Nhà này sập tường, nhà kia sập trần... đủ thứ sập. Ngổn ngang, đổ nát như vừa trải qua một trận bom.
|
Vợ chồng ông bà Lê Văn Lình và Đỗ Thị Mỹ ăn cơm trong ngôi nhà tan hoang do lũ |
Đó là những gì mà trận đại hồng thủy giữa tháng 10 để lại cho người dân thôn Phú Thọ (xã An Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình).
Lũ nối lũ
Đường về Phú Thọ không quá xa nhưng lòng cứ nôn nao, bởi đi giữa chừng thì tôi nhận thông tin nước lũ trên sông Kiến Giang ngày 29.10 đang lên khá nhanh. Vừa đi, tôi vừa lo không tiếp cận được Phú Thọ, rồi mắc kẹt trong lũ. Đây là thôn chịu ảnh hưởng nặng vì địa bàn xung yếu. Cái thôn này, bình thường hiền hòa, mát dịu bởi ba bên bốn bề gần như là sông nước, đồng ruộng mênh mông nhưng khi có mưa lũ, thôn trở thành ốc đảo, sóng nước dữ dội. Còn nhớ, ngày 22.10, mặc dù lũ đã rút hơn 1 m nhưng thôn vẫn bị ngập rất sâu và sóng đánh rất dữ. Chúng tôi phải dùng xuồng phao cứu hộ hiện đại để chuyển hàng hóa cứu trợ cho người dân. Có nhiều gia đình không thể cập thuyền được, phải thả dây, cột lương thực vào phao cứu sinh cho bà con kéo vào.
Và đúng như dự đoán, khi còn cách thôn chừng 2 km nữa thì nước lũ từ sông Kiến Giang chảy tràn vào khá mạnh; con đường ven sông đã ngập gần nửa bánh xe. Tôi buộc phải quay trở lại UBND xã An Thủy tìm sự trợ giúp. Lãnh đạo xã nhiệt tình cử một cán bộ nắm rõ địa bàn dẫn đường, nhưng rồi chúng tôi lại bất lực bởi nước lũ lên quá nhanh.
|
Nhà ông Lộc, 91 tuổi, bố chồng của bà Đỗ Thị Hường bị đổ sập hết tường ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM |
Đang loay hoay chưa biết xử lý thế nào thì một người đàn ông ở trong ngôi nhà ven đường nói vọng ra: “Tui có đò, mấy chú đi thì để tui chở; cho tui tiền xăng là được”. Tôi vội lội vào ngôi nhà ấy, hỡi ôi, ngôi nhà toang hoác do lũ đánh sập tường mặt trước. Ông là Phạm Hồng Quân, ở đội 3, thôn Lộc An. Mấy ngày qua, vợ chồng ông và người con gái học lớp 10 sống vạ vật trong ngôi nhà lồng lộng gió, lạnh lẽo.
“Đi nhanh kẻo nước lên, không kịp”, ông Quân thúc. Con đò nhỏ luồn lách qua ngõ xóm đã ngập nước lũ rồi băng ra đồng. Càng chạy, sóng càng dữ, nhiều lúc tưởng như muốn lật đò. Tình thế buộc chúng tôi phải chuyển hướng băng qua khu dân cư, chỗ nào mắc cạn thì khiêng đò qua.
|
Kiệt quệ vì chịu lũ dài ngày, vợ chồng bà Võ Thị Niềm không còn đủ sức dọn dẹp đống đổ nát |
10 ngày sống nhờ
Rồi cũng đến, Phú Thọ hiện ra xơ xác, tiêu điều. Từ xa đã thấy nhà sập, đổ tứ tung. Nghe tiếng máy đò, bà Võ Thị Niềm vội vã lao ra nói lớn: “Chú ơi chú, mấy chú vào đây mà coi này”. Chúng tôi tấp đò vào khoảng trống phía sau nhà, bà Niềm bảo, đó là nhà bếp đã bị sập, chỉ còn lại đống đổ nát, tường gạch từng mảng lớn nhỏ và mái tôn móp méo trộn lẫn lên nhau. Chiếc máy cày ngập nước và bị mảng tường vỡ đè lên còn nằm y nguyên. Vợ chồng bà Niềm chẳng còn sức đâu dọn dẹp sau những ngày dài chống chọi với lũ dữ.
Nghe có người đến hỏi thăm xóm, bà Châu Thị Như tất tả chèo đò về, rồi lội xuống lũ. Nhà bà Như nằm kế nhà bà Niềm và cũng chung số phận trước sóng lũ. Bà than thở: “Trước đây là nhà bếp tui, chừ không còn chi nữa chú à, lũ quét sạch”.
Kể ra, những trường hợp như bà Niềm, bà Như còn khá may mắn, còn có chỗ ngủ vì nhà lớn chưa sập. Trong khi nhiều nhà quanh đó, đến cái bàn thờ cũng không còn!
Theo thống kê ban đầu của UBND xã An Thủy, thôn Phú Thọ có 51 nhà sập hoàn toàn và sập nhà bếp. Không chỉ có Phú Thọ, rất nhiều nhà ở thôn khác tại các xã An Thủy, Lộc Thủy, Hồng Thủy... (H.Lệ Thủy) cũng hư hỏng nhà cửa, tường rào.
