Xóa gấp các "điểm đen" tai nạn giao thông trên đường đèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ năm 2017 đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đầu tư kinh phí xử lý trên 400 “điểm đen” tai nạn giao thông trên hệ thống quốc lộ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn 230 “điểm đen” và 550 điểm tiềm ẩn TNGT, nhất là các điểm đen trên đường đèo, đang trở thành nỗi “ám ảnh” của lái xe đường dài cần ưu tiên xử lý gấp.
 

Đèo Lò Xo đoạn qua huyện Đăk Glei (Kon Tum).
Đèo Lò Xo đoạn qua huyện Đăk Glei (Kon Tum).

Hoàn thiện hệ thống cảnh báo, mở rộng tầm nhìn

Quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La trước đây có tới 10 "điểm đen" tai nạn giao thông (TNGT) tại các vị trí Km99+800, Km126+300 - Km126+900, Km127+300 - Km127 +800… Tại các điểm này, trong những tháng đầu năm 2017, đã xảy ra 49 vụ TNGT, làm chết 23 người, 51 người bị thương. Đây là tuyến huyết mạch từ Hà Nội đi Tây Bắc, tuy nhiên do địa hình nhiều đèo núi, nhiều khúc cua gấp, không đảm bảo tầm nhìn, vùng núi cao có nhiều sương mù, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Thực hiện dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) đầu tư cải tạo, nâng cấp QL6 do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ trong năm 2017, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho sơn kẻ lại đường, lắp đinh tiêu phản quang, bổ sung biển phân luồng, gờ giảm tốc, đèn tín hiệu cưỡng bức tại các khúc cua, lắp bổ sung tôn sóng khu vực sâu, cua dốc, biển cảnh báo hạn chế tốc độ 50 km/giờ và đào đắp đường lánh nạn... để cảnh báo sớm lái xe làm chủ tốc độ từ xa. Nhờ vậy, đến nay, tại các vị trí "điểm đen" trên, giao thông đi lại êm thuận, chưa xảy ra vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng nào.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện nhận định, trên nhiều tuyến quốc lộ vẫn tồn tại rất nhiều “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT. Nhiều điểm nằm ở các đoạn đường cong bán kính nhỏ, khuất tầm nhìn hoặc đường đèo dốc. Chỉ riêng quốc lộ 4B qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có đến 8 “điểm đen”; quốc lộ 1B có 9 “điểm đen” và 20 vị trí tiềm ẩn nguy cơ TNGT... Tại các vị trí này, nếu phương tiện không chủ động giảm tốc độ, chú ý quan sát, khi vào cua lấn sang phần đường bên cạnh, gặp xe đi ngược chiều thì tai nạn rất dễ xảy ra.

Tiếp tục xóa các "điểm đen" TNGT, theo ông Huyện, từ nay đến hết năm 2018, Tổng cục sẽ tập trung tuyên truyền, hoàn thiện hệ thống cảnh báo, biển báo, mở rộng tầm nhìn tại các khu vực bán kính cong, bố trí hộ lan có tường chắn tại các vị trí nguy hiểm kết hợp trồng cây trên taluy âm, lắp đặt thêm gương cầu lồi, sơn kết dính kết hợp đinh phản quang... Dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 2.000 tỷ đồng.

“Trước mắt, Tổng cục sẽ rà soát, dành khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo trì để xử lý ngay các "điểm đen" có tính chất nguy hiểm, cấp bách. Với các điểm tiềm ẩn TNGT đòi hỏi kinh phí đầu tư khắc phục lớn, sẽ xử lý tạm và xử lý dần trong kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc các dự án xây dựng cơ bản”, ông Huyện cho hay.

Ưu tiên xóa "điểm đen" trên đường đèo

Liên tục các vụ TNGT nghiêm trọng thời gian gần đây xảy ra trên các cung đường đèo cho thấy các "điểm đen" tại các khu vực dèo dốc rất đáng lo ngại.

Cụ thể, tại khu vực đèo Lò Xo huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum đã xảy ra những vụ TNGT rất thương tâm. Đèo Lò Xo dài khoảng 30 km từ huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đến huyện Đăk Glei (Kon Tum) đi qua khu vực núi cao, vực sâu, có độ dốc lớn, đường quanh co liên tục, nhiều sương mù. Thời gian qua, tuy hệ thống an toàn giao thông như cọc tiêu, biển báo hiệu, hệ thống hộ lan… trên tuyến đã được đầu tư, nhưng vẫn liên tục xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

Gần đây nhất, ngày 16/6 một vụ tại nạn xảy ra tại khu vực này đã khiến 3 người chết, 19 người bị thương. Trước đó, ngày 1/3/2018, tại "điểm đen" này cũng đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng khi xe khách BKS 90B - 500.32 lao xuống vực sâu 100 m. Qua điều tra nguyên nhân, ngoài việc chủ xe vi phạm luật giao thông, thì việc khuất tầm nhìn, đường dốc đã khiến nhiều lái xe và phương tiện qua điểm đen này chủ quan, gây tai nạn.

Hay vụ lật xe trên đèo Khánh Lê (QL27C), hướng từ Nha Trang lên Đà Lạt ngày 12/5 vừa qua khiến 3 người chết, 17 người bị thương. Khúc cua tại Km 44+720 với một bên vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu cũng là "điểm đen" cần xóa gấp. Vị trí này năm 2013 đã xảy ra 1 vụ TNGT làm 7 người chết, 22 người bị thương. Gần 30 km qua đèo Khánh Lê có tới 12 điểm mất ATGT. Mặc dù có hàng loạt biển cảnh báo đường đèo, khúc cua gấp nguy hiểm được lắp đặt, nhưng những khúc cua tay áo trên đèo luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn với lái xe...

Ngay sau các vụ TNGT trên đường đèo nói trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các địa phương nghiên cứu cắt cua, mở rộng tầm nhìn, kết hợp làm các vị trí dừng đỗ khẩn cấp cho xe dọc tuyến, xây dựng đường lánh nạn, xây dựng hộ lan bằng nhiều kết cấu khác nhau phù hợp với điều kiện địa hình.

Hiện nay, các Cục Quản lý đường bộ địa phương đang hoàn thiện lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ tại những trí đèo dốc nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ TNGT; lắp camera giám sát và phối hợp với lực lượng CSGT thường xuyên kiểm tra trên tuyến để xử lý kịp thời phát sinh.

Đăng Sơn/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm