Cho dù đại dịch Covid-19 có bùng phát trở lại thì mùa Xuân vẫn đang về trên đất nước chúng ta. Mà mùa Xuân là mùa của niềm tin và hy vọng.
Chúng ta tin và hy vọng rằng sự bùng phát của dịch Covid-19 lần này cũng sẽ nhanh chóng được khống chế. Sự phản ứng nhanh nhạy, quyết đoán của chính quyền, sự đồng lòng của toàn dân và kinh nghiệm phòng chống dịch đã được tích tụ là sức mạnh to lớn của chúng ta trong cuộc chiến này. Và chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng!
Chiến thắng dịch vừa là để bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của người dân và cũng là để cứu vãn nền kinh tế cùng những cơ hội to lớn khác của đất nước.
Trước hết, đó là cơ hội tăng cường sức mạnh mềm của đất nước. Thành tựu to lớn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã làm cho Việt Nam trở nên nổi tiếng khắp toàn cầu. Sự sẻ chia nguồn lực ít ỏi cùng với thế giới đã làm cho nước ta càng được mến mộ nhiều hơn. Chúng ta hoàn toàn có thể phát huy sức mạnh mềm này để phát triển kinh tế. Khống chế có hiệu quả đại dịch, Việt Nam trở thành một đất nước nổi tiếng về sự an toàn, qua đó sẽ giúp chúng ta thu hút dễ dàng hơn các nguồn lực của thế giới. Sự thân thiện và sẵn sàng chia sẻ của người Việt cũng gây được thiện cảm rất lớn. Thiện cảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành vi tiêu dùng. Với chất lượng và giá cả phù hợp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ có cơ hội được lựa chọn nhiều hơn ở khắp thế giới.
Thứ hai, cơ hội phát huy sức mạnh của thị trường trong nước để bảo đảm một sự phát triển bền vững hơn. Do có khả năng khống chế đại dịch tốt hơn nên nước ta có điều kiện thực hiện mục tiêu kép. Cụ thể là vừa chống dịch vừa duy trì các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, khi các nước khác còn đóng cửa để chống dịch thì tiếp cận thị trường của họ gặp khó khăn. Mà như vậy, muốn duy trì các hoạt động kinh tế, bắt buộc phải dựa vào thị trường nội địa nhiều hơn. Các doanh nghiệp sẽ buộc phải quan tâm đến người tiêu dùng trong nước nhiều hơn. Từ đó, chúng ta sẽ vượt qua được nghịch cảnh là cái gì tốt hơn, đẹp hơn chỉ dành cho người nước ngoài. Khi thị trường trong nước ít được quan tâm thì chịu thiệt thòi không chỉ là những người tiêu dùng trong nước, mà là cả các doanh nghiệp. Với dân số lên đến gần 100 triệu người thì thị trường trong nước là rất lớn. Làm chủ thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tránh được sự biến động bất thường của thị trường thế giới, nhờ vậy cả nền kinh tế sẽ phát triển bền vững hơn.
Thứ ba, cơ hội đón nhận sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng. Sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng trong thời gian dịch bệnh đã cho thấy phụ thuộc vào một trung tâm duy nhất là rất rủi ro. Chính vì vậy, rất nhiều nước đang tìm cách chuyển các nhà máy, xí nghiệp của họ ra khỏi Trung Quốc. Cho dù xu thế dịch chuyển về nước sẽ là chủ yếu, thì vì sự tối ưu hóa, nhiều doanh nghiệp vẫn sẽ lựa chọn Việt Nam. Vấn đề chỉ là chúng ta có thể tạo ra được sự tối ưu đó đến mức nào mà thôi. Nhân lực, logistics, cơ sở hạ tầng là những thứ phải mất nhiều thời gian chúng ta mới cải thiện được, song thủ tục hành chính, tinh thần hợp tác là những thứ có thể cải thiện ngay để tận dụng cơ hội này.
Cuối cùng, mọi cơ hội dù lớn đến đâu cũng chỉ là những khả năng. Chúng phụ thuộc rất lớn vào thành tựu khống chế đại dịch Covid-19 của chúng ta lần này. Với sức mạnh của thể chế, sự đồng lòng toàn dân và năng lực ngành y tế, chúng ta chắc chắn sẽ thành công trong việc khống chế đại dịch và hiện thực hóa các cơ hội của đất nước.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
(Dẫn nguồn NLĐO)