Yêu thương quanh mình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lướt qua một số báo mạng, tôi rất xúc động và phấn chấn trước thông tin cô gái xinh đẹp ở TP. Hồ Chí Minh từng giúp đỡ nhiều người nay vận động giúp 2 ông cụ hành nghề xe ôm và bán chè hàng trăm triệu đồng giải quyết khó khăn trong cuộc sống thời dịch bệnh. Lại cảm thấy hào hứng khi TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) đi đầu cả nước cam kết không kinh doanh thịt chó.

Thịt chó, trộm chó lâu nay khắp nơi bức xúc nhưng chưa có giải pháp gì ngăn chặn hữu hiệu. Nhiều người ủng hộ hành động của Hội An nhưng cũng có người ậm ừ, chưa thật dứt khoát. Tôi thì nghĩ, cấm ăn thịt chó là “phải đạo”, là văn minh, là việc nên làm. Tôi vẫn dặn lòng và kiên trì, tiếp nhận điều tích cực là cách nạp thêm năng lượng cho một ngày mới.  

“Anh Bảy ơi, đậu rồng đây anh!”-tiếng chú Đức gần nhà gọi với lên gác. Tôi chạy xuống đón lấy túi rau, miệng lúng túng cảm ơn. Chú hàng xóm trẻ tuổi thơm thảo, giỏi giang, việc lớn việc nhỏ gì cũng rành, ai nhờ việc gì cũng không nề hà. Đức công tác bên ngành điện, nhà máy tít dưới huyện, cách Pleiku mấy chục cây số, có khi vài tuần mới về nhà một lần. “Người dưng nước lã”, xa quê nhưng sống gần nhau, thông cảm mà thành thân tình, gắn bó. Có búp măng, bụm ớt hái trên rừng nơi công tác, Đức cũng mang sang làm quà. Chối, ngại nhưng không thể không nhận. Mà chẳng riêng tôi, tính Đức vẫn vậy, hay giúp người. Anh Tựu, Đức giúp làm giấy tờ đề nghị chính quyền hỗ trợ khó khăn đột xuất. Chú Hòa, Đức giúp làm mâm cỗ bài bản. Cháu Phát, Đức giúp lắp lại ổ cắm điện...

Ngẫm ra, tôi cũng đã gần 20 năm gắn bó ở xóm này. Người đến trước người đến sau, không để ý nên nhà cửa san sát lúc nào không hay, chợt ngơ ngác trẻ con từ đâu mà đông đến lạ, rồi nhìn một dọc đường trống trải hồi nào giờ chỉ còn mấy khoảnh. Đủ cả thành phần: công chức, thợ hồ, lái xe, kinh doanh nhỏ, công nhân, giáo viên; đông nhất vẫn là bà con lao động phổ thông, vất vả thường trực... Người xưa nói đố sai “bán bà con xa mua láng giềng gần”. Cũng đôi khi chuyện này chuyện khác, xích mích, không vừa lòng. Nhưng sau hết, mấy chục ngôi nhà dường như đều hiểu ra, gây khó khăn, quá quắt với nhau cũng chẳng để làm gì, chỉ tổ mệt mình, mệt người. Xóm nhỏ dần hiểu nhau, gắn bó, thân quen. Nhà ai có việc gì, vui buồn, cả xóm đều biết. Con cái sa đà nợ nần đến nỗi chị Năm phải chuyển đi nơi khác, mấy chị em trong xóm cũng tìm đến thăm nom, hỏi han. Bọn trẻ con có thể qua lại nhà này, nhà khác để chơi với nhau. Bà con đóng góp kinh phí làm đường, nhà kẹt lắm thì có nhà khác hỗ trợ chung tay. Cả xóm thay nhau giám sát, lắp đặt đường ống nước sạch, trộn hồ để làm mương thoát nước, mở rộng lề đường cho thêm rộng rãi, khang trang. Con hẻm nhỏ ngày trước tối tăm, lởm chởm, lở lói, giờ nền bê tông xi măng rộng rãi, phẳng phiu, ban đêm điện sáng trưng. Người có ấm chè ngon, túi mứt, đĩa trái cây thảy đều đem ra góp vui lân la trò chuyện ngày rộng tháng dài, quên cả cái lạnh lúc đêm về... Dịch bệnh làm cho khắp nơi khốn đốn, xóm tôi cũng không là ngoại lệ. Làm ăn khó khăn, e ngại gặp gỡ, tiếp xúc. Cũng chột dạ khi có nhà giăng dây, lắp biển thông báo gia đình có người cách ly y tế. Nhưng sau tất cả, xóm giềng vẫn tình thân, chia sẻ với nhau.

Quen thuộc hàng ngày nhưng quan sát, tôi cũng thấy vui vì bà con trở nên linh hoạt, thích ứng an toàn, chăm chỉ, siêng năng trong thời buổi dịch giã. Những khoảnh đất trống được bà con cuốc xới, làm luống trồng rau, rào giậu cẩn thận để có thực phẩm sạch, an toàn. Chú Hòa, rồi chú Đức, cháu Phát, anh Tựu... mỗi nhà một khoảnh, chăm chút, săn sóc hàng ngày. Hàng xóm cũng vui lây với mảnh vườn nhỏ xinh láng giềng, mắt ánh lên niềm vui khi cọng hành, cây cải lớn lên từng ngày, tốt tươi, mơn mởn. Có cảm giác mái nhà, con đường, luống rau, con chim, chậu cá xóm này như là của chung. Thì đấy, túi đậu rồng Đức biếu tôi chẳng phải đã nói lên điều ấy!

Sau gia đình là xóm giềng. Cuộc sống đã khó khăn, vất vả, xóm giềng xa lạ, “đèn nhà ai nhà ấy rạng” chỉ tổ càng làm khó khăn thêm, con người thêm xa cách, lạnh lùng, thiếu đi sự động viên, sẻ chia cần thiết. Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư phải xem xét đầy đủ yếu tố này. Có thể anh “quyền cao chức trọng”, giàu “nứt đố đổ vách” nhưng xóm giềng xa cách thì chắc chắn là có... vấn đề. Ở một phương diện nào đó, phải thấy đó là thiếu hụt, thiếu sót, không chỉ riêng anh! Tình thân xóm giềng làm cho nơi trú ngụ không chỉ là chỗ ở, mà trên hết phải chung sức sẻ chia, đồng cảm để quanh mình đâu cũng thấy yêu thương.

 

 THẤT SƠN
 

Có thể bạn quan tâm

Khi nghệ sỹ vượt qua lằn ranh tối kị

Khi nghệ sỹ vượt qua lằn ranh tối kị

Khi thông tin Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố trên 1.000 bị can liên quan đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về Việt Nam, trong đó có cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL), dư luận đã giật mình.

Đưa lao động phi chính thức trở thành 'tài nguyên'

Đưa lao động phi chính thức trở thành 'tài nguyên'

Theo Công văn 1127 năm 2019 của Tổng cục Thống kê, khu vực phi chính thức bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản sản xuất ra sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và không phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, khái niệm này đã phần nào không còn sát với thực tế.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

Chẳng còn gì ngạc nhiên khi nghe chuyện học trò sử dụng ChatGPT và có thể là nhiều hỗ trợ AI khác nữa để "xử đẹp" các bài tập môn này môn kia. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đặt ra chuyện cấm dùng những hỗ trợ đó.

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.