốt sư tử. Giờ đây khi vừa được trả tự do về lại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huy, người dân nông thôn huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), vẫn còn bàng hoàng sau thời gian thụ án 3 năm 1 tháng:

“Tôi không biết việc cầm về mấy cái móng vuốt để làm đồ kỷ niệm cho con trai mà bị nặng như vậy. Tôi thấy mình trót dại khi cố mang về những thứ như vậy. Thật đau xót khi phải đánh đổi bằng những năm tháng tù tội”.

Câu chuyện của họ bị phạt tù ở tận một đất nước châu Phi xa xôi vì vài chiếc vòng làm bằng ngà voi là một cái gì đó rất “mới mẻ” đối với những người hàng xóm.

Thực sự trước đó, họ chưa bao giờ hình dung được lý do vì sao ở nước này những sản phẩm từ động vật hoang dã được buôn bán tự do, trong khi tại một nước khác chúng lại bị cấm đoán nghiêm khắc.

Nữ luật sư Malrence Abongo giải thích với chúng tôi trong cuộc gặp tại thủ đô Nairobi: “Điều tôi có thể nói thêm về những trường hợp người Việt bị bắt giữ là cả ba người đều đến từ Angola. Họ chỉ là những người lao động phổ thông với đồng lương ít ỏi.

Khi bị bắt giữ, họ thậm chí còn không biết mình bị phạm tội. Một người trong số họ có năm vòng tay bằng ngà voi, một người khác chỉ có một vòng tay, người còn lại chỉ có một chiếc vòng cổ.

Như vậy có thể thấy họ không hiểu biết đầy đủ, họ có thể đã mua những sản phẩm này từ những cửa hàng lưu niệm.

Và khi biết mình bị bắt giữ, họ đã vô cùng sốc, nhưng buộc phải chấp nhận đúng là mình đã sở hữu những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và tòa án đã kết tội họ với một khoản 
tiền phạt”.

Nữ luật sư người Kenya - người đã đưa chúng tôi vào nhà tù tại Kenya gặp các công dân Việt - cho biết đã có những nỗ lực liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam hoặc các tổ chức, cá nhân để có thể cho họ vay mượn nhưng không thành.

(*) Tên các nhân vật người Việt trong bài đã được thay đổi.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.