Xuân sớm trên chiến khu Ba Lòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong kháng chiến, Ba Lòng (huyện Đakrông, Quảng Trị) được chọn làm chiến khu. Nơi đây có địa thế hiểm trở, một bên sông chảy từ thượng nguồn Trường Sơn về đồng bằng, một bên núi non trùng điệp, vững chắc để phòng ngự, thuận lợi tấn công địch.
Sau ngày đất nước giải phóng, người dân Ba Lòng nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, hăng say thi đua lao động để kiến thiết lại quê hương. Trải qua 45 mùa xuân với những thay đổi, khởi sắc, năm nay người dân Ba Lòng lại phấn khởi đón một mùa xuân đến sớm…
Từ TP Đông Hà ngược lên miền núi Đakrông khoảng 40km, đến ngã ba trung tâm huyện lỵ rồi rẽ trái theo đường nhựa vượt núi đồi thêm 12km nữa gặp con đập tràn bắc qua dòng sông phía bên tay phải, đây là cửa ngõ vào chiến khu Ba Lòng. Năm nào cũng vậy, thường vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, vùng núi Ba Lòng có mưa nhẹ, thuận lợi để người nông dân ra đồng canh tác vụ mùa. Hai bên con đường vào trung tâm xã, chúng tôi thấy bà con bận rộn với việc làm đất, gieo hạt. Công việc lam lũ, song khuôn mặt họ rạng ngời, ai cũng nở nụ cười tươi đón khách phương xa.

Vợ chồng anh Minh, chị Tuyền, thôn Hà Lương cho biết, hạt đậu xanh lòng không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền, đặc biệt dùng làm nhân bánh tét.
Vợ chồng anh Minh, chị Tuyền, thôn Hà Lương cho biết, hạt đậu xanh lòng không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền, đặc biệt dùng làm nhân bánh tét.
Vợ chồng anh Lê Văn Minh (SN 1970), chị Đặng Thị Tuyền (SN 1978), thôn Hà Lương bộc bạch rằng, ở Ba Lòng đất ruộng lúa nước ít, một số hộ có nhưng chỉ 1 -2 sào/hộ, còn lại chủ yếu đất hoa màu. Để có đất sản xuất, vợ chồng họ thuê lại đất của những hộ già yếu, neo đơn, trả tiền trước hoặc sau mỗi vụ thu hoạch. So với trồng lúa, các loại cây hoa màu này cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Nhờ siêng năng, chịu khó làm lụng, bên cạnh nuôi 3 đứa con ăn học, những năm qua, họ còn dành dụm, tích cóp được số tiền hơn 700 triệu đồng xây dựng ngôi nhà mới kiên cố, khang trang.
Riêng vụ hoa màu vừa rồi, hai vợ chồng làm được 2 mẫu, chủ yếu đậu xanh lòng, đậu đỏ và một ít đậu phụng. Nhờ thời tiết thuận lợi, năng suất đạt cao hơn so với các năm trước, sau khi trừ các chi phí và tiền thuê đất, lãi ròng được hơn 170 triệu đồng. Phấn khởi nên vợ chồng, con cái đã về xuôi sắm Tết cách đây 2 hôm.
Ông Nguyễn Văn Cai, thôn Tân Xá, thoát ly theo bộ đội ngay những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhớ lại: “Sau khi Pháp bị ta đánh đuổi, Mỹ nhanh chóng nhận thấy Ba Lòng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nên đã tìm cách đánh chiếm để làm căn cứ. Với ý đồ, âm mưu này, ngay từ khi xây dựng hàng rào điện tử McNamara, Mỹ đã đưa Ba Lòng vào trong tầm kiểm soát. Đến khi chiến dịch Đường 9 – Nam Lào diễn ra, giặc đã tập trung tối đa hỏa lực, máy bay rải thảm chất độc diệt cỏ và phát quang nhằm huỷ diệt Ba Lòng. Vì thế, sau khi chiến tranh chấm dứt đã nhiều năm, Ba Lòng vẫn còn là “vùng đất chết”. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ba Lòng đã đoàn kết vượt khó để phát triển kinh tế -xã hội mới có được một Ba Lòng khởi sắc như ngày nay”.
Vượt qua bao khó khăn, vất vả, cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp uỷ, chính quyền địa phương, diện mạo Ba Lòng hơn 10 năm lại đây đã dần có những thay đổi đáng mừng. Bắt đầu là con đường thảm nhựa phẳng phiu, dài 12km nối trung tâm huyện lỵ Đakrông với Ba Lòng. Tiếp đến, các con đường liên thôn được bê tông hoá, những ngôi trường từ mầm non đến cấp 2, trạm y tế xã, các nhà văn hoá thôn bản được xây dựng khang trang.
Điện lưới quốc gia được kéo đến thắp sáng; hệ thống bể lọc, đường ống cung cấp nước sạch,  đầu tư xây dựng phục vụ từng hộ dân. Nhờ đó, thay vì cuộc sống bị chia cắt, cách biệt giữa núi rừng trước đây, hơn 10 năm nay, người dân Ba Lòng đã có điều kiện thuận lợi đi lại phát triển sản xuất, giao thương với bên ngoài, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Anh Lê Quang Thao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Lòng tâm sự: “Sau khi Ba Lòng thoát khỏi tình trạng chia cắt, người dân ở đây ngày càng tiếp cận, tìm hiểu, học hỏi được nhiều nguồn kiến thức phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh phong phú”. Hiện tại, 6 thôn của xã (912 hộ, 3661 khẩu) đều có 20-30 hộ/thôn làm ăn từ khá đến giàu có, chiếm trên 15% số hộ/thôn.