Lách đò len tiếp trong xóm... nhà sập. Rều rác mắc dính đầy trên thân cây cối, nằm cao đến gần 4 m so với mực nước lũ hiện tại. Chúng tôi tấp thuyền vào một ngôi nhà chỉ còn chỏng chơ những cái cột gỗ và một ít mảng tường phía trước. Trên sân, một phụ nữ gầy gò, quần xắn lên tận gối đang lượm lặt đồ đạc. Bà là Châu Thị Cúc. Nước lũ trận thứ 3 đang mấp mé sân, vị cán bộ địa chính xã An Thủy đi cùng tôi nói đùa: “Bữa nay bến sông gần bà nhỉ”. Bà đi ra, rồi mếu máo dẫn chúng tôi lên nhà. 61 năm từ khi sinh ra đến bây giờ, bà chưa từng thấy trận lũ nào kinh hoàng đến như vậy. 10 ngày qua, kể từ khi nước lũ dồn về đánh sập nhà, không ngày đêm nào bà không thoát khỏi nỗi ám ảnh thời khắc giữa sự sống và cái chết.
“Chồng mất đã lâu, con cái làm ăn xa, tui ở một mình. Nước lên rất nhanh, tui vừa dọn đồ vừa lo sợ. Đứa con gọi điện về nói thôi mạ thả hết đi, chỉ cố gắng đưa ba (ảnh thờ - PV) lên tra (gác gỗ nằm sát mái nhà để chống lũ - PV) là được rồi. Nghe hắn nói xong tui không cầm được nước mắt. Tui ở trên tra hơn 1 ngày, không có cơm ăn, mì tôm cũng không có. Đến 3 giờ ngày 19.10, tui bắt đầu nghe tiếng nhà nứt rắc rắc. Tui gọi điện thoại cho con tui nói e mạ chết thôi con ơi. Đứa con dặn lại, mạ ngồi dồn về một phía. Rồi bức tường sau nhà đổ sập, ngói rơi rớt xuống nước. Sau đó bức tường kế bên cũng sập. Đến gần sáng, mấy nhà hàng xóm phát hiện nên hò nhau cứu tui. Họ phá mái nhà, cột dây rồi kéo tui đi”, bà Cúc kể lại trong nỗi thất thần.
Trong nhà, đồ đạc của bà bị trôi và hư hỏng hết. Bà bảo chỉ còn một cái ghế nguyên vẹn, ngồi được. 10 ngày qua, bà sống nhờ nhà hàng xóm, nhà bà con. Tối đi ngủ, ngày về nhặt nhạnh, thu vén các thứ và để trực xem có đoàn cứu trợ nào đến cho gì không.
|
Lũ dâng ngập ở xã An Thủy, H.Lệ Thủy ngày 29.10 (đợt lũ thứ 3 trong tháng 10) |
Những “hiệp sĩ” làng biển đưa thuyền đánh cá cứu hộ vùng lũ Quảng Bình
Mờ mịt phía trước
Ở đội 4, thôn Phú Thọ bây giờ, quá nhiều hoàn cảnh oái oăm như bà Cúc. Nói màn trời chiếu đất thì chưa hẳn vì trên đầu họ vẫn sót lại vài ba phần mái nhà; nhưng để ở trong ngôi nhà trống hoác, trong đống đổ nát như vậy, ắt hẳn là mình đồng da sắt. Chẳng ai chịu đựng nổi cảnh không giường, không chiếu, không một bức mành che chắn và lại giữa đồng gió nước ràn rạt trong tiết trời se lạnh.
Chủ nhân của những ngôi nhà sập đang nương tựa vào tình làng nghĩa xóm. Dù cảm thấy phiền hà, nhưng họ đành cắn răng chịu đựng bởi không còn lựa chọn nào hơn. Ví như vợ chồng ông bà Châu Văn Long và Đỗ Thị Hường, đang sống qua ngày đoạn tháng bằng những vật dụng và lương thực từ cứu trợ. Bà chia sẻ, chỉ cần có cơm qua ngày là được; may có đoàn cho bếp gas mini, có đoàn cho gạo, vậy là vợ chồng khỏi đói.
Cũng không ít trường hợp như bà Nguyễn Thị Kha (60 tuổi), được cứu trợ đồ dùng, lương thực nhưng không nấu được vì nhà cửa trống trơ nên gió dữ quá, thổi tắt lửa. Bà và người cháu 10 tuổi phải đi ở nhờ nhà ông Lê Văn Sĩ.
Cám cảnh hơn, đổ sập thường rơi vào những ngôi nhà nghèo, neo đơn, già cả. Bà con không có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, chỉ trông chờ vào mấy sào lúa. Mấy chục năm trời chắt bóp, nay sửa cái này, mai xây thêm cái kia để có cái che nắng che mưa. Giờ tan tành theo lũ, đến cái ăn còn không có thì nói chi chuyện xây lại nhà cửa.
Rời xóm... nhà sập, tôi mang theo quá nhiều ánh mắt mòn mỏi, quá nhiều lời nhắn nhủ như cầu xin của người dân ở đó. Công cuộc tái thiết, để cho người dân vùng lũ có chốn ngả lưng, sẽ không có ngày về đích nếu thiếu đi tấm lòng của mọi miền đất nước.
Theo Trương Quang Nam (Thanh Niên)