(GLO)- Theo thống kê từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh Gia Lai xảy ra 1.231 vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Riêng trong 9 tháng năm 2018 đã xảy ra 100 vụ bạo lực gia đình và 19 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có những vụ bạo hành, xâm hại gây bức xúc dư luận.
Nói về nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực gia đình, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) chia sẻ: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình như điều kiện kinh tế khó khăn gây phát sinh mâu thuẫn, lục đục, hoặc do người chồng say rượu, không kiềm chế được hành vi của bản thân... Trình độ học vấn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, coi hành vi đánh vợ là chuyện bình thường cũng là nguyên nhân hiện hữu. Thêm nữa, tình trạng bất bình đẳng giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại, vai trò của người phụ nữ trong gia đình bị xem nhẹ. Trong khi đó, nhiều phụ nữ bị bạo hành vẫn cam chịu, sợ xấu hổ, không dám chia sẻ với mọi người”.
|
Tuyên truyền phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới. Ảnh: Đ.Y |
Theo bà Thủy, để xóa bỏ bạo lực gia đình, nam giới cần có sự thông cảm, chia sẻ, cùng gánh vác trách nhiệm với vợ và con cái trong công việc. Gia đình anh chị Rmah Breo-Siu HReo (thôn Hlim 2, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) là một ví dụ. Anh chị lấy nhau đã 6 năm, có một con trai 5 tuổi. Gia đình 2 bên đều nghèo khó, không ruộng đất, vợ chồng sống đắp đổi bằng nghề làm thuê. Những lúc khó khăn, anh Breo chán nản, thường tụ tập bạn bè để uống rượu, vợ cằn nhằn thì anh liền đánh đập. Nhiều lần như vậy, chị HReo đã nhờ già làng khuyên bảo, động viên chồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng giúp đỡ gia đình vay vốn ưu đãi mua cặp bò giống về nuôi. Bà con họ hàng còn cho anh chị mượn 2 ha đất trồng mì trong thời gian 5 năm. Có việc làm và thu nhập ổn định, anh Breo đã thay đổi tâm tính. Anh thổ lộ: “Trước đây nghèo vì lười làm, suốt ngày uống rượu, giờ mình không uống nữa để có thời gian đi làm kiếm tiền phát triển kinh tế gia đình”. Hiện tại, vợ chồng anh Breo đang chăm sóc 2 con bò giống, trồng 2 ha mì cao sản. Hết việc nhà, anh Breo đi làm thuê để có thêm thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch): “Nhân Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng cần tiếp tục kiên trì đấu tranh xóa bỏ bạo lực gia đình bằng những hành động thiết thực để góp phần tác động tích cực đến xã hội, làm cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình ngày một hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu, bình đẳng”.
|
Tại lễ phát động Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tổ chức mới đây có sự tham dự của 34 cặp vợ chồng khá đặc biệt. Trước đây, gia đình họ thường xảy ra nạn bạo hành. Tuy nhiên, nhờ được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, họ đã tạo dựng được cuộc sống hạnh phúc, kinh tế phát triển.
Song kết quả đạt được chỉ là con số rất nhỏ so với cả trăm vụ bạo lực gia đình vẫn đang xảy ra trên địa bàn tỉnh mỗi năm. Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh-cho rằng: Phụ nữ hãy lên tiếng trước những hành vi bạo lực trong gia đình, có như vậy mới chủ động bảo vệ bản thân. Ngoài ra, mỗi cá nhân cần tự trang bị kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, quy định của pháp luật về phòng-chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới... trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân. Đồng thời, tích cực lao động sản xuất, đảm bảo điều kiện kinh tế gia đình phát triển bền vững, bởi kinh tế chật vật cũng là nguyên nhân dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, bạo lực. Các thành viên trong gia đình cũng cần dành thời gian quan tâm, chăm sóc, tôn trọng lẫn nhau, tiến tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.
Theo bà Thanh, sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng có vai trò rất quan trọng. Bởi khi phát hiện bạo lực, có sự can thiệp từ sớm của hợp lực này thì sự việc sẽ không đi quá xa, không để lại những hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các địa phương cần duy trì, nâng cao chất lượng, nhân rộng mô hình và câu lạc bộ “Ngăn ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới”, trong đó khuyến khích sự tham gia tích cực của nam giới và trẻ em trai tập trung ở địa bàn nông thôn, nơi thường xảy ra bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái…
Hà Tây