Đơn cử, ở Mai Sơn có các hộ ông Lê Doãn, Lê Hoàng; ở Hà Lương có chị Lê Thị Huệ, Lê Thị Thu Cúc, hay như ở Tân Xá có các hộ ông Nguyễn Thái Phùng, Hồ Xuân Toàn. Những hộ này vừa trồng rừng sản xuất, vừa chăn nuôi bò sinh sản và các đàn heo thịt luôn từ 30-45 con/đàn, mỗi năm xuất bán, tổng lãi ròng 300-400 triệu đồng/hộ. Để việc chăn nuôi gia súc đạt hiệu quả cao, năm 2020, UBND xã Ba Lòng đã đưa vào xây dựng thí điểm mô hình chăn nuôi bò đàn theo từng nhóm hộ. Đến nay, nhóm hộ ông Lê Quang Thức, Lê Quang Lượng và Lê Quang Thao, ở thôn 5 đã bước đầu thành công. Mô hình từ 30 con bò giống sinh sản, sau một năm đã tăng nhanh thành 49 con.

Mùa xuân với các trai thanh, nữ tú ở Ba Lòng.
Mùa xuân với các trai thanh, nữ tú ở Ba Lòng.
Chúng tôi đến thăm gia đình già làng Hồ Xưng ở thôn Tà Lang. Bên bếp lửa nhà sàn, già Xưng chậm rãi kể: “Trong chiến tranh chống Mỹ, bố vào rừng làm giao liên cho bộ đội. Hơn 20 năm bom đạn giội xuống Ba Lòng, với hàng ngàn câu chuyện buồn xảy ra, không thể kể hết. Chỉ biết rằng người Ba Lòng không bao giờ lùi bước, hễ còn thở là còn có thể kháng chiến; đất còn người thì đất sẽ phải nở hoa”.
Già Xưng khơi bếp lửa, ánh mắt theo ánh sáng hồng lên phía ô cửa sổ, nơi nhìn ra bên ngoài những cánh rừng xanh bát ngát, những nếp nhà sàn ngăn nắp bên lưng chừng núi, nói với chúng tôi đầy tự hào: “Ba Lòng nay đã đổi thay nhiều lắm. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng được Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng ngày càng hoàn thiện. Kinh tế người dân nhờ đó phát triển, việc học của con em được chú ý, đầu tư hơn. Đáng nhớ nhất, lúc xã bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), bà con ở đây rất phấn khởi, đồng lòng hưởng ứng. Ngoài việc tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hoá thôn bản và cả trụ sở làm việc, nhà ở cho CBCS Công an xã chính quy, bà con còn đóng góp hàng ngàn ngày công để giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường sạch sẽ, thi đua thực hiện nếp sống gia đình văn hoá, văn minh. Chứng kiến và tham gia vào những việc làm này, bố rất vui cái bụng!”. 
Chị Hoàng Y Lê Va, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng cho hay, qua từng bước khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, đến nay Ba Lòng đã đạt được 13/23 tiêu chí. Trong năm 2022, sẽ cố gắng hoàn thành 2/3 số tiêu chí còn lại; tập trung nâng cao đời sống người dân qua nhiều hình thức đầu tư và sản xuất, trong đó chú trọng việc phát triển nông-lâm nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ. Nhất là sản xuất nông nghiệp, ở vùng đồi núi Ba Lòng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết khá phù hợp với các loại cây hoa màu ngắn ngày như đậu xanh lòng, đậu đỏ và đậu phụng, cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn so với các vùng quê khác, nên sẽ lấy đó làm đặc sản, từng bước xây dựng thương hiệu đầu ra, tìm và mở rộng nguồn xuất bán sản phẩm nông nghiệp này cho bà con nông dân.
Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, TTATXH địa bàn, Ba Lòng còn làm rất tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; chăm sóc gia đình liệt sĩ, thương-bệnh binh, người có công với cách mạng. Đáng chú ý, tháng 8/2021, người dân Ba Lòng đã cùng với Sư đoàn 968 đóng quân tại Quảng Trị nỗ lực khai quật, tìm kiếm được hàng chục hài cốt liệt sĩ qua hơn 40 năm hy sinh trên địa bàn chưa tìm thấy được. 
Theo báo cáo của UBND xã Ba Lòng, năm 2021, địa phương này còn có những thành công đáng chú ý. Bên cạnh trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng sản xuất, toàn xã còn trồng được 2 vạn cây phân tán, có tác dụng tăng diện tích cây xanh, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, kết hợp cung cấp gỗ, củi và dịch vụ du lịch. Toàn xã có tổng đàn đại gia súc 1.297 con, đạt 104,6% kế hoạch của  năm; tổng đàn gia cầm 19.700 con, đạt 100% kế hoạch. Duy trì tốt trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; có gần 100% hộ gia đình tiếp tục được công nhận gia đình văn hóa. Thu nhập của người dân tăng 2 triệu đồng/người/năm so với 15 triệu đồng/người/năm 2020. Tình hình an ninh chính trị và TTATXH địa bàn tiếp tục được đảm bảo giữ vững, toàn thể nhân dân, đặc biệt bà con giáo dân chấp hành rất tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...
Ba Lòng chớm vào xuân. Cuối ngày, đi trên những con đường làng sạch sẽ, nghe tiếng chuyện trò, cười, nói rôm rả của những người nông dân vừa kết thúc công việc đồng áng, tôi có cảm giác ở vùng đất chiến khu xưa này mùa xuân đã đến sớm hơn!...
Thanh Bình (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.