Y tế học đường tại Gia Lai: Nhiều khoảng trống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các trường học có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, tại tỉnh Gia Lai, hầu hết các trường học đều đang gặp khó trong công tác này do thiếu phòng y tế, nhân viên y tế học đường.
Thiếu trầm trọng nhân viên y tế học đường
Năm học 2019-2020, Trường Tiểu học số 3 thị trấn Đak Đoa có 338 học sinh ở 12 lớp. Trường không có nhân viên y tế và phòng y tế nên công tác chăm sóc sức khỏe học sinh được tiến hành theo kiểu “tùy cơ ứng biến”. Cô Ngô Thị Tuyết Lan-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: Không có phòng y tế, nhân viên y tế nên công tác chăm sóc sức khỏe học sinh chưa được kịp thời; khi ốm đau, học sinh không có phòng để nghỉ ngơi. Thời gian vừa qua có một số trường hợp thương tích xảy ra tại trường, nhẹ thì các giáo viên xử lý tại chỗ còn nặng thì thông báo phụ huynh và cùng đưa học sinh đến Trung tâm Y tế huyện để chữa trị. Một số phụ huynh vì điều kiện kinh tế khó khăn, không có điện thoại hoặc có nhưng đi làm không nghe máy dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu đối với học sinh bị thương tích.
Đây cũng là tình hình chung của nhiều trường học trên địa bàn huyện Đak Đoa. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo, toàn huyện có 58 trường nhưng chỉ 8 trường có nhân viên y tế, các trường hầu như đều thiếu phòng y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe học sinh trên địa bàn vì vậy còn gặp không ít khó khăn.
 Nhân viên y tế trường học phải làm nhiều việc nhưng đồng lương hợp đồng khá ít ỏi. Ảnh: N.M
Nhân viên y tế trường học phải làm nhiều việc nhưng đồng lương hợp đồng khá ít ỏi. Ảnh: N.M
Tại thị xã An Khê, Trường Tiểu học Ngô Mây (phường An Phú) có phòng y tế nhưng lại thiếu nhân viên. Vì vậy, phòng y tế của nhà trường lâu dần đã biến thành nhà kho. Cô Huỳnh Thị Hương-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Năm học 2019-2020, toàn trường có 47 lớp với hơn 1.600 học sinh. Nhà trường rất quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe của học sinh nên bố trí phòng y tế và trang bị tủ thuốc. Tuy nhiên, 2 năm nay, trường thiếu nhân viên y tế, phòng y tế bất đắc dĩ trở thành kho đựng đồ. Giáo viên chủ nhiệm phải kiêm nhiệm công tác chăm sóc sức khỏe học sinh; hồ sơ sổ sách y tế không được đảm bảo; công tác tuyên truyền về y tế học đường cũng gặp khó khăn.
Theo thống kê, thị xã An Khê có 24 trường học nhưng chỉ 6 trường mẫu giáo có nhân viên y tế. Ông Nguyễn Hữu Hưng-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã-thông tin: “Việc thiếu nhân viên y tế gây ảnh hưởng tới việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh, gây khó khăn khi thực hiện khám-chữa bệnh định kỳ hàng năm. Công tác phối hợp phòng-chống dịch bệnh, bệnh học đường, truyền thông giáo dục sức khỏe cũng hạn chế, ảnh hưởng đến việc vận động cha mẹ học sinh tham gia mua bảo hiểm y tế cho con em”.
Lúng túng bài toán nhân lực

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 772 trường học (263 trường mầm non, 224 trường tiểu học, 235 trường THCS và 50 trường THPT) nhưng chỉ 341 trường có phòng y tế, chiếm 44%. Số nhân viên y tế cũng thiếu trầm trọng, chỉ mới có 176/772 trường có nhân viên y tế, chiếm gần 23%; trong số này, có 66 nhân viên y tế kiêm nhiệm thủ quỹ.

Theo quy định chung, các trường học phải có phòng y tế, nhân viên y tế nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, thiếu phòng học nên nhiều trường không thể bố trí được phòng y tế. Mặt khác, từ năm 2015 đến nay, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, Gia Lai nói riêng, các tỉnh, thành khác nói chung đều tạm ngừng tuyển viên chức chuyên trách làm công tác y tế trường học. Vì vậy, nhiều trường hiện không có biên chế y tế học đường. Để giải quyết vấn đề này, một số trường đã lấy nguồn tiền 5% trích lại trên tổng số tiền học sinh tham gia bảo hiểm y tế để hợp đồng nhân viên y tế. Nhưng nhiệm vụ của cán bộ y tế học đường rất rộng, ngoài sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh còn phải kiểm tra vệ sinh trường lớp, kiểm soát bếp ăn bán trú, chăm sóc, tư vấn sức khỏe, tâm lý cho học sinh… Việc nhiều trong khi lương thấp nên các trường rất khó giữ chân nhân viên y tế học đường. 
Chia sẻ về vấn đề này, cô Lê Thị Kiều Hạnh-Hiệu trưởng Trường THCS Đề Thám (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cho hay: Năm học 2019-2020, toàn trường có hơn 1.200 học sinh. Trường có phòng y tế và có y sĩ đa khoa phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Có y sĩ, nhà trường yên tâm tập trung công tác chuyên môn. Tuy nhiên, do không có chỉ tiêu biên chế y tế học đường nên trường linh động hợp đồng ngoài và lấy nguồn tiền 5% trích lại trên tổng số tiền học sinh tham gia bảo hiểm y tế để trả lương với mức lương chỉ 3,3 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền đóng bảo hiểm y tế và các chế độ theo quy định. Hiện nhân viên y tế nhà trường đã có chứng chỉ hành nghề khám-chữa bệnh. Với chứng chỉ này, họ có thể xin việc ở bất cứ cơ sở khám-chữa bệnh nào với mức lương cao hơn nên khó đảm bảo họ gắn bó lâu dài với công việc.
Do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên công tác chăm sóc sức khỏe học sinh trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Theo ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Để công tác này đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, Sở chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, bố trí nhân viên y tế theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Mặt khác, các trường hợp đồng với trạm y tế xã, phòng khám đa khoa, các cơ sở y tế có khả năng và gần nhất để đảm bảo chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định. Đồng thời, các trường phải phân công lãnh đạo phụ trách công tác y tế trường học để đảm bảo yêu cầu hoạt động”.
 NHƯ Ý-NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Việc kiêng cữ trong ăn uống với người mỡ máu cao không chỉ là giảm chất béo, thịt động vật mà cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giảm lượng đường, tinh bột nhanh từ trái cây, các loại bánh ngọt, hạn chế bia rượu